Khi World Cup không còn là giấc mơ xa vời
Sự kiện World Cup của FIFA đang có xu hướng mở rộng số lượng các đội tham gia nhằm giúp những quốc gia đang phát triển có cơ hội dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Les Bleus lên ngôi vô địch thế giới một cách đầy xứng đáng tại World Cup 2018. Ảnh: nhandan.com.vn |
Đến năm 2026, World Cup dành cho nam sẽ nâng lên 48 đội, trong khi World Cup nữ được tăng lên 32 đội ngay năm 2023. Tại châu Á, bóng đá Việt Nam được xếp vào nhóm hưởng lợi từ việc tăng số đội dự World Cup. Để có mặt tại World Cup, bóng đá nam sẽ đua tranh vào tốp 8, còn bóng đá nữ thì cố gắng duy trì vị trí trong tốp 6 hiện nay.
Nói đơn giản, World Cup không còn là giấc mơ xa vời nữa. Thậm chí, với futsal và nhất là bóng đá nữ, hiện đã chuyển từ giấc mơ tham dự World Cup sang nỗ lực để có thành tích tốt tại đấu trường bóng đá lớn nhất này.
Đấy không phải là điều viển vông khi vào năm 2016, đội tuyển futsal Việt Nam trong lần đầu dự World Cup đã vào đến vòng 2. Bóng đá nữ vào đến trận play-off tranh quyền dự World Cup nữ 2015, khi đó vẫn còn 24 đội. Nền tảng của futsal và bóng đá nữ tại Việt Nam hiện đã khá ổn định, có yếu tố truyền thống, xét về mặt bằng chung của châu Á thì không thua kém ai về đầu tư.
Bóng đá nam Việt Nam vì thế cũng đòi hỏi một sự thay đổi lớn về mặt tư duy nhất là đối với việc đầu tư dài hạn. Trước đây, do cơ hội dự World Cup với những nền bóng đá như Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là khá xa vời dẫn đến việc đầu tư để tham dự giải đấu lớn này cũng không mấy quyết liệt, đều đặn. Nhưng nay thì khác, mục tiêu không chỉ là có thể tham dự World Cup mà còn là nỗ lực đạt được những thành tích tốt, khẳng định được trình độ chứ không chỉ là tham dự cho có, cho vui. Để làm được điều đó, đòi hỏi có tầm nhìn đầu tư đúng hướng và lâu dài mà trước mắt, ngoài tập trung cho đội tuyển quốc gia còn là xây dựng, phát triển lứa cầu thủ U17, U19 hiện nay.
Trong bối cảnh đó, việc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF vừa được chuyển giao cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang làm nảy sinh nhiều băn khoăn. Dưới hình thức phi lợi nhuận, cùng năng lực hùng mạnh về tài chính của Vingroup (chủ sở hữu PVF), trung tâm PVF đã là môi trường thuận lợi để đào tạo tài năng và công việc này đã được làm tốt suốt hơn 12 năm qua. Cách đây 2 năm, Vingroup từng ký hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhằm hiện thực hóa “giấc mơ World Cup”. Ngay sau đó, họ dành toàn bộ ưu đãi từ PVF để đội U19 Việt Nam luyện tập hòng tạo nền móng cho 7 - 8 năm sau. Việc chuyển giao cho đơn vị mới trong thời điểm hiện nay, khi mà giấc mơ World Cup đã gần thành hiện thực, dù mang mục đích gì thì cũng đặt ra nhiều câu hỏi của những người trong cuộc từ việc vận hành PVF đến vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đào tạo thực tế.
Và điều đáng nói là phát triển bóng đá đỉnh cao cần cả chất và lượng. Những nền bóng đá lớn nhất thế giới thì bao giờ cũng có một số lượng lớn CLB, nhà đầu tư, trung tâm đào tạo… Quá trình sàng lọc, cạnh tranh luôn tạo ra những đội tuyển quốc gia mạnh. Khi PVF được chuyển giao, bên cạnh hy vọng Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sẽ tiếp nối được sứ mệnh lớn mà PVF theo đuổi, thì cũng cần nhìn nhận một thực tế là việc làm này không giúp mở rộng PVF hay góp phần tạo thêm điều gì mới mẻ trong khâu đào tạo mà chỉ thuần túy là đổi tên đơn vị.
Trong khi đó, nếu hướng đến tư duy đặt mục tiêu ở World Cup, thì lẽ ra ngay ở thời điểm này, thay vì đổi tên, đổi đơn vị quản lý thì điều cần nhất là phải làm sao có thêm ít nhất 1 - 2 trung tâm kiểu như PVF nữa để làm công tác tìm kiếm, đào tạo tài năng cho bóng đá Việt Nam. Để trong tương lai, bóng đá Việt Nam không chỉ tham dự World Cup mà còn có thể đối đầu sòng phẳng cùng các nền bóng đá lớn của thế giới trong sân chơi đó.
(Theo sggp.org.vn)