Chủ Nhật, 25/10/2020, 21:27 (GMT+7)
.

Ý tưởng về European Premier League: Các đội bóng nhà giàu lại muốn "ở riêng"

Sau dự án Big Picture, MU và Liverpool lại đang đứng sau ý tưởng cho ra đời giải đấu European Premier League với sự hậu thuẫn về tài chính rất lớn, vào khoảng 6 tỉ USD.

Arsenal, Chelsea, Man City và Tottenham có thể tham gia

Theo được hiểu, các nhà tài chính đang tập hợp một gói tài trợ 6 tỉ USD (4,6 tỉ bảng Anh) để hỗ trợ việc thành lập giải đấu có thể được gọi là European Premier League. Cùng lúc, hơn 10 đội bóng từ Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha được đàm phán về việc trở thành thành viên sáng lập của giải.

Điều đáng nói là FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới, đã tham gia vào việc phát triển thể thức mới, dự kiến sẽ có 18 đội và diễn ra trong mùa giải châu Âu thông thường. Những đội bóng hàng đầu này sẽ thi đấu theo thể thức knock-out để kết thúc giải đấu, với số tiền thưởng cho đội vô địch dự kiến trị giá hàng trăm triệu bảng mỗi năm.

Một nhân vật giấu tên trong làng bóng đá cho biết, thông báo chính thức về kế hoạch có thể được đưa ra sớm nhất vào cuối tháng này, mặc dù một số chi tiết chính như danh sách đầy đủ các câu lạc bộ (CLB) tham gia vẫn chưa được hoàn thiện và kế hoạch vẫn có thể thất bại. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định đây là "sự phát triển quan trọng nhất ở bóng đá cấp CLB thế giới trong nhiều thập kỷ".

Không có gì ngạc nhiên khi một số đội bóng Anh đã được tiếp cận về việc gia nhập giải đấu, với các ứng cử viên như Arsenal, Chelsea, Man City và Tottenham.

Tuy vậy thì thông tin trên không khác gì một quả bom nữa thả vào làng bóng đá Anh, vốn đang chia rẽ vì dự án Big Picture mà Liverpool và MU đề xuất nhằm trao nhiều quyền lực hơn cho các CLB lớn và cung cấp gói cứu trợ cho các đội hạng dưới vì đại dịch Covid-19. Theo Big Picture, Premier League sẽ giảm quy mô từ 20 xuống 18 CLB, qua đó giảm số lượng các trận đấu vào mỗi mùa giải. Dĩ nhiên, ý tưởng này đã nhanh chóng bị bác bỏ vào tuần trước. Vì thế, nếu những kế hoạch mới nhất thành hiện thực, chúng sẽ tạo thành một giải đấu siêu hạng châu Âu vốn đã được thảo luận trong nhiều năm.
 

Các CLB Anh, nhất là những đội bóng có chủ người Mỹ như MU và Liverpool, đang ráo riết lập ra European Premier League
Các CLB Anh, nhất là những đội bóng có chủ người Mỹ như MU và Liverpool, đang ráo riết lập ra European Premier League.

Phí tham gia trị giá hàng trăm triệu bảng

Điều hấp dẫn ở European Premier League là ngân hàng lớn ở Phố Wall, JP Morgan, đang đàm phán để cung cấp khoản vay trị giá 6 tỉ USD nhằm cho ra mắt giải đấu và tiền hoàn trả sẽ lấy từ bản quyền truyền hình trong tương lai.

Dự kiến cũng sẽ có những ngân hàng khác tham gia tài trợ cho European Premier League, nhằm đưa dự án trở thành một trong những giải đấu đồng đội hằng năm giàu có nhất thế giới nếu nó được triển khai. Bởi chỉ riêng việc tham gia thành lập, thi đấu, mỗi đội ​​sẽ kiếm được hàng trăm triệu bảng.

Theo kế hoạch, European Premier League có khả năng có 16 hoặc 18 đội - nghĩa là có thể có tối thiểu 30 trận cho mỗi CLB, dựa trên thể thức thi đấu vòng tròn một lượt sân nhà và sân khách... Đương nhiên, nếu các cuộc thảo luận kết thúc thành công, European Premier League sẽ soán ngôi Champions League của UEFA, giải đấu đã trở thành trụ cột của lịch thi đấu bóng đá châu lục trong nhiều thập kỷ.

UEFA phản đối Super League “nhàm chán”

Người phát ngôn của UEFA ngay lập tức cho biết, họ phản đối bất kỳ đề xuất nào về một giải đấu châu Âu và cho rằng, một giải đấu như vậy sẽ trở nên "nhàm chán".

Rõ ràng là không có sự hỗ trợ của UEFA, European Premier League sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ FIFA, vì sau cùng, UEFA chẳng bao giờ ủng hộ cho sự ra đời của một giải đấu mới nếu nó làm suy yếu giải đấu tạo ra doanh thu hằng năm chính của họ.

Tuy nhiên, sẽ có một loạt thách thức pháp lý để ngăn chặn European Premier League đi vào thực tế, do sự phức tạp của các thỏa thuận giải đấu hiện có liên quan đến những CLB hàng đầu của châu Âu. Vì thế, nhiều người cũng nghi ngờ về viễn cảnh European Premier League ra mắt thành công mà không có sự hậu thuẫn của UEFA, đặc biệt là trước năm 2024, khi cấu trúc Champions League hiện tại dự kiến ​​sẽ được sửa đổi.

Theo trang mạng Vozpopuli của Tây Ban Nha, những CLB khác được cho là đã được mời tham gia European Premier League có Barcelona và Atletico Madrid. Riêng Real Madrid là một trong những kiến ​​trúc sư chính tạo nên European Premier League, với tham vọng đưa giải đấu mới ra mắt càng nhanh càng tốt.

Ngoài ra, Paris Saint-Germain, Juventus và Bayern Munich nhiều khả năng cũng đã được tiếp cận.
Được biết, Key Capital Partners, một công ty tài chính Tây Ban Nha, và Florentino Perez, chủ tịch của Real Madrid, là những động lực đằng sau dự án mới nhất. Điều thú vị là Perez và Gianni Infantino, chủ tịch FIFA, hồi năm ngoái được cho là đã có cuộc đàm phán về việc cải cách bóng đá cấp CLB. Vì thế, xem như ý tưởng về sự ra đời của European Premier League đã có hơn một năm.

Nếu European Premier League ra đời, Champions League liệu có còn tồn tại nữa hay không?
Nếu European Premier League ra đời, Champions League liệu có còn tồn tại nữa hay không?

Cách tiếp cận kiểu Mỹ với bóng đá châu Âu

Phải thừa nhận cách tiếp cận kiểu Mỹ đối với bóng đá châu Âu đang phản ánh sự chuyển dịch cơ sở quyền lực của môn thể thao này sau khi một lượng lớn các ông chủ người Mỹ đầu tư vào bóng đá Anh trong 20 năm qua. Chẳng hạn như MU, với cổ đông lớn nhất vẫn là gia đình Glazer, được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York; Arsenal thuộc sở hữu của một doanh nhân ở Mỹ; và công ty mẹ của Liverpool, Fenway Sports Group, đang trong quá trình lên sàn thông qua Công ty Special Purpose Acquisition.

Theo những người trong cuộc, European Premier League sẽ không phải là sự li khai theo nghĩa chấm dứt sự tham gia của các CLB vào những giải đấu quốc nội của họ. Tuy vậy, việc thành lập European Premier League sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với giá trị bản quyền phát sóng và tài trợ trong nước trên khắp châu Âu, vào thời điểm tài chính của toàn bộ kim tự tháp bóng đá bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19.

Như các CLB ở Premier League của Anh phàn nàn rằng, họ đang mất hơn 100 triệu bảng mỗi tháng, trong khi nhiều CLB ở Football League (cũng của Anh) cảnh báo họ sẽ không thể tồn tại lâu hơn nữa nếu không có người hâm mộ đến sân, trừ khi họ nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp.

Vì thế, nếu European Premier League có thể ra đời, nó sẽ giúp những CLB giàu có nhất nước Anh có cơ sở lớn hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Premier League và với các đài truyền hình, nhà tài trợ. Sau cùng, khả năng các CLB tách hoàn toàn khỏi các giải đấu trong nước không nằm trong "chương trình nghị sự ngắn hạn" của European Premier League.

Tuy nhiên, quyết định tham gia European Premier League sẽ khiến tất cả nghĩ rằng những đội bóng lớn sẽ càng giàu thêm, qua đó tiếp tục làm trầm trọng thêm hố sâu tài chính vốn đã rộng lớn giữa các đội ở đầu và cuối Premier League, xóa hết sự cạnh tranh, sự hấp dẫn vốn có của Premier League và ngăn cản những đội bóng nhỏ như Leicester vô địch giải hồi năm 2016.
 

Trước European Premier League, giải European Super League đã được nhắc đến trong 20 năm qua và thú vị là năm 2018, khi nói về giải đấu này, chủ tịch FIFA, Gianni Infantino cho biết ông sẽ cấm các cầu thủ tham dự giải đấu này có mặt ở World Cup. Và giờ thì FIFA lại đứng đằng sau dự án European Premier League.


(Theo https://thethaovanhoa.vn/bong-da-c1/y-tuong-ve-european-premier-league-cac-doi-bong-nha-giau-lai-muon-o-rieng-n20201021212950550.htm)


 

.
.
.