Thứ Hai, 21/06/2021, 10:10 (GMT+7)
.

Tác nghiệp tại Olympic không hề có sự an nhàn

Thể thao là một trong những mảng nội dung nhiều người quan tâm và những nhà báo, phóng viên lĩnh vực này luôn có trải nghiệm qua các lần trực tiếp tác nghiệp giải đấu lớn, đặc biệt là Thế vận hội (Olympic). Với số ít nhà báo thể thao Việt Nam từng làm việc tại Olympic, qua một kỳ tác nghiệp, họ có cho mình kỷ niệm và kinh nghiệm về nghề đáng quý.

Truyền thông Việt Nam chào đón người hùng Hoàng Xuân Vinh trở về từ Olympic 2016. Tác giải: HẢI ĐĂNG
Truyền thông Việt Nam chào đón người hùng Hoàng Xuân Vinh trở về từ Olympic 2016. Tác giải: HẢI ĐĂNG

Quy định về công tác truyền thông của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic rất nghiêm ngặt trong việc cấp thẻ phóng viên tác nghiệp. Thể thao Việt Nam chỉ có thể giành số suất Olympic hạn chế tại mỗi kỳ nên số thẻ phóng viên được cấp là không nhiều.

Nhà báo Việt Anh (Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) đã chia sẻ: "Olympic Rio de Janeiro 2016 tại Brazil là kỳ Olympic đầu tiên tôi tác nghiệp ở đấu trường cao nhất của thể thao thế giới, nhưng lại là kỳ Đại hội duy nhất tôi không đăng ký được thẻ phóng viên. Việc không có thẻ nên tôi gặp khó khăn ngay từ lúc nhập cảnh cho đến quá trình tác nghiệp sau này. Sang Brazil rồi tôi mới biết, bên này mọi thứ đều thanh toán bằng thẻ từ mua sim, nạp thẻ điện thoại, mua vé vào các điểm thi đấu… và tôi có mặt ở Brazil chả khác gì một khách du lịch. Việc mua vé vào các điểm thi đấu là đương nhiên và giá cả không rẻ. Như tấm vé đắt nhất là vào theo dõi thi đấu điền kinh, đúng ngày có VĐV Usain Bolt chạy chung kết, giá tới hơn 100 USD. Việc tác nghiệp vì lẽ đó ảnh hưởng ít nhiều, tôi đã phải nhờ các đồng nghiệp có thẻ ghi âm phỏng vấn và ghi âm qua điện thoại".

Trong khi đó, nhà báo Thu Sâm (Báo Văn Hóa) đã 2 lần trực tiếp tác nghiệp tại Olympic London 2012 ở Anh và Olympic Rio de Janeiro 2016 tại Brazil cho rằng, mỗi một chuyến công tác thực tế là một lần chị được tích lũy kinh nghiệm làm nghề đáng quý.

Nếu như ở Anh, phóng viên như chị Thu Sâm cảm nhận được tính kỷ luật và sự ngăn nắp trong công tác tổ chức của người châu Âu thì khi có mặt ở Brazil, ai cũng thấy sự phóng khoáng và không gian tràn ngập sự náo nhiệt như lễ hội ở người châu Mỹ - Latin.

"Tác nghiệp tại Olympic London mới thấy, đó là địa điểm khá đắt đỏ. Với cánh phóng viêc tác nghiệp tại Đại hội này, sự đắt đỏ của London quả thật là tác hại. Tất cả mọi dịch vụ, kể cả internet tại Trung tâm báo chí trong khu Olympic Park, chúng tôi phải trả tiền mới có đường truyền sử dụng. Lúc đó, 150 bảng Anh (hơn 4,6 triệu đồng) là phí để hòa mạng internet cho tác nghiệp. Tại nhà thi đấu môn cầu lông mang tên Wembley Arena - cạnh sân đá bóng Wembley, việc chi trả tiền cho dịch vụ internet cũng tương tự. Với phóng viên không mua bản quyền tác nghiệp tại Đại hội, tất cả chỉ được đứng xem thi đấu, không được ngồi và chỉ được phỏng vấn vài câu khi VĐV đi qua", nhà báo Thu Sâm nhớ lại.

Tác nghiệp ở những sự kiện thể thao lớn như Olympic luôn tiềm ẩn nhữhng khó khăn đặc biệt.
Tác nghiệp ở những sự kiện thể thao lớn như Olympic luôn tiềm ẩn nhữhng khó khăn đặc biệt.

Có mặt tại Olympic Rio de Janeiro 2016 với vai trò cán bộ phụ trách truyền thông của đoàn thể thao Việt Nam, nhà báo Thu Sâm đã bầy tỏ "kỷ niệm không bao giờ quên được với tôi chính là giây phút thể thao Việt Nam lần đầu giành được HCV lịch sử ở môn bắn súng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Mình thật sự cảm thấy có may mắn riêng bởi làm nghề, không nhiều phóng viên thể thao được có mặt tại Olympic và được chung vui giây phút lịch sử ấy. Tuy nhiên, từng người trong đoàn, trong đó có tôi, một người làm nhiều việc từ việc chuyên môn cho tới công tác đã được phân công nhiệm vụ chứ không đơn giản chỉ góp mặt theo dõi và cổ vũ thi đấu".

Thực tế, mỗi chuyến tác nghiệp là cả một sự khó khăn về công việc. Tại Brazil, yếu tố an ninh tránh không bị cướp, bị mất đồ luôn được đề cao hàng ngày từ ban tổ chức tới các đoàn thể thao nên người đi làm việc như nhà báo Việt Anh, Thu Sâm rất cẩn trọng việc này. "Tiếng còi xe cảnh sát rồi lực lượng bảo vệ có vũ khí đứng các điểm chốt là điều thấy thường trực nếu bạn đi ra phố. Tất nhiên, là người lạ, không ai mạo hiểm đi một mình vì sự an toàn đã được khuyến cáo", nhà báo Việt Anh nói thêm.

Chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, một số cơ quan báo chí Việt Nam dự kiến sẽ cử phóng viên tác nghiệp tại Nhật Bản sắp tới. Kỳ Đại hội năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do mọi hoạt động đang bị ảnh hưởng của Covid-19. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quy định phóng viên nước ngoài sẽ được Ban tổ chức định vị di chuyển theo thiết bị GPS. Từng người chỉ được phép tới những điểm tác nghiệp quy định đã đăng ký. Nếu không đúng, thông qua dữ liệu GPS, phóng viên sẽ bị phạt.

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.