.

Từ bóng đá nhìn về SEA Games 31

Cập nhật: 10:29, 09/03/2022 (GMT+7)
Đội tuyển U23 Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch giải U23 Đông Nam Á. (Ảnh: VFF)
Đội tuyển U23 Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch giải U23 Đông Nam Á. (Ảnh: VFF)

Nhiều năm trước, bóng đá Việt Nam không được đánh giá cao ở các giải đấu châu lục chứ chưa nói đến sân chơi thế giới và ngay cả ở khu vực, thành tích cũng trồi sụt lên xuống, trong khi chúng ta vẫn loay hoay tìm hướng chuyên nghiệp hóa. 

Nếu nhìn vào nhận xét của giới chuyên môn trong nước và quốc tế khi đó, các nhà quản lý và làm bóng đá nước ta nếu không có bản lĩnh thì càng dễ thu mình lại, tự ti hơn trước các sân chơi đẳng cấp. 

Tuy nhiên, chúng ta từng bước đi lên từ xuất phát điểm có phần yếu kém đó, biết nhìn ra khả năng, những thế mạnh, điểm còn hạn chế của mình để có giải pháp, sự tự tin và kiên trì, đầu tư và làm lại bóng đá để từng bước phát triển.

Bắt đầu từ cách làm bóng đá sạch, nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh của các giải chuyên nghiệp, nhất là giải vô địch quốc gia, song hơn cả là sự đầu tư cho nền tảng nhân sự, đầu tư cho con người, không chỉ về chuyên môn mà cả về đạo đức từ các lò đào tạo bóng đá trẻ của những ông bầu, các doanh nghiệp đầy tâm huyết với bóng đá. 

Chính những cầu thủ trẻ được đào tạo ngày ấy đã tạo nên một “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam hôm nay ở đội tuyển quốc gia và liên tục là các lứa kế cận.

Tập trung đào tạo trẻ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam, là cơ sở nhân lực để các chiến lược gia như huấn luyện viên Park Hang-seo có “bột để gột nên hồ”. 

Và bóng đá Việt Nam đã đi lên từ những người trẻ ấy trong suốt bốn năm qua, bắt đầu là sự chói sáng, đầy tự hào của thế hệ U23 tại đấu trường châu lục trên sân Thường Châu (Trung Quốc) dưới trời tuyết trắng năm 2018 cho đến những chiến thắng vang dội ở vòng loại World Cup của bóng đá nam, nữ và U23 Đông Nam Á trong những ngày đầu xuân vừa qua. 

Cách nhìn nhận của giới chuyên môn về bóng đá Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, không còn là đội “lót đường”. Ngay cả những đội bóng mạnh hàng đầu châu lục cũng phải thay đổi cách nhìn khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam ở cấp quốc gia và các lứa tuổi.  

Từ bóng đá nói riêng, nhìn về thể thao, chúng ta cũng đang có những định hướng phát triển mạnh mẽ, tập trung vào thực chất, định hướng đầu tư cho các môn thể thao cơ bản Olympic. Điều đó có thể thấy ở thành tích nổi trội, luôn lọt vào tốp ba đoàn dẫn đầu qua các kỳ SEA Games, đồng thời vô địch ở nhiều môn thể thao cơ bản của Olympic và ASIAD. 

Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài thực trạng chung của thể thao Đông Nam Á, thành tích của thể thao Việt Nam trên các đấu trường châu lục, thế giới không cao, vẫn thuộc về “vùng trũng” và cuộc “trắng tay” ở Olympic Tokyo 2020 vừa qua là một minh chứng. 

Đã nhiều kỳ SEA Games đi qua, chúng ta và các nước trong khu vực vẫn giằng co trong lối nghĩ, cách làm nặng về bệnh thành tích (số lượng huy chương), không đi vào chất lượng và lợi thế chủ nhà đồng nghĩa với ưu thế huy chương ở đăng cai những môn, những nội dung thế mạnh để đưa vào cho dù thành tích ở những môn đó dẫu là niềm vui khu vực nhưng chẳng có mấy giá trị với thể thao châu lục và thế giới. 

Bệnh thành tích còn “biến chứng” tệ đến mức không phải không có việc cản trở đối thủ giành huy chương bằng mọi cách, kể cả trong công tác điều hành trọng tài và phục vụ thi đấu.

Thực trạng nêu trên bệnh “nan y” “thâm căn cố đế” ấy, chính là một trong những nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung không thật sự phát triển như mong muốn. 

Chúng ta đã nhận thức được điều đó và có quyết tâm lớn trong chiến lược phát triển thể thao của mình với định hướng phát triển phong trào thể thao cơ sở, tập trung đầu tư cho thể thao thành tích cao có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, chú trọng công tác đào tạo tài năng trẻ, nhất là ở các môn thể thao Olympic, ASIAD, quyết đưa thể thao Việt Nam thoát khỏi “ao làng” khu vực như cách bóng đá Việt Nam đã và đang làm. 

Quyết tâm ấy thể hiện qua khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành thể thao sẽ tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam trở thành kỳ đại hội kiểu mẫu, khách quan, công bằng, tôn vinh và truyền cảm hứng về tinh thần thể thao cao thượng tới bạn bè quốc tế và người dân trong nước. 

Quyết tâm ấy thể hiện qua việc trong 36 môn thể thao và gần 500 nội dung thi đấu tại SEA Games 31, chúng ta đã chọn chủ yếu các môn cơ bản Olympic, ASIAD và điều đặc biệt, rất đáng nói là nước chủ nhà không loại bỏ có chủ đích những môn, những nội dung thế mạnh của mình hay của đoàn thể thao nước bạn  hoặc cố tình tận dụng lợi thế chủ nhà cho những môn thế mạnh, cốt chỉ nhằm có nhiều huy chương. 

Cách thức tổ chức về một kỳ SEA Games 31 kiểu mẫu của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt thành của các nước trong khu vực. Đó chính là bản lĩnh và sự tự tin của nước chủ nhà. Làm tốt được điều này, chính là chúng ta đang góp phần thúc đẩy thể thao Đông Nam Á phát triển vươn tầm và tiến xa hơn về phía trước.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.