Nhìn lại sự nghiệp vĩ đại của Maradona
Cho đến tận bây giờ, người hâm mộ bóng đá thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của danh thủ bóng đá người Argentina, Diero Maradona. Ông đã ra đi và để lại “di sản” bóng đá mà phải rất lâu nữa mới có một cầu thủ vượt qua. Sự ra đi của ông là một mất mát quá lớn đối với bóng đá thế giới.
Maradona cùng Argentina lên ngôi vô địch ở World Cup 1986. Ảnh: getty |
Diego Armando Maradona sinh ngày 30-10-1960, trong một gia đình nghèo ở Argentina. Ông lớn lên ở khu ổ chuột Villa Fiorito. Ông là con trai đầu lòng sau bốn chị gái, và sau đó còn có thêm hai người em trai.
Từ năm lên 3 tuổi, Maradona đã thể hiện sự say mê với môn thể thao vua khi nhận được món quà là một trái bóng. Đến khi lên 8 tuổi, Maradona được một nhà tuyển trạch tài năng phát hiện và rất nhanh sau đó ông trở thành một trụ cột của một đội bóng trẻ ở Argentina. Với tài năng thiên bẩm của mình, Maradona được gọi với biệt danh là “Cậu bé vàng” của bóng đá thế giới.
Trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, Mardona từng thi đấu cho các đội bóng Barcelona, Napoli, Sevilla và Newell's Old Boys… Trong đó, thành công nhất chính là khoảng thời gian ông khoác áo Barcelona và Napoli. Chính những tố chất thiên bẩm của một số 10 tự do, ông đá tiền vệ dâng cao với hiệu quả ghi bàn như một tiền đạo đã giúp Maradona ghi dấu ấn đậm nét với những nhà tuyển trạch.
Chính Maradona là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử phá kỷ lục chuyển nhượng đến 2 lần. Cụ thể, lần đầu tiên khi ông chuyển sang Barcelona với giá kỷ lục thế giới lúc bấy giờ là 5 triệu bảng. Lần thứ hai khi ông chuyển đến Napoli với mức phí kỷ lục khác là 6,9 triệu bảng.
Trong màu áo đội tuyển quốc gia Argentina, ông đã cùng với đội bóng Nam Mỹ thi đấu ở 4 kỳ World Cup. Trong đó kỳ World Cup thành công nhất chính là kỳ World Cup ở Mexico 1986. Ở giải đấu năm đó, ông là đội trưởng đã ghi dấu ấn đậm nét trong hành trình Argentina chinh phục chiếc Cup vàng.
Ngoài những thành tích về chuyên môn, Maradona còn để lại nhiều ấn tượng với bàn thắng vào lưới đội tuyển Anh trong trận tứ kết với pha chơi bóng bằng tay, mà sau này được giới mộ điệu gọi là “Bàn tay của chúa” hay “bàn thắng của thế kỷ”.
Sau khi kết thúc sự nghiệp quần đùi áo số, Maradona chuyển sang sự nghiệp huấn luyện viên. Tuy vậy, giai đoạn ông ngồi trên ghế chỉ đạo không thành công rực rỡ như khi ông còn tung hoành trên sân cỏ. Maradona trở thành huấn luyện viên của Đội tuyển bóng đá quốc gia Argentina vào tháng 11-2008.
Ông đã dẫn dắt đội tuyển nước này tại World Cup 2010 ở Nam Phi. Đó là kỳ World Cup không thành công với đội tuyển Argentina và sau khi kết thúc giải đấu năm đó Maradona đã từ chức khỏi băng ghế chỉ đạo của đội tuyển Argentina.
Maradona qua đời vì một cơn đau tim. Ảnh Daily Mail |
Hồi đầu tháng 11 năm nay, ông phải lên bàn phẫu thuật não khẩn cấp để điều trị tụ máu dưới màng cứng. Maradona được ra viện vào ngày 12-11 sau khi phẫu thuật thành công và được các bác sĩ giám sát như một bệnh nhân ngoại trú. Vào ngày 25-11-2020, ở tuổi 60, Maradona qua đời vì một cơn đau tim tại nhà riêng ở Tigre, Buenos Aires, Argentina.
Trong sự nghiệp thi đấu, Maradona đã ghi rất nhiều những bàn thắng để đời, thế nhưng trong trận đấu của cuộc đời chóng chọi với căn bệnh ung thư, Maradona đã không thể giành chiến thắng. Dẫu cho ông đã ra đi, nhưng sẽ rất lâu nữa người hâm mộ bóng đá mới có thể quên được ông. Một cầu thủ vĩ đại với lối thi đấu đầy cảm xúc và gặt hái nhiều vinh quang ở khía cạnh tập thể lẫn cá nhân.
Trước sự ra đi của ông, Tổng thống Alberto Fernández của Argentina đã công bố 3 ngày quốc tang. Cùng lúc đó, UEFA thông báo rằng mọi trận đấu ở Champions League và Europa League sẽ diễn ra với một phút tưởng nhớ Maradona.
Chính quyền thành phố Napoli cũng thông báo kế hoạch đổi tên sân vận động San Paolo thành sân vận động Diego Maradona để tưởng nhớ. Sau tang lễ của Maradona, Liên đoàn Bóng đá Argentina cũng quyết định đổi tên Cup Liên đoàn Chuyên nghiệp Argentina thành Cup Diego Armando Maradona.
KỲ PHONG
Danh hiệu tập thể Barcelona: Copa del Rey (1983); Copa de la Liga (1983) Danh hiệu cá nhân Danh hiệu Đại sứ của UNICEF - (1985) |