.

Thay đổi chiến lược đầu tư, Việt Nam đặt mục tiêu giành 4 HCV tại Asian Games 2022

Cập nhật: 20:19, 02/10/2021 (GMT+7)

Giới chức Tổng cục TDTT khẳng định, chiến lược đầu tư và xây dựng kế hoạch cho thể thao thành tích cao từ bây giờ thay đổi so với trước và mục tiêu trọng tâm là Olympic và Asian Games.

Điền kinh là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Asian Games 2022.
Điền kinh là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Asian Games 2022.

"Các Vụ thể thao thành tích cao chuyên môn 1, 2 của Tổng cục TDTT đã làm việc để xây dựng kế hoạch cho thể thao thành tích cao. Với Asian Games 19-2022, môn thế mạnh pencak silat không trong nội dung thi đấu nên chúng ta đặt chỉ tiêu từ 3-4 HCV", Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định.

Từ kết quả thất bại tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, ngành thể thao nhìn nhận rằng thể lực tầm vóc của người Việt Nam đối với các môn sức nhanh, mạnh, sức bền, độ khó cao là rất khó lấy được huy chương. "Hình thể của VĐV nước ngoài hơn hẳn Việt Nam. Đây là ở giai đoạn hiện nay. Hy vọng trong tương lai xa, tầm vóc thể lực của VĐV Việt Nam sẽ có thay đổi hơn. Việc đạt huy chương ở điền kinh hay bơi lội đối với Việt Nam là vô cùng khó. Vì thế, chiến lược và kế hoạch đầu tư có trọng điểm cụ thể", ông Phấn trao đổi.

Trên thực tế, ngành thể thao cho rằng trước đây Chiến lược đối với thể thao thành tích cao Việt Nam là là liên thông. Nghĩa là, đầu tư đào tạo cho những VĐV giỏi nhất giành kết quả cao ở SEA Games (cấp Đông Nam Á) sau đó tuyển chọn những người ưu tú từ lực lượng này chuẩn bị cho Asian Games (cấp độ châu Á) và từ đây tìm ra những người giỏi để hướng tới thi đấu Olympic (cấp độ thế giới).

Tuy nhiên, trong định hướng mới tới đây, kế hoạch dồn lực mạnh nhất để phải dành được HCV tại Asian Games rồi giành huy chương Olympic được ưu tiên trên hết. "Giải  pháp mục tiêu phải lấy được HCV ở một số môn Olympic tại Asian Games 19-2022 và hướng tới giành huy chương Olympic trong 1 hoặc 2 chu kỳ tiếp theo. Ưu tiên cho đấu trường Olympic (số1), số 2 là Asian Games và số 3 là SEA Games là định hướng của thể thao thành tích cao", ông Phấn phân tích.

Mặc dù vậy, nhìn về tổng thể vẫn thấy rằng câu chuyện có thể chỉ thay đổi về cách thứ còn hướng đi vẫn là 3 cung đường dẫn tới 1 mục tiêu như trước đây: phải giành huy chương. Khi tới SEA Games, liệu những VĐV quan trọng chủ chốt có được phép bỏ qua không thi đấu mà chỉ tập trung cho Asian Games và Olympic hay không? Điều này chưa được nhắc tới.

Rowing sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm.
Rowing sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm.

Dĩ nhiên, Tổng cục TDTT là đơn vị tham vấn chuyên môn cao nhất tới Bộ VH-TT-DL sau đó trình Chính phủ về dự thảo đề án Chiến lược về phát triển thể thao Việt Nam giai đoạn 2021 tới 2030 và tầm nhìn 2050 đã được bàn thảo. Cụ thể hơn là sự chuẩn bị cho SEA Games 31 và Asian Games 19-2022, Olympic Paris (Pháp) 2024 đã hoạch định.  

Chuẩn bị cho việc này, đại diện Tổng cục TDTT xác nhận ở ngày 1-10"chúng tôi đã xây dựng kế hoạch Asian Games 19-2022 định hướng cho Olympic. Chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo trực tuyến là hội nghị bàn tròn với 63 tỉnh, thành để thảo luận liên quan tới thể thao thành tích cao, việc định hướng môn hướng tới các đại hội. Tuần tới dự thảo sẽ hoàn thiện và gởi các địa phương, Liên đoàn hiệp hội thể thao quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học để đóng góp xây dựng Chiến lược tạo được sự toàn diện. Chiến lược sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 11 năm nay.  Chiến lược khác với lần trước, và ghi đậm chất xám của toàn ngành để thể thao thành tích cao có sự đột phá hiệu quả. Hướng tới có huy chương ở Olympic, và Asian Games".

Năm 2022, thể thao Việt Nam tham dự nhiều đại hội quan trọng, đặc biệt là SEA Games 31, Asian Games 19-2022 và Đại hội TDTT toàn quốc. Trên cơ bản, Quảng Ninh sẽ là chủ nhà Đại hội TDTT toàn quốc 2022 và một số môn mới sẽ được đưa vào thi đấu như 3 môn phối hợp (triathlon) và jujitsu.

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.