Biết mình rồi hẵng biết ta
Cân đo thái quá sẽ khiến cuộc chơi trở nên đau khổ, có ai mãi mãi chiến thắng để thỏa mãn lòng tham vô đáy?
Bóng đá quả thật hấp dẫn |
Thượng đế ban cho con người bộ não vĩ đại nhất trong muôn loài, nhưng ngài cũng tạo tác vô số thứ để con người không thể nào nhận thức hết trong thế giới này còn gì. Vì nếu con người có thể biết tất cả về nhau, về tự nhiên, xã hội thì cuộc sống này trở nên trần trụi và chẳng còn nghĩa lý gì.
Vì không ai có may mắn ngồi vào chiếc ghế của đấng “siêu nhiên” nên chẳng hề có cơ hội biết hết mọi thứ trong thiên hạ. Cho nên, thất bại nào, thành công nào, hay bất kỳ việc gì cũng có lý do của nó mà phần lớn không thể mổ xẻ đến cùng. Thậm chí đấng siêu nhiên cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.
Sở dĩ quả bóng nhất quyết phải là hình tròn là để nó có thể lăn ở mọi góc độ, sở dĩ nó có thể lăn như vậy là để không ai có thể đoán trước được. Cũng như cuộc sống, không phải bao giờ cũng như ta mong muốn, đôi khi đã làm tất cả, cố gắng hết sức nhưng kết quả nhận lại vẫn đen tối vô cùng.
Điều gì xảy ra nếu hai cú sút xa của Quang Hải có thể làm tung lưới Thái Lan và cuối trận ông trọng tài người Qatar thổi phạt đền cho Việt Nam. Giả định, chúng ta thắng ngược người Thái thì hôm nay hàng triệu người chắc mẫm rằng bóng đá Việt Nam đã vượt tầm Đông Nam Á, không thể khác!
Giả sử, bóng đá Việt Nam có thể một lần nữa vô địch Đông Nam Á, chắc chắn phần đông lại hát điệp khúc “không có đối thủ”, và nếu như sau đó lại thua ê chề ở lượt về vòng loại World Cup thì sao? Kết quả cuối cùng là gì? Chúng ta là ai? Đang ở đâu?
Bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn nếu cứ nỗ lực và không nên lấy đối thủ để đo mình |
À, chắc người Brazil 5 lần vô địch bóng đá thế giới - nên nghĩ rằng họ phải đá với đội bóng nào đó ngoài hành tinh mới xứng tầm, nào còn ai hơn nữa đâu, cứ như thế sẽ lao vào hư vô. Vậy thì cố gắng khẳng định “vượt tầm” với ai đó để làm gì? Để thỏa mãn tinh thần “dân tộc chủ nghĩa” hẹp hòi chăng?
Cái khổ nhất của đời người là cứ tìm đối trọng để khẳng định mình, lấy người khác làm thước đo, thế mới sinh ra thói tỵ nạnh, ghen ghét, chơi xấu nhau, cùng dìm nhau xuống để không ai vượt mình. Đây là tâm lý phổ biến mang bản chất tiểu nông mà người Việt đang chịu ảnh hưởng.
Ở tầng nấc cao hơn, nhiều mục tiêu vĩ mô cũng không tránh khỏi tâm lý lấy người khác, quốc gia khác làm định lượng, giả dụ như “năm nào đó…vượt qua ai đó… ở thứ hạng bao nhiêu đó…” và một khi “sờ” đến được thì lại lấy đó quy về như thế là thành công, là vĩ đại!
Người Buhtan rất hạnh phúc vì họ sống tối giản, nhưng không thể lấy thứ hạng của họ để xét cấp bậc hạnh phúc của ta. Bóng đá Thái Lan xếp hạng FIFA kém Việt Nam mười mấy bậc nhưng điều đó không có nghĩa là ta ở gian giữa, bạn ở nhà ngang.
À mà vì sẵn tâm lý “hơn - kém” nên luôn tìm đủ lý do bao biện cho khiếm khuyết mà đáng lẽ ra phải tự nhìn thấu mình để sửa chữa trước khi tìm tới những vấn đề khác. Nói như triết gia Socrat, “con người hãy nhận thức chính mình”.
(Theo enternews.vn)