Thứ Bảy, 18/09/2021, 11:19 (GMT+7)
.

Bao giờ bóng lăn trở lại?

Đại dịch Covid-19 đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, kéo dài hơn nhiều người nghĩ và đó là lý do VFF, VPF và các CLB đã tiến đến thống nhất kết thúc mùa giải 2021, khi nó còn chưa trôi qua được nửa chặng đường. Không có chức vô địch nào được trao cho đội dẫn đầu, cũng không có đội xuống hạng, khi toàn bộ kết quả của giải đấu bị hủy. Đây cũng là một quyết định gây tranh cãi.

Ngoài nỗi lo chống dịch, thì điều mà cấp quản lý - điều hành nền bóng đá, cũng như các giải đấu và các đội bóng ở Việt Nam, từ phủi đến chuyên, quan tâm vào lúc này, là khi nào trái bóng có thể lăn trở lại trên dải đất hình chữ S?

Bao giờ cho đến tháng Ba

“Tháng 4-2022, hoặc sớm nhất cũng phải đợi đến tháng 3, mới hy vọng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khởi tranh trở lại”, đấy là nhận định của ông Nguyễn Tấn Anh, người thay bầu Đức điều hành CLB HAGL từ hơn 15 năm qua. “Khi tháng 2-2022, ĐTQG còn tập trung cho các trận đấu tại vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á, trong đó có cuộc đón tiếp đội tuyển Trung Quốc vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán, thì theo tôi, phải đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau, giải quốc nội mới có thể trở lại”, vẫn lời ông Nguyễn Tấn Anh.

Bóng đá Việt Nam có một tiền lệ rất dở, đấy là không tuân theo quy chuẩn nào cả cho việc xếp lịch thi đấu. Kế hoạch với các ĐTQG hàng năm đã được lên khung từ rất sớm, do AFF, AFC hoặc cao hơn là FIFA ấn định, nhưng hệ thống thi đấu giải quốc nội luôn xáo trộn. Có những mùa giải nghỉ hoặc hoãn đến 3-4 lần, chỉ vì những kế hoạch tập trung nhỏ lẻ của các ĐTQG.

VFF về lý, là cơ quan quản lý cao nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng thực tế lại phải thuận theo chỉ đạo của Tổng cục TDTT, và cao hơn nữa là Bộ VH, TT&DL. Thế nên, rất thường xuyên rơi vào thế bị động. Đấy là quản lý cấp Nhà nước, trong khi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (do VPF tổ chức) đáng ra phải độc lập tương đối, thì cũng lại phụ thuộc vào VFF, ở đây là Thường trực VFF. Chúng ta có thể thấy qua điều này trong cuộc họp trực tuyến gây tranh cãi vừa qua, khi "quả bóng" được chuyền qua chuyền lại giữa hai tổ chức quan trọng của nền bóng đá quốc gia.

Không có quy định nào về việc phải hoãn toàn bộ hệ thống giải đấu, từ trẻ đến chuyên nghiệp, chỉ vì các kế hoạch nhỏ lẻ của các ĐTQG cả, đặc biệt là đội tuyển trẻ quốc gia. Nhưng, đội tuyển U22 tập trung đá vòng loại U23 châu Á, V-League cũng hoãn, đá SEA Games (như năm 2015) cũng hoãn; U20 quốc gia tập trung đá FIFA U20 World Cup cũng hoãn, rồi việc giải đấu phải dồn toa, gấp rút khép lại trước tháng 11 hàng năm, để thuận lợi cho đội tuyển U22 hoặc ĐTQG tập trung đá SEA Games, hoặc AFF Suzuki Cup…

Theo tính toán của giới chuyên môn thì rất nhiều khả năng phải đến tháng 3 năm sau, các giải bóng đá chuyên nghiệp mới có thể trở lại. Ảnh: VPF
Theo tính toán của giới chuyên môn thì rất nhiều khả năng phải đến tháng 3 năm sau, các giải bóng đá chuyên nghiệp mới có thể trở lại. Ảnh: VPF

Tức là đụng đâu hoãn đấy, khiến kế hoạch chuẩn bị của các CLB vì thế cũng bị xé lẻ, bị động cả về chuyên môn lẫn tài chính, gây tổn thất rất lớn.

Với các nền bóng đá phát triển, và các giải đấu hàng đầu, việc tập trung ĐTQG thi đấu các trận vòng loại hay giao hữu quốc tế theo “FIFA Day” chỉ cần vài ngày; cho VCK EURO, Copa America... hay World Cup, là đôi ba tuần và đó thường là khoảng thời gian mùa Hè, đã kết thúc giải VĐQG. Còn chúng ta luôn cần 2-3 tháng và rất thường xuyên, V-League phải tạm ngưng vài tuần, dù trong khoảng thời gian này, ĐTQG chỉ chơi 1-2 trận. Tiền lệ chính là do con người tạo ra, nhưng cái gì không hợp với thời đại, không theo kịp thời đại, thì dứt khoát phải bỏ.

Tháng Ba, Xuân về, hoa nở, tuyết tan, sông chảy…, là thời điểm rất đẹp để làm tổ, đơm hoa kết trái; là thời khắc tuyệt vời để bắt đầu một vòng quay mới. Và hy vọng, trái bóng - từ phủi đến chuyên, sẽ lăn trở lại vào cái thời điểm ấy, đặng bắt kịp với làng túc cầu.

Một cuộc cải tổ ở VPF?

Tất cả đều biết, mùa giải 2021 đã không thể trì hoãn thêm được nữa, bởi cơn đại dịch Covid -19 nằm ngoài ý muốn của tất cả, nhưng không phải không có giải pháp tốt hơn việc hủy toàn bộ kết quả giải đấu, khiến làng bóng đá sinh chia rẽ. Cuộc họp trực tuyến giữa VFF, VPF và 27 CLB chuyên nghiệp Việt Nam rất ác liệt và nhiều vị đại diện đội bóng thậm chí bị tắt micro khi đang phát biểu, hay chuyện tuồn băng ghi âm ra ngoài. Cuối cùng thì 26/27 đội bóng đều đồng ý ký vào biên bản kết thúc cuộc họp, nhưng biên bản ấy hoàn toàn chưa phải lời giải hay quyết định cuối cùng nào cả.

Nói về vai trò của VPF, ngót chục năm qua, kể từ khi được thành lập và đứng ra đăng cai các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, mùa giải 2012, thực ra là chẳng có vai trò gì cả. Họ đơn thuần chỉ là thực hiện theo lệnh từ VFF, với hơn 33% cổ đông, chưa tính % của một vài cá nhân có liên quan. Thế nên, nói VPF là cánh tay nối dài của VFF, là rất sát với thực tế. Không có gì quá lời cả.

Ngoại trừ giai đoạn đầu hình thành, với sự điều hành của đại diện các CLB được bầu, mà đứng đầu là ông Võ Quốc Thắng (Long An), dưới một chút có Cao Văn Chóng của B.Bình Dương, cùng sự giám sát của các bộ phận trung gian (như ông Nguyễn Công Khế của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên), và VFF vẫn giữ vai trò tương đối trong bộ máy hoạt động, cơ chế hoạt động của VPF khá hanh thông. Hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng được quy chuẩn, so với thời kỳ hơn 10 năm trước đó. Nhưng…

Một trong những phát kiến… "tối" nhất của VFF và VPF phải thực hiện, đấy là việc đưa ra những quy định về hạn chế suất đăng ký ngoại binh và Tây nhập tịch/CLB. Điều này, về lý là để tạo điều kiện thi đấu và phát triển cho cầu thủ trẻ, nhưng thực tế lại kéo chất lượng của các đội bóng đi xuống và đương nhiên, chất lượng của giải đấu cũng xuống theo. Năng lực cạnh tranh tầm châu lục của các CLB Việt Nam đương nhiên rất thiệt thòi. 10 năm qua, chỉ B.Bình Dương (AFC Champions League 2016) và CLB Hà Nội (AFC Cup 2019) tạo được chút hình ảnh cho V-League ở các đấu trường này, là quá khiêm tốn.

Bầu Đức của HAGL (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức - PV) đã phát biểu, khi thành tích của các ĐTQG trong hơn 3 năm qua được duy trì rất ổn định, mà hệ thống các giải bóng đá quốc nội không phát triển tương xứng, và gần như không có mối quan hệ hữu cơ - tương hỗ nào, thì phải xem lại phương pháp làm, xem lại vai trò của những người điều hành công ty, cũng như giải đấu. Ông Đức thậm chí đã điểm mặt, chỉ tên vài nhân vật cỡ bự, yêu cầu từ chức đi.

Mà không chỉ có mỗi tiếng nói từ phía HAGL, khá nhiều các CLB, từ Nam ra Bắc và tập trung toàn ở V-League, phản đối phương pháp làm và cơ chế hoạt động của VPF hiện tại. Nó sẽ báo hiệu một cuộc binh biến trong Đại hội cổ đông thường niên tới đây. Cuộc chơi của CLB, thì phải thuộc về CLB, đó là điều bắt buộc. Mô hình như thời kỳ đầu thành lập VPF là tương đối ưu việt, và dù cho Hà Nội hay Bình Dương, hoặc TP.HCM, Hải Phòng hay HAGL…, ngồi ghế đầu đi chăng nữa, thì chắc chắn nó cũng chỉ có lợi cho người chơi, thay vì “lợi ích nhóm” như tố giác và vẫn âm ỉ suốt thời gian dài qua.
 

Dịch bệnh Covid-19 đã có xu hướng giảm và kiểm soát tốt ở rất nhiều các địa phương, bằng chứng là sự nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song, vẫn cần thêm một khoảng thời gian “quá độ” nữa, để bóng đá trở lạ một cách đầy đủ nhất, từ sới phủi tới sân chuyên. Lý là bởi, bóng đá chính là đám đông, là lễ hội trên thảm đấu, cũng như trên khán đài. Không có khán giả, bóng đá không còn là môn thể thao vua nữa, thậm chí nó còn khiến cho bóng đá chết dần chết mòn. Theo ghi nhận của Thể thao & Văn hóa, nhiều sân bóng cỏ đã mọc quá gối, nhưng chỉ cần 2-3 tuần cắt xén, dưỡng cỏ, là bóng có thể lăn trở lại. Hãy bắt đầu từ phong trào, sau đó mới đến chuyên nghiệp.


(Theo https://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet-nam/bao-gio-bong-lan-tro-lai-n20210916215845537.htm)





 

.
.
Liên kết hữu ích
.