.

"Võ vương" Minh Cảnh - Huyền thoại Boxing Việt Nam

Cập nhật: 10:54, 13/04/2022 (GMT+7)

Boxing Việt đã từng vang danh Minh Cảnh, là một trong những người đã đưa tên tuổi Boxing Việt Nam ra đấu trường thế giới. Võ sĩ miền Tây này không chỉ là “hung thần” trên võ đài thời bấy giờ, mà thậm chí ông còn là một trong những “tượng đài” mọi thời đại của Boxing Việt Nam, bất kỳ võ sĩ nào cũng đều ngưỡng mộ. Sinh thời, Minh Cảnh từng được tôn làm “Võ vương” với những “cú đòn thần sầu” làm nản lòng biết bao đối thủ.

Võ sư Minh Cảnh tên thật Nguyễn Văn Cảnh, sinh ngày 3-2-1922 ở huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông sớm nổi danh trong giới võ thuật nhờ khả năng di chuyển linh hoạt, nhanh nhẹn và cú móc trái “thần sầu quỷ khóc”.

ĐAM MÊ VÕ THUẬT TỪ NHỎ

Đam mê võ thuật từ nhỏ, nhưng Minh Cảnh không được tiếp cận từ sớm như nhiều võ sư khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã phải theo mẹ sang Cao Miên (Campuchia ngày nay) sinh sống. Sau 5 năm lưu lạc xứ người, ông quay về Sài Gòn và được biết đến Quyền Anh từ một lần đi xem đấu võ đài ở Sài Gòn.

Năm 1940, sau khi thọ giáo võ sư Muôn được 6 tháng, trận đấu Quyền Anh đầu tiên ông tham gia diễn ra tại CLB Foyer Soldats. Đối thủ là võ sĩ Hồng Phúc, học trò của võ sư Dương Tri Phong, nhà Vô địch Quyền Anh hạng nặng miền Trung. Trận đấu có 4 hiệp, mỗi hiệp 2 phút, nhưng vào hiệp hai ông đã hạ knockout Hồng Phúc.

Sau trận đấu này, ông được võ sư 0-Campo - nhà Vô địch Quyền Anh hạng nhẹ thế giới, người Philippin huấn luyện. Năm 1941, lúc 19 tuổi, cũng tại CLB nói trên, Minh Cảnh tiếp tục hạ knock out võ sĩ Xuân Kỳ ở hiệp thứ tư, đoạt chức Vô địch hạng lông miền Nam. Tiếp theo, ông được võ sư O-Campo gửi qua học với võ sư Nauder - nhà Vô địch Quyền Anh hạng nặng Marseille và  Đông Dương.

Thời gian này, có một võ sĩ rất nổi tiếng là Đông Phương Sóc, quê Lái Thiêu (Thủ Dầu Một, nay là TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương). Xuất thân Đông Phương Sóc từng thọ giáo môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà ở Thủ Dầu Một, từng “làm mưa làm gió” trên khắp võ đài Việt Nam, đánh bại biết bao võ sĩ Quyền Anh đương thời, kể cả các võ sĩ người Pháp. Thế nhưng, khi đối đầu với võ sĩ trẻ Minh Cảnh, Đông Phương Sóc đã bị hạ knockout trong một đêm võ đài tổ chức tại chợ Lái Thiêu.

Năm 1944, ông ra miền Trung học võ tự do và quyền cước Tây Sơn, đánh thắng võ sĩ Đanh - Đâm,  người Khơme, học trò của võ sư Hồ Thanh Xuân, là danh sư võ Bình Định. Sau trận đấu này, ông được võ sư Xuân truyền thụ thêm kiến thức về võ học truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được học các võ sư môn võ cổ truyền Việt Nam thời bấy giờ ở miền Tây Nam bộ: Hữu Vĩnh, Sáu Cường, Thái Ngọc Kỵ...

Năm ông 32 tuổi, thượng đài đấu chấp với một tay đấm có tiếng người đảo Corse trong quân đội Pháp là Campagna, nặng 70 kg, hơn ông đến 18 kg, đã hạ knockout võ sĩ này ở hiệp đấu thứ ba. Năm 42 tuổi, ông tiếp tục đấu chấp với võ sĩ Jean Leon, người Philippines, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, cũng đã hạ knockout võ sĩ này ở hiệp đấu thứ ba.

Trận đấu cuối cùng của ông vào năm 1973 (lúc đó ông đã 51 tuổi) với võ sĩ người Úc nặng đến 72 kg. Võ sĩ này đến Vũng Tàu thách đấu với các võ sĩ Việt Nam. Thời gian này, ông đã từ giã võ đài và đến đây xem, nhưng trước sự thách thức của võ sĩ người Úc, tinh thần dân tộc của mình bị tổn thương nên ông quyết định thượng đài.

Sau hai hiệp cố thủ và thăm dò, sang hiệp ba bằng một cú đấm tay mặt, ông đã hạ knockout đối thủ trong tiếng hoan hô cuồng nhiệt của khán giả. Võ sư Minh Cảnh kết thúc sự nghiệp 30 năm Quyền Anh bằng một kỷ niệm đẹp.

MÀN KỊCH CHIẾN NGOẠN MỤC VỚI CAO THỦ MỸ

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, vào năm 1946, võ sư Minh Cảnh so găng với Jean Leon (người Philippines) trong kỳ võ đài tổ chức tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Ở hai hiệp đầu, Jean Leon đã luôn tìm cách tấn công bằng những quả đấm thẳng; còn Minh Cảnh cố thủ hơn công vì muốn dành sức cho những hiệp sau. Hiệp thứ ba, Minh Cảnh phản công, gần cuối hiệp ông đã đấm trúng bằng những quả móc nặng khiến Jean Leon bị đo ván. Đặc biệt, năm này, võ sư Minh Cảnh đã đánh bại tay đấm người Pháp Pannutti để giành chiếc đai Vô địch Đông Dương hạng gà.

Võ sư Hồ Tường kể rằng: Tôi vẫn còn nhớ một trận đấu đỉnh cao của võ sư Minh Cảnh, diễn ra vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, do Tổng cuộc Quyền thuật tổ chức tại sân Tinh Võ (quận 5, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), với nhiều tay đấm tên tuổi từ các võ đường: Từ Thiện, Lý Huỳnh, Xuân Bình, Nguyễn Nhiều, Mã Thành Long…

Võ sĩ người Mỹ tên John C. Miller (vốn là sĩ quan quân đội, 24 tuổi) sải tay dài, cao tới 1,8 m, nặng hơn 80 kg, hơn “Võ vương” tới khoảng 20 kg và 22 cm. Những sự chênh lệch quá lớn về thể hình và độ tuổi từ tay đấm người Mỹ này khiến mọi người không khỏi lắc đầu trước sự cáp độ quá thiếu hợp lý từ ban tổ chức. Thế nhưng, rốt cục đây lại là trận đấu mà võ sĩ Minh Cảnh thể hiện những kỹ năng đỉnh cao của mình. Hiệp đầu, John chỉ dùng những cú chọc thẳng để vờn Minh Cảnh.

Sang hiệp hai, thỉnh thoảng Minh Cảnh nhập nội chịu đòn và trả đòn, nhưng vì thấp hơn hẳn đối thủ nên những cú đánh vòng vào quai hàm của ông phải cất tay lên khiến lực yếu đi khá nhiều. Cuối hiệp hai, John dồn võ sĩ chủ nhà vào góc đài và tung ra một số cú móc khá mạnh trúng đích, buộc Minh Cảnh lui về thế phòng thủ.

Sang hiệp 3, Minh Cảnh đã chiến đấu kiên cường, không chỉ phòng thủ xuất sắc, mà còn tung ra một số đòn đáp trả rất điệu nghệ. Trọng tài Nguyễn Son tuyên bố John C. Miller thắng điểm với chênh lệch điểm số rất sít sao, nhưng đây là trận đấu ngoạn mục bậc nhất của Minh Cảnh, bởi ông đã thi đấu ngang ngửa với một đối thủ cao to và trẻ hơn ông rất nhiều.

TỪNG LÀ DIỄN VIÊN XIẾC, BIỂU DIỄN MÔ TÔ BAY

Cũng theo võ sư Hồ Tường, có một điều bất ngờ về huyền thoại Minh Cảnh mà ngày nay ít người biết. Đó là, trong những năm 1950 - 1960, ông thành lập một đoàn xiếc mô tô bay mang tên Minh Cảnh đi biểu diễn ở các hội chợ, tổ chức ở Nam bộ. Đạo cụ biểu diễn là những chiếc mô tô động cơ hai thì của Đức, Pháp.

Trong các buổi biểu diễn, Minh Cảnh luôn lái chiếc mô tô đầu tiên chạy vòng tròn trên thành bằng gỗ hình tròn để chào khán giả, sau đó mới đến các tay lái khác. Đoàn xiếc mô tô bay Minh Cảnh đã giải thể sau 5 năm hoạt động, võ sư Minh Cảnh quay về với võ đài.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.