Thứ Sáu, 30/04/2021, 16:35 (GMT+7)
.

Ký ức về trận cầu thống nhất

Trước năm 1975, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng bóng đá ở 2 miền Nam, Bắc của Việt Nam đều phát triển. Sinh hoạt bóng đá được duy trì đều đặn và tạo được những dấu ấn vang dội trên cầu trường quốc tế. Chính vì thế, trong hồi ức của mình, nhiều cựu danh thủ đều thừa nhận họ háo hức mong đến một ngày bóng đá “cùng một dải”.

Các cựu cầu thủ Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long tái ngộ ở Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: P.NGUYỄN
Các cựu cầu thủ Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long tái ngộ ở Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: P.NGUYỄN

1. Tháng 11-1976, Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam liên hệ với Tổng Công đoàn Bóng đá TPHCM cử đội Tổng cục Đường sắt (TCĐS) vừa vô địch giải Công đoàn miền Bắc vào TPHCM đá trận cầu Nam - Bắc đầu tiên. Đội TCĐS đang thi đấu giao hữu tại Trung Quốc thì được lệnh gọi về gấp. Thời điểm đó, Thể Công vẫn là đội bóng danh tiếng lớn hơn của bóng đá miền Bắc, nhưng sau khi cân nhắc các yếu tố chính trị nhạy cảm, TCĐS được chọn. Đúng một tháng sau đó, 2 chuyến tàu cùng mang tên Thống Nhất của  ngành đường sắt đã khởi hành từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, nối liền con đường giao thông Bắc - Nam. Chuyến đi bằng máy bay của đội TCĐS trước đó, càng mang thêm nhiều ý nghĩa.

Cựu danh thủ Mai Đức Chung, người khi đó mới 25 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt như thế, bây giờ vào đá cho đồng bào miền Nam xem thì vinh dự lắm. Hơn nữa, là cầu thủ, ai cũng muốn được so giày với các đồng nghiệp nổi tiếng như thủ môn Công Hoàng “bay như vượn”, “bức tường thép” Phạm Huỳnh Tam Lang...”.

14 giờ ngày 7-11-1976, sân vận động Thống Nhất với 25.000 người cùng đứng dậy khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn 2 đội Cảng Sài Gòn và TCĐS ra sân. Trong không khí cuồng nhiệt ấy, đội TCĐS do ông Trần Duy Long dẫn dắt đã chơi một trận tuyệt hay. Ông Mai Đức Chung đã ghi bàn đầu tiên của trận đấu, tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định tỷ số 2-0. Sau đó, TCĐS thực hiện một mạch thắng Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ và cuối cùng thua Hải Quan 1-2, kết thúc chuyến đi lịch sử của mình.

Ông Mai Đức Chung kể lại: “Khi ra sân Thống Nhất tập buổi đầu tiên, khán giả ùa vào sân cứ sờ chân, sờ đùi cầu thủ rồi khen các chú trẻ khỏe thế này, đẹp trai thế này, to cao thế này mà người ta cứ bảo người miền Bắc gầy còm lắm. Trận đá với Cảng Sài Gòn, từ 12 giờ trưa đã đông nghịt khán giả, không có vé vào sân nữa rồi. Chúng tôi vào đến sân vẫn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên ở bên ngoài vì người ta đang dẹp trật tự. Cả đội hoảng hồn nằm bẹp xuống. Một khung cảnh cực kỳ đặc biệt. Chúng tôi lúc đó cũng quen thi đấu quốc tế rồi, từng sang CHDC Đức, Liên Xô hay Bulgaria… nhưng vẫn không tưởng tượng được cảnh khán giả tràn xuống cả đường piste như trận đấu hôm ấy. Sau chuyến thi đấu, nhiều cầu thủ miền Bắc đã được người hâm mộ TPHCM mời đi uống cà phê...

2. Khởi nguồn từ trận đấu ấy, năm 1977, Tổng cục TDTT đã chỉ đạo các ban, ngành thành lập ba giải đấu Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), giải Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và giải Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam). Bóng đã lăn trên khắp mọi miền đất nước, nhưng để hình thành giải vô địch toàn quốc thì chưa thể. Mục đích chính vẫn là duy trì nhịp sinh hoạt cho người dân đang ở giai đoạn phức tạp sau ngày 30-4-1975.

Nhắc đến ba giải đấu trên, nguyên Trưởng bộ môn Bóng đá Tổng cục TDTT Trần Bảy kể: “Chúng tôi nhận lệnh phải tổ chức thật tốt ba giải Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long cho ba miền nhằm làm bước đà và là tiền đề để tiến đến giải vô địch quốc gia đầu tiên vào năm 1980. Nói thật là hồi đấy tổ chức giải lo lắm. Cầu thủ khắp mọi miền thì giỏi, nhưng cứ sợ những thành phần thù địch phá phách để một trong ba giải trên thất bại thì sẽ khó có cửa để Chính phủ cho phép hình thành giải vô địch quốc gia trên khắp mọi miền đất nước…”.

Cựu danh thủ người Bình Định từng khoác áo Công Nghiệp Hà Nam Ninh, ông Đặng Gia Mẫn hồi tưởng: “Khi đó ở miền Bắc, đội TCĐS cực mạnh. Họ có trong đội hình những cầu thủ sau này trở thành huyền thoại như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải và được dẫn dắt bởi HLV Trần Duy Long. Đội bóng đã nhận được sự yêu thương của khán giả miền Nam bởi lối chơi tấn công rực lửa. Chuyến “Nam du” ấy, TCĐS gây tiếng vang lớn. Nhưng quan trọng hơn cả, nó đã trở thành gạch nối gắn kết bóng đá giữa hai miền, đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá nước nhà trong thời kỳ thống nhất”.

Sau chuyến “Nam du” của TCĐS là chuyến du đấu toàn miền Nam khác của Thể Công vào năm 1979. Trận giao hữu cuối cùng của đội bóng quân đội gặp Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất, ông Đặng Gia Mẫn khẳng định: “Không khí còn “nóng” hơn cả một trận chung kết. Hai đội thi đấu buổi chiều, nhưng từ sáng sớm hàng vạn người đã xếp hàng chờ mua vé vào sân”. Chuyến “Nam du” cuối cùng được ghi nhận thuộc về đội bóng Công an Hà Nội vào năm 1980. Mặc dù không thành công về mặt kết quả như Thể Công và TCĐS, nhưng chuyến đi của đội bóng này đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trở thành tiền đề cho sự ra đời giải vô địch quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chính thức sáp nhập 3 giải Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long thành một.

Trong thời kỳ hoàng kim này, mỗi trận thư hùng giữa các đội Thể Công, TCĐS, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, Quảng Nam Đà Nẵng, Công nghiệp Hà Nam Ninh, Công Nhân Nghĩa Bình, Phú Khánh đều biến thành những ngày hội bóng đá tưng bừng. Các khái niệm “chảo lửa”, “thánh địa bóng đá” xuất hiện để đặt cho các sân Hàng Đẫy, Thống Nhất, Chi Lăng, Quy Nhơn, Chùa Cuối, Cao Lãnh…

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.