.

Alfred Riedl: Vì đời là những chuyến đi…

Cập nhật: 16:27, 12/09/2020 (GMT+7)
Cuộc phiêu lưu tưởng như dài vô tận của HLV Alfred Riedl đã khép lại ở tuổi 70. Đó là lúc để tất cả nhìn lại hành trình đầy kinh ngạc của một con người dũng cảm, không ngại dấn thân và và cố gắng thay đổi thế giới bằng bóng đá.
 
Đôi khi HLV Alfred Riedl không thể nhớ nổi ông đã dẫn dắt những đội nào. Như vào năm 2011, khi 61 tuổi, trong cuộc trò chuyện với tờ DerStandard, ông quên mất mình đã từng tới Iraq. Và Riedl đã phải sử dụng internet, để rồi nhận thấy ông đã huấn luyện ở quốc gia này trong vài tháng.
 
a
HLV Alfred Riedl đã kinh qua 22 đội khác nhau, đóng vai trò HLV trưởng của 16 trong số đó
“Tôi nhớ ra rồi, đó dường như là một đội hạng nhất. Ấn tượng trong tôi là những ngôi nhà ở Baghdad sơn các khẩu hiệu chống Mỹ và việc tôi được đối xử rất tốt”, ông nói với tờ báo ở quê nhà, trong buổi chiều ở quán rượu nằm trên đường cao tốc liên bang 17 gần Gumpoldskirchen, giữa một bên là trạm xăng, một bên là những cánh đồng bát ngát.
 
Khi Riedl còn làm một tiền đạo cừ khôi, từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở Áo năm 1972, Bỉ vào các năm 1973, 1975 và Chiếc giày Đồng châu Âu năm 1977, dù đã có ý nghĩ trở thành HLV sau khi giải nghệ, nhưng có lẽ ông cũng không thể không hình dung nổi sự nghiệp huấn luyện sẽ biến thành những cuộc phiêu lưu bất tận.
 
Riedl đã mất sáu năm, kinh qua công việc trợ lý, đôi khi còn kiêm cả cầu thủ, ở năm đội bóng khác nhau để có được vị trí HLV trưởng, tại Wiener Sport-Club vào năm 1989. Và đó là lúc ông cảm thấy thời của mình đã tới. Chỉ một thời gian ngắn sau, đột nhiên ông được đặt vào vị trí trợ lý ở ĐTQG Áo. Rồi cũng rất nhanh, HLV Josef Hickersberger bị sa thải vì thất bại ô nhục 0-1 trước Quần đảo Faroe. Riedl được chọn là người thay thế.
 
Tuy nhiên công việc này cũng mau chóng trở thành thảm họa. Tuyển Áo đã chạm đáy vào thời điểm đó và Riedl không thể vực họ dậy. 13 tháng với hai trận hòa ảm đạm, ba thất bại tồi tệ và một chiến thắng duy nhất khiến ông bị sa thải trong tiếng la ó.
 
Riedl nói: “Không còn chỗ cho tôi ở Áo. 13 tháng với ĐTQG đã hủy hoại tôi, định danh tôi là kẻ thất bại. Nhưng tôi cần phải sống”. Và cuộc phiêu lưu bắt đầu. “Tôi không phải nhà thám hiểm, nhưng đủ tò mò để muốn khám phá mọi thứ”, ông cho biết.
 
Thật ra thì năm 1988, Riedl đã có thời gian làm trợ lý tại Ittihad FC tận Saudi Arabia. Ông đến đó khi bóng đá vẫn còn trong giai đoạn mông muội để thất bại là tất yếu. “Các ông chủ không nhận thức được tầm quan trọng của việc khâu chuẩn bị và phát triển đội bóng. Thí dụ như vào các buổi tập, cầu thủ sẽ dừng cả lại để cầu nguyện. Họ cho đó là bình thường”, ông kể.
 
Mặc dù vậy, quãng thời gian ấy khiến ông học được nhiều điều để không còn sốc trước những gì sẽ phải trải qua sau này. Thế mà Riedl vẫn chưa thể quen ngay lập tức. Năm 1993, mở màn sự nghiệp lang bạt nay đây mai đó, ông dẫn dắt Olympique Khouribga của Morocco. Và nó bắt đầu theo cách tồi tệ nhất.
 
“Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất của tôi. Đội của tôi bị xuống hạng, còn tôi sống gần bến cảng, một nơi rất hoang dã, rồi bị hành hạ bởi cơn đau vì thoát vị đĩa đệm”, ông kể.
 
Riedl không buồn lâu. Ông kiếm được công việc mới ở Al Zamalek của Ai Cập. Có điều, giống như lần trước, ông lại bị sa thải sau trận chung kết Champions League châu Phi, chỉ vài tháng sau quyết định bổ nhiệm.
 
Với nhiều người, bóng đá là sự sống hay cái chết. Với Riedl, nó là phương tiện để ông mở rộng tầm mắt, khám phá những vùng đất mới, nền văn hóa mới để hiểu hơn về thế giới và cố gắng thay đổi nó bằng bóng đá. Tiền không bao giờ bị đặt nặng. Đôi khi ông kiếm được nhiều, đôi khi chẳng có gì.
 
Tuy nhiên, như ông nói, những chuyến đi khiến cuộc sống trở nên thú vị. Và bất cứ nơi nào, ông vẫn luôn là chính mình, không nhụt chí trước các thất bại, không dao động trước các đòi hỏi của những người lãnh đạo và cũng không bận tâm tới chính trị hay tôn giáo.
 
Ông tới Iran và rời đi vì cảm thấy mình không được chào đón, rời bỏ công việc ở Liechtenstein khi biết rằng mình chỉ là kẻ đóng thế, chấp nhận dẫn dắt Palestine nhưng từ chối gặp nhà lãnh đạo Yasser Arafat vì không muốn dính líu vào chính trị phức tạp.
 
Cũng phải nói thêm rằng, rất ít HLV sẵn sàng dấn thân như Riedl. Là HLV của Palestine, ông phải làm việc với số cầu thủ hạn chế chủ yếu đá nghiệp dư, sau đó tập luyện và thi đấu dưới nỗi sợ hãi bom đạn. Sau mỗi trận đấu, cả đội Palestine phải trải qua một hành trình dài để trở về, bằng máy bay, xe bus và đi bằng lừa trong chặng cuối đến Gaza. Ông cũng chia sẻ nỗi đau khổ của học trò, khi căn nhà của anh ta bị phá hủy bằng súng phóng lựu.
 
Trên hành trình của mình, Riedl còn ghé đến UAE, Kuwait, Lào, Indonesia. Và, tất nhiên rồi, Việt Nam, nơi ông gắn bó lâu nhất với ba nhiệm kỳ, được ca ngợi là người hùng để rồi nhận được sự biết ơn bằng quả thận do một người Việt hiến tặng.
 
Tối thứ Tư 8-9, cuộc phiêu lưu tưởng như dài vô tận của Riedl đã khép lại ở tuổi 70, trong sự tiếc nuối của tất cả những nơi ông đã đi qua, và hơn thế nữa. Cuộc khám phá ở thế giới này đã xong, nhưng chắc chắn ông sẽ tiếp tục hành trình của mình ở thế giới mới.
 
Tạm biệt, Alfred Riedl đáng kính!
(Theonhandan.com.vn)
.
.
.