Thứ Sáu, 26/03/2021, 10:07 (GMT+7)
.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ KIM CHI:

TDTT quần chúng góp phần quan trọng vào thể thao thành tích cao

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN VÀ THI ĐẤU THỂ DỤC THỂ THAO TIỀN GIANG:
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Ngày 25-3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang tổ chức Họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2021); Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đến dự buổi họp mặt có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười (bìa phải) thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trung tâm.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười (bìa phải) thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trung tâm.

Những năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác đào tạo và huấn luyện với nhiều vận động viên xuất sắc đoạt nhiều huy chương trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác tổ chức các giải đấu trong tỉnh, khu vực và quốc gia được các đơn vị đánh giá cao.

Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến năm 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc và 2 tập thể lao động xuất sắc của Trung tâm năm 2020.

Những năm qua, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” (gọi tắt là Phong trào rèn luyện) được đẩy mạnh trong toàn tỉnh Tiền Giang, là động lực thúc đẩy phong trào thể dục thể thao (TDTT) ở cơ sở phát triển. Nói về phát triển Phong trào rèn luyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho biết:

Thời gian qua, các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị, như: Chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh... phát triển mạnh ở các địa phương, diễn ra sôi nổi. Hằng năm, Tiền Giang tổ chức 15 giải thể thao cấp tỉnh; hơn 300 giải thể thao cấp huyện và ngành; 100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng các điểm tập luyện TDTT.

Nhiều hoạt động thể thao đã được tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn với các môn thể thao dân tộc truyền thống như: Kéo co, Nhảy bao bố, Đẩy gậy, Võ cổ truyền… thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 730 câu lạc bộ TDTT cơ sở.

Cùng với tập trung phát triển các phong trào TDTT, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT, vận động viên cấp xã cũng được các ngành, địa phương quan tâm.

Việc bồi dưỡng, tập huấn đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp công tác tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp xã đạt chất lượng hơn, vận động viên thi đấu giải cấp huyện hiểu được những luật cơ bản, chất lượng vận động viên ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT được duy trì, củng cố thường xuyên, với trên 2.000 huấn luyện viên, trọng tài, hướng dẫn viên, cộng tác viên tham gia quản lý, xây dựng phong trào từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân với hơn 1.300 công trình lớn, nhỏ trang bị các thiết bị, dụng cụ tập luyện góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và đời sống tinh thần cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình hiện nay.

* Phóng viên (PV): Phong trào rèn luyện đã đóng góp như thế nào cho thể thao của tỉnh, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Thông qua Phong trào rèn luyện, chất lượng của phong trào TDTT tỉnh Tiền Giang ngày càng được nâng cao. TDTT quần chúng phát triển đã góp phần rất lớn và là tiền đề quan trọng cho thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển, khi có nguồn dự bị đông đảo, chất lượng, tạo “nền móng” vững chắc, lâu dài.

Các liên đoàn, câu lạc bộ, Hội TDTT cấp tỉnh cho đến cấp xã không chỉ là địa điểm tập hợp những người yêu thích TDTT, mà còn là nơi cung cấp vận động viên cho các giải thi đấu từ cơ sở đến cấp tỉnh. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT của tỉnh và các câu lạc bộ TDTT các môn ở cơ sở hoạt động có hiệu quả. Những câu lạc bộ này hằng năm tham gia các giải thi đấu do địa phương tổ chức, các giải thi đấu cấp huyện, tỉnh.

Có thể thấy Phong trào rèn luyện đã mang lại kết quả khả quan cho phong trào thể thao tỉnh Tiền Giang. Minh chứng cụ thể là số người tập luyện thường xuyên và số gia đình thể thao hằng năm đều tăng; số người tập luyện thường xuyên năm 2020 đạt 35% (năm 2015 là 30,74%), số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên năm 2020 chiếm 23,8% (năm 2015 là 20,61%).

* PV: Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã đề ra những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao và phát triển Phong trào rèn luyện, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Sở VH-TT&DL Tiền Giang sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển TDTT quần chúng và TDTT thành tích cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030. Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của TDTT đối với việc góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực của người dân.

Phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh thu hút đông đảo người tham gia tập luyện.
Phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh thu hút đông đảo người tham gia tập luyện.

Sở VH-TT&DL Tiền Giang sẽ thường xuyên tổ chức và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phối hợp với các đơn vị, ban, ngành tổ chức các hoạt động TDTT, các giải thể thao, hội thao trong mọi đối tượng; chú trọng và đầu tư đúng mức các hoạt động TDTT trong trường học, nhằm phát hiện những học sinh có năng khiếu TDTT; tập trung đầu tư thêm các môn thể thao cá nhân mũi nhọn có sẵn tiềm năng, phù hợp với điều kiện của tỉnh; có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với huấn luyện viên, vận động viên có nhiều thành tích đóng góp cho tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và động viên, khuyến khích phong trào TDTT ở cơ sở phát triển.

Bên cạnh các giải pháp của Sở VH-TT&DL, các địa phương cũng cần phải có chương trình hành động và chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT ở địa phương; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT, quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT để giúp phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh từ cơ sở đến cấp tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG (thực hiện)

 

.
.
.