Thứ Tư, 21/07/2021, 17:04 (GMT+7)
.

Một kỳ Olympic vượt khó

(ABO) Sau 1 năm tạm hoãn với nhiều biến động do đại dịch Covid-19, cuối cùng nước chủ nhà Nhật Bản cũng đem Thế vận hội mùa Hè đến cho khán giả toàn cầu trên quê hương xứ sở mặt trời mọc. Nhưng đây là một kỳ Olympic có nhiều khác biệt hơn so với trước đây, đặc biệt là không cho phép khán giả tham dự.

Lịch sử hình thành gần 3.000 năm của Thế vận hội luôn gắn liền với Olympic Truce để nhằm đảm bảo vận động viên và khán giả có thể đi du lịch một cách an toàn cho Thế vận hội và hòa bình trở lại đất nước của họ. Vậy mà Thế vận hội lần này lại không có khán giả chứng kiến và cổ vũ reo hò động viên, cũng không có những cái ôm thân thiện chúc mừng thành tích của vận động viên nào đó vừa phá kỷ lục cá nhân hay thế giới, hoặc an ủi mỗi khi họ thất bại.

Biểu tượng Olympic tại khu vực sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 20-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng Olympic tại khu vực sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 20-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vượt qua những khó khăn, Nhật Bản cam kết vẫn tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát. Đây chính là lúc thể hiện ý chí kiên cường, tự thân vận động của người Nhật trong một thời điểm tưởng chừng không thể vượt qua được.

Trong nhiều điểm khác biệt so với các kỳ đại hội thể thao thế giới từng diễn ra, đáng nói ở đây là sự "tự lập" của tất cả vận động viên khi nhận huy chương. Họ sẽ tự tay lấy và đeo vào cổ mình, chủ yếu tránh tiếp xúc với bất cứ ai để phòng, chống lây lan dịch bệnh. Một hành động đầy ý nghĩa của sự vượt khó và vươn lên chính mình.

Chưa hết, sáng kiến của nước chủ nhà làm ra những tấm huy chương cho kỳ Olympic Tokyo 2020 thật độc đáo. Huy chương Olympic được sản xuất từ các thiết bị điện tử tái chế do các công dân hiến tặng. Theo thống kê, 5.000 huy chương đã được làm từ 78.985 tấn đồ điện tử tái chế, bao gồm máy tính xách tay, máy ảnh và khoảng 6 triệu điện thoại di động của người dân Nhật Bản, mới thấy dân Nhật Bản rất có ý thức bảo vệ môi trường ở đất nước họ.

Nhớ lại tại Olympic London 2012, Đoàn thể thao Nhật Bản trước giờ xuất quân đã được Ủy ban Olympic Nhật Bản trao tặng "Huy chương sóng thần" cho tất cả thành viên mỗi người một tấm huy chương được làm từ mảnh gỗ vụn của những căn nhà, những chiếc thuyền do hậu quả tàn khốc của thảm họa sóng thần năm 2011 gây nên.

Điều đó đã thể hiện đúng bản sắc Nhật Bản luôn nỗ lực vươn lên từ nghịch cảnh để thành công. Nó cũng thể hiện tinh thần thể thao Olympic cao đẹp, đem thể thao bảo vệ màu cờ sắc áo tranh tài cùng bè bạn 5 châu và quảng bá hình ảnh, đất nước con người và bản sắc riêng của đất nước họ.

Đoàn thể thao Việt Nam chúng ta tham dự lần này, với 43 thành viên; trong đó có 18 vận động viên, đã lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020 quyết tâm vượt khó để thực sự là sứ giả thiện chí, chân thành để quảng bá về truyền thống văn hóa tốt đẹp, hình ảnh hòa bình, thân thiện của đất nước Việt Nam chúng ta thông qua sân chơi Olympic như lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội - Olympic lần thứ XXXII.

QUANG HUY

.
.
.