Người quan sát: Đam mê đã tận...
... Thì đem hóa vàng/Uống nhầm rượu hẩm/Phí một lần say (thơ Đoàn Ngọc Thu).
Không có gì ầm ĩ, khi lần lượt Arsenal, rồi JMG nói lời chia tay với HAGL, sau khi kết thúc các chiến lược hợp tác mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, kể từ năm 2007. Sứ mệnh đã hoàn thành và theo Giám đốc điều hành CLB HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh, tất cả đều nằm trong kế hoạch hợp tác, vui vẻ và không có tranh chấp nào xảy ra cả.
Mới đây, khoảng trung tuần tháng 6-2021, JMG toàn cầu và Học viện bóng đá Hàm Rồng, đã kết thúc chương trình hợp tác kéo dài 14 năm (kể từ 2007). Kết thúc với HAGL, nhưng bộ nhận diện thương hiệu toàn cầu này sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với Nutifood, vẫn là các chiến lược đào tạo trẻ. Mà Học viện Nutifood thì cũng đang đóng quân tại Hàm Rồng.
Trước đó, năm 2017, HAGL và Arsenal cũng đã ngưng hợp tác sau 10 năm gắn bó. Chúng ta còn nhớ, HAGL Arsenal JMG từng xuất xưởng lứa đầu tiên vào năm 2013-2014, sau 7 năm đào tạo, với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều, Minh Vương, Văn Thanh, Hồng Duy..., rất đình đám. Hiệu ứng từ lối chơi phiên bản Arsenal của lứa U19 này thực sự đã đánh thức bản năng và tình yêu của nền bóng đá, cho đến trước khi chúng ta gặt hái được thành công dưới triều đại HLV Park Hang Seo.
Thế nên, bầu Đức tuy là đã thất bại trong các chiến lược kinh doanh - bán cầu thủ giá triệu đô, nhưng bù lại, ông vẫn được xem như công thần số 1 của nền bóng đá. Ngoài đào tạo, cung ứng một số lượng lớn cầu thủ tốt, ông bầu phố Núi này còn được cho là đã có công đưa về và trả lương thời kỳ đầu cho “phù thủy” Park Hang Seo.
Nhắc lại thời điểm năm 2007, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu lao vào cuộc bão giá trên thị trường chuyển nhượng (cả nội lẫn ngoại binh), mà bản thân Dream Team HAGL cũng đều được gầy dựng và mua về bằng tiền, ông Đoàn Nguyên Đức đã đi một nước cờ ít ai nghĩ tới. Đấy là mời các đối tác nước ngoài (thực tế là mua thương hiệu và công thức), mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Hàng chục hecta cao su đang tuổi thu hoạch được đốn bỏ để xây dựng sân tập và khu nhà nghỉ, hồ bơi, nhà ăn..., cho VĐV, rồi các chương trình tuyển sinh rầm rộ khắp cả nước.
Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG đã đào tạo ra nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam. |
Số tiền mà HAGL phải trả cho Arsenal trong việc nhượng quyền thương hiệu đào tạo trong 10 năm, ước tính khoảng 4 triệu USD. Bầu Đức đã bắt đầu theo đuổi Arsenal từ năm 2004 đến 2007 mới thành. Với JMG toàn cầu thì thấp hơn, nhưng không có gì là miễn phí cả. Mới đây, khi tổng kết lại hành trình 20 năm doanh nghiệp HAGL làm bóng đá, ông Đức nói rằng, con số có thể lên đến 2 ngàn tỷ đồng. Thật quá là khủng khiếp.
Chưa bán được cầu thủ triệu đô nào như ước nguyện, song sản phẩm của Học viện HAGL Arsenal JMG có thể nói là kiểu mẫu. Phẩm chất kỹ thuật hoàn hảo, tư duy chơi bóng cấp tiến, đạo đức lối sống tốt..., tất cả các HLV ở Việt Nam đều mơ ước một ngày được cầm đội bóng phố núi, với lứa của Phượng, Toàn... Bản thân HLV Kiatisuk cũng là đã rất thức thời mà chọn đội bóng cũ dẫn dắt vào thời điểm mà lứa cầu thủ này bắt đầu độ chín.
Dù được ăn tập, chế độ dinh dưỡng với công thức ngoại và thầy ngoại, nhưng điểm yếu chí mạng mang tính giống nòi, đấy là hình thể của phần lớn "những đứa trẻ nhà bầu Đức" lại không mấy khác biệt so với phần còn lại. Việc tận thu cũng khiến họ gặp nhiều các chấn thương nặng, giảm đi đáng kể hoạn lộ phát triển tài năng ở tầm cao.
Sau kết thúc các chương trình hợp tác với Arsenal và JMG toàn cầu, HAGL đã tích lũy đủ vốn liếng và trí tuệ, để tự mình vận hành Học viện phù hợp với nguồn nội lực, tiến đến sự tự cường. Đây cũng là hướng đi đúng đắn tiếp theo, trong phần lớn các địa hạt của xã hội, đặc biệt là kinh tế. Mà nói về kinh tế bóng đá, không ai giỏi hơn bầu Đức và bộ hạ của ông!
Sẽ là một chương mới cho HAGL và cho cả bộ mặt của bóng đá trẻ, vốn là tương lai của nền bóng đá.
(Theo thethaovanhoa.vn)