Khi doping là vấn nạn của thể thao thế giới
Việc nhiều vận động viên (VĐV) dính nghi án doping khi thi đấu ở SEA Games 31 thực sự là cú sốc lớn với ngành thể thao Việt Nam. Đây không là chuyện của riêng nước nào, bởi thế giới vẫn đang trong cuộc chiến cam go với vấn nạn này.
Các VĐV của Nga đang phải thi đấu dưới sự đảm bảo của Ủy ban Olympic quốc gia. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Tốn kém và tàn khốc
Cuộc chiến với doping, nói đơn giản, là chống gian lận trong thể thao dù vô tình hay cố ý. Khi thành tích của một số môn thi đấu chỉ hơn kém nhau tích tắc hay vài centimet, việc sử dụng chất cấm để cải thiện thể chất và nâng cao thành tích là hành vi gian lận không thể tha thứ. Nói cách khác, thể thao càng chuyên nghiệp bao nhiêu, cuộc chiến với doping càng tốn kém và nhọc nhằn bấy nhiêu.
Sáu tháng trước khi Olympic Tokyo 2020 bắt đầu, có đến 25.000 mẫu thử đã được thực hiện khiến kỳ Thế vận hội này có chi phí kiểm tra doping tốn kém nhất lịch sử. Khi Olympic Tokyo 2020 diễn ra, có thêm 5.000 mẫu thử được lấy ngẫu nhiên hoặc có chủ đích. Tất cả mẫu này đều được lưu giữ 10 năm nhằm đối chiếu kết quả trong tương lai. Toàn bộ công việc này ở Olympic Tokyo 2020 do 3 tổ chức đồng thực hiện, là Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA), Cơ quan Kiểm nghiệm quốc tế (ITA) và Hội đồng Trọng tài thể thao quốc tế (ICAS).
Nhưng có tốn kém mấy cũng phải làm. Cứ mỗi kỳ Olympic, cái gọi là “bóng ma doping” lại trỗi dậy. Danh tiếng từ sân chơi vĩ đại này, cùng những áp lực nặng nề khi đại diện quốc gia, là những thứ thúc đẩy VĐV liều lĩnh chọn doping để đạt thành tích dù họ biết rất rõ hậu quả khi bị phát hiện. Đâu chỉ có VĐV vô danh dùng doping, thế giới bao lần đau lòng khi thấy nhiều tượng đài sụp đổ vì doping. Trong xe đạp có huyền thoại Lance Amstrong, Chris Froome; điền kinh có Justin Gatlin, Tyson Gay… Gần như môn thể thao nào yêu cầu những nỗ lực vượt quá giới hạn bản thân cũng đều có những ngôi sao dính doping.
Ở bình diện quốc gia, thể thao lâu nay luôn là chỗ cho nhiều nước phô diễn nhằm chứng tỏ sức mạnh, sự ưu việt của mình. Để làm cho VĐV của mình nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn, xa hơn, hơn hẳn mọi đối thủ, họ tìm mọi cách và bằng mọi giá, kể cả hành vi phi đạo đức là dùng doping một cách có hệ thống, bất chấp hậu quả. Nước Nga hiện nay, Liên Xô trước đây, vốn là một cường quốc về thể thao, luôn có mặt trong tốp dẫn đầu tổng sắp huy chương tại các kỳ Olympic. Thế nhưng những sự cố gần đây liên quan đến chất cấm ở các môn điền kinh, quần vợt đã làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của Nga trên đấu trường thể thao thế giới.
Dù quan chức Nga một mực cho rằng đây là một “âm mưu chính trị thô thiển” của phương Tây nhằm hạ uy tín nước Nga nhưng những chứng cứ đưa ra đầy thuyết phục khiến rất nhiều VĐV Nga mất quyền thi đấu tại Olympic Rio 2016 vì liên quan đến doping, từ môn điền kinh, cử tạ đến xe đạp. Tưởng đã hết, nhưng đến 2017, những phát hiện mới liên quan đến hành vi gian dối có hệ thống sử dụng doping ở Olympic Sochi 2014 khiến thể thao Nga bị trừng phạt nặng nề hơn. Họ bị cấm dự Olympic mùa đông 2018 và chỉ một số VĐV được tham gia Olympic Tokyo 2020 dưới lá cờ Ủy ban Olympic Nga. Lệnh cấm ban đầu được WADA đưa ra là 4 năm từ 2019, nhưng sau đó Tòa án Trọng tài thể thao giảm còn 2 năm.
Doping với thể thao Việt Nam
Như đã nói, sử dụng chất cấm trong thể thao dù ở hình thức nào, cũng là hành vi gian lận. Hậu quả và các thông tin về doping không còn xa lạ với VĐV Việt Nam, chuyện “vô ý sử dụng” không còn là cái cớ để nhận được sự thông cảm.
Doping có liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, văn hóa của VĐV. Để biện hộ cho các trường hợp dính doping của thể thao Việt Nam, một số người cho rằng “VĐV không dại dột dùng doping để có thành tích”. Vấn đề ở chỗ đó. Họ có hiểu biết về doping nhưng sao vẫn để lọt chất cấm trong những mẫu thử của mình? Phải chăng, quá trình sinh hoạt ngoài thời gian luyện tập chưa hề được các VĐV kiểm soát? Mà điều đó, cũng là một hình thái thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của VĐV Việt Nam.
Hãy nhìn đến “bản đồ doping” ở thể thao Việt Nam, hiện trải rộng đến nhiều bộ môn tưởng là “không cần thiết” như thể dục dụng cụ, bắn cung, đua thuyền… chứ không tập trung vào các nội dung thiên về sức mạnh và tốc độ như cử tạ, điền kinh. Có khá nhiều nguyên nhân, từ chỗ thiếu kinh phí để tự kiểm tra doping cho VĐV, đến áp lực vô hình phải có thành tích quốc tế nhằm tìm khoản thu nhập lớn bù đắp thời gian hy sinh cho luyện tập. Nếu chỉ nhìn vào doping ở những góc độ chuyên môn, chưa chắc chúng ta giải quyết mọi vấn đề. Cần đi sâu vào phân tích động cơ và hoàn cảnh mà các VĐV đã liều lĩnh, bất chấp hậu quả. Trên thế giới, có không ít VĐV nổi tiếng chỉ bị phát hiện doping sau thời gian dài sử dụng như một thói quen khó bỏ, từ khi sử dụng chất cấm lúc khởi đầu sự nghiệp. Họ không còn nghĩ đến hậu quả, mà chỉ sợ mất đi vinh quang nhờ doping mới có.
(Theo thethao.sggp.org.vn)