.

Bóng đá Việt Nam sống chung với dịch

Cập nhật: 14:01, 17/01/2022 (GMT+7)

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bóng đá Việt Nam. Không thể đứng ngoài cuộc, ngành thể thao nói chung và bóng đá nói riêng phải sống chung với dịch.

Khởi phát từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 ảnh hưởng quá lớn đến đời sống xã hội cũng như các ngành giải trí. Bóng đá không đứng ngoài guồng quay đó. Hơn hai năm, dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát. Tuy vậy, không vì thế mà chúng ta lùi bước.

Giải pháp căn cơ chính là sống chung và đối phó với nó tùy thuộc vào mức độ. Năm 2021, bóng đá Việt Nam trả giá quá đắt khi V-League cùng các giải chuyên nghiệp phải hủy. Nó kéo theo muôn vàn hệ lụy. Đó là thu nhập của các cầu thủ cùng thành viên đội bóng giảm sút, giải đấu thất thu và hình ảnh phần nào bị mất đi.

Nhưng, quan trọng hơn cả, các cầu thủ không thi đấu khiến đội tuyển quốc gia gặp khó trong việc tìm kiếm nhân tố mới. HLV Park Hang Seo không trình làng bất cứ gương mặt mới nào đáng kể. Thật khó cho nhà cầm quân người Hàn Quốc khi ông không có quá nhiều bột nên khó gột nên hồ.

Thất bại ở AFF Cup 2021 hay 6 trận thua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 phần nào cho thấy tầm quan trọng của V.League. Rõ ràng, kịch bản xấu nhất là hủy các giải bóng đá để lại hệ quả khôn lường.

Đó là vấn đề đặt ra với bóng đá Việt Nam, mà đặc biệt, khi V-League 2022 diễn ra. Trong hai năm qua, ngành thể thao đã đủ “khôn lớn” lèo lái các hoạt động, giải đấu trở lại bình thường. Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra trên toàn thế giới giúp chúng ta chọn lọc, áp dụng.

Mới đây, liên tiếp hai đội bóng đá nam và nữ đều có ca nhiễm Covid-19 ngay trước thềm các giải đấu lớn. Thậm chí, hơn một nửa đội nữ nhiễm bệnh đặt ra bài toán nhân sự trước thềm trận ra quân vòng chung kết Asian Cup 2022 gặp Hàn Quốc.

V-League phải “sống thích ứng với dịch Covid-19” . Ảnh: Hoàng Linh
V-League phải “sống thích ứng với dịch Covid-19” . Ảnh: Hoàng Linh

Tuy vậy, giải pháp được đưa ra. Thậm chí, VFF “cược” thành tích chuyên môn sẽ không thể tốt nhất mà thay vào đó là ưu tiên sức khỏe cầu thủ. Thế nhưng, vượt trên tất cả, điều chúng ta buộc phải làm là tham dự giải đấu và đưa các trận đấu về đích an toàn bất chấp ảnh hưởng quá nặng nề từ dịch bệnh.

Bài học và cũng là kinh nghiệm từ đội tuyển nữ cần được rút tỉa ở V-League. Thật khó đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối ở giải đấu được tổ chức vào năm sau khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc vào một thời điểm nhất định.

Vấn đề với các nhà tổ chức là phải lường hết các kịch bản, kể cả xấu nhất để giải đấu diễn ra theo đúng kế hoạch. Có quá nhiều mất mát từ hủy V-League 2021. Bài học mang tính lịch sử cần được khắc phục và phải ứng biến linh hoạt ở thời điểm này. Chỉ có như vậy, hình ảnh V-League mới không bị mất đi và các cầu thủ có thể trở lại nhịp sống bình thường, người hâm mộ thưởng thức giá trị tinh thần.

Ngoài tổ chức V-League theo đúng kế hoạch, VFF, VPF cần phải sạch, sáng và nâng cao chất lượng giải đấu. Khi cả thế giới cùng nhau tiến lên, chúng ta không thể lùi lại bởi lùi một bước ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam có nguy cơ bị tụt lại sau những ngày tháng huy hoàng.

(Theo https://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet-nam/bong-da-viet-nam-song-chung-voi-dich-n20220117010823700.htm)

 

.
.
.