U23 Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm
Đội tuyển Bóng đá U23 (gọi tắt là U23) Việt Nam đã vượt qua Vòng loại Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á để có lần thứ 4 liên tiếp góp mặt tại Vòng chung kết của ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục dành cho lứa tuổi U23. Thành tích đạt được rất đáng khích lệ, nhưng U23 Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể tạo dấu ấn ở Vòng chung kết.
Lối chơi của U23 Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Vietnamnet.vn |
U23 Việt Nam đã trình diễn lối chơi không thực sự thuyết phục ở trận đấu trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar ở vòng loại vừa qua. U23 Việt Nam vẫn nhập cuộc tương đối chậm, ưu tiên đội hình thấp, chặt chẽ ở khu vực phòng thủ và giữa sân. Dù vậy, lối chơi này không được vận hành trơn tru và thiếu dứt khoát. Như đã biết, Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo vẫn rất chuộng lối chơi phòng thủ chắc, phản công nhanh và gọn để đối thủ không kịp trở tay.
Tuy nhiên, U23 Việt Nam lại cho thấy việc chuyển đổi trạng thái quá chậm từ phòng ngự sang phản công. Tuyến giữa thiếu cơ động và sáng tạo là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự đứt gãy trong lối chơi của U23 Việt Nam.
Sự bị động khiến cho hàng tiền vệ của U23 Việt Nam bị dồn về quá sâu, trong khi phòng thủ và dâng lên quá chậm khi cần tấn công. Từ đó, các cầu thủ Việt Nam thường xuyên phải tấn công trong thế thiếu người. Cùng với đó, U23 Việt Nam cũng cho thấy việc chuyển từ tấn công sang phòng ngự cũng khá chậm so với đối thủ. Hàng phòng ngự U23 Việt Nam nhiều lần phải đối mặt với các tình huống “3 đánh 3” hoặc có lúc là “4 đánh 3” khi khoảng cách với tuyến 2 là quá xa.
Nhiều người cho rằng, mặt sân quá xấu đã ảnh hưởng đến lối chơi của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân khác có phần quan trọng hơn đến từ chính các cầu thủ. U23 Việt Nam xét về kết quả vẫn đang chơi tốt trước các đối thủ được đánh giá yếu hơn. Dù vậy, các cầu thủ trẻ của Việt Nam đang thiếu một đầu tàu dẫn dắt lối chơi chung của toàn đội. Một mũi nhọn hoặc một người điều tiết cầm nhịp trận đấu là điều mà U23 Việt Nam đang cần lúc này.
Những Việt Hoàng, Hai Long chưa thực sự nổi trội trong vai trò thủ lĩnh lối chơi của toàn đội. Hai Long thi đấu khá nổi bật ở tuyến giữa. Tuy nhiên, vai trò điều tiết của cầu thủ này vẫn còn khá hạn chế. Hai Long chỉ đang cho thấy hiệu quả ở việc tổ chức phối hợp bóng ngắn trong cự ly hẹp. Do đó, U23 Việt Nam vẫn đang thiếu những đường chuyền vượt tuyến chính xác để thay đổi trạng thái nhanh và hiệu quả.
Ở hàng công, Thanh Minh, Xuân Tú hay Văn Đạt vẫn đang quá “hiền” trong lối chơi. Cả ba cầu thủ trên vẫn chưa cho thấy khả năng rê dắt và giữ bóng trước các đối thủ. Cùng với đó, sự thụ động trong di chuyển để nhận bóng và phối hợp với đồng đội là điểm yếu khiến cho U23 Việt Nam chỉ ghi được 2 bàn sau 2 trận đấu. Sự tự tin cũng không phải là điểm mạnh của các cầu thủ này khi còn khá do dự ở các tình huống quyết định để cơ hội trôi đi. Đặc biệt, các tiền đạo của U23 Việt Nam vẫn còn quá phụ thuộc vào hàng tiền vệ dẫn đến U23 Việt Nam chơi tấn công thiếu đột biến.
Hàng phòng ngự chơi thiếu tập trung sẽ là nỗi lo lớn khi U23 Việt Nam thi đấu ở Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á vào năm sau. Tình huống dẫn đến quả đá phạt ngay sát vòng 16m50 ở phút 91 của các cầu thủ U23 Myanmar có lẽ là tình huống điển hình nhất cho sự mất tập trung của các cầu thủ U23 Việt Nam.
Đặc biệt, các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn cần tiết chế các tình huống tiểu xảo, va chạm không thật sự cần thiết với đối thủ. Nếu chỉ tính trong hiệp 1 trận đấu với U23 Myanmar, U23 Việt Nam đã có đến 12 lần phạm lỗi, trong đó có tình huống phải nhận thẻ như cao chân… Thầy và trò HLV Park Hang-seo còn nhiều việc phải làm nếu muốn tiến sâu ở Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á 2022.
CAO THẮNG