Maroc đã "giới thiệu" lối chơi phòng thủ mới
(ABO) Maroc là đội bóng gây bất ngờ lớn nhất tại World Cup 2022. Dù đã dừng bước ở bán kết nhưng các cầu thủ Maroc đã trình diễn cho người hâm mộ bóng đá một lối chơi phòng thủ rất mới và đầy hiệu quả.
Maroc đã thực sự tạo nên một cơn “địa chấn” ở World Cup 2022 khi lần lượt vượt qua các đối thủ sừng sỏ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để giành vé vào chơi tới vòng bán kết. Maroc không được đánh giá là đội bóng mạnh, nhưng với lối chơi khoa học và hiệu quả đã giúp cho đội bóng Bắc Phi trở thành 1 trong 4 đội mạnh nhất ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Maroc không sở hữu quá nhiều ngôi sao khi chỉ có hai ngôi sao sáng nhất là Ziech và Hakimi. Do đó, Maroc được đánh giá là đội “lót đường” ở bảng F với những cái tên mạnh như Bỉ hay Croatia.
Dù vậy, các cầu thủ Maroc đã chứng minh một “định lý” bất thành văn của bóng đá là khi quả bóng chưa lăn thì khó dự đoán bất cứ điều gì. Maroc khởi đầu vòng bảng bằng trận hòa được đánh giá là bất ngờ trước Croatia. Một điểm mở đầu là tiền đề để Maroc tạo nên “địa chấn” trước Bỉ khi đánh bại đại diện châu Âu với tỷ số 2-0. Một chiến thắng tạo nên cú sốc của Maroc và cũng làm thay đổi cục diện của bảng F khi Hakimi và các đồng đội nắm quyền tự quyết trong cuộc đua giành tấm vé đi tiếp ở bảng F.
Lối chơi phòng thủ khoa học và đẹp mắt của HLV Regragui đã giúp Maroc bay cao tại World Cup 2022. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Ở vòng loại trực tiếp, Maroc lần lượt đả bại những tên tuổi lớn của châu Âu gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để một mạch tiến vào bán kết. “Bí quyết” để Maroc thành công ở World Cup lần này không nằm ở sự may mắn mà là nhờ vào đấu pháp khoa học. Maroc đã chọn lối chơi phòng thủ phản công vốn được bất kỳ đội bóng yếu nào cũng áp dụng ở các giải đấu lớn. Nhưng cách chơi phòng thủ của Maroc lại không giống với cách mà những đội khác đã làm trước đây.
Đội bóng Bắc Phi chủ động nhường thế trận cho đối thủ khi tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của đội bóng này chỉ khoảng 33%. Maroc không kiểm soát bóng nhiều nhưng không đồng nghĩa với họ chơi theo cách “chịu trận”. Một lối chơi chủ động được HLV Regragui áp dụng cho các học trò. Trong đó, Maroc không cần giữ bóng quá lâu mà thiên về bảo vệ khu vực và chia cắt đội hình đối thủ.,
Dù không có nhiều cầu thủ ngôi sao nhưng các cầu thủ Maroc với thể lực và tốc độ tốt tổ chức pressing rất hiệu quả. Như trận đấu với Bồ Đào Nha, các cầu thủ Maroc chỉ kiểm soát bóng có 24% nhưng đã tung ra đến 9 cú sút (ít hơn Bồ Đào Nha 3 cú sút) và giành chiến thắng. Các cầu thủ Bồ Đào Nha đã không thể vượt qua được lớp hàng rào được giăng ở tuyến giữa và trước khu vực 16m50 của Maroc. Do đó, các tình huống sút bóng đều ở khá xa khung thành và ít nguy hiểm cho thủ môn của Maroc.
Mặt khác, các cầu thủ Maroc chơi rất tự tin trong cách phòng thủ của mình. Thay vì phá bóng ra xa khung thành ngay sau khi thu hồi được bóng thì các cầu thủ Maroc bình tĩnh phối hợp với nhau để thoát tình huống pressing của đối thủ. Nếu theo dõi Maroc từ đầu giải đấu chúng ta được chứng kiến nhiều tình huống phối hợp bóng nhỏ trong không gian hẹp như được lập trình của các cầu thủ Maroc.
Việc tổ chức phản công cũng là một trong những điểm nhấn của HLV Regragui và các cầu thủ Maroc ở giải đấu năm nay. Các cầu thủ Maroc chỉ cần trung bình 3 đường chuyền là có thể đưa bóng vào vòng cấm địa của đối thủ và mở ra cơ hội ghi bàn. Tốc độ tấn công “chóng mặt” của Maroc khiến cho các đối thủ không thể an tâm ở mặt trận tấn công và tổ chức vây ép. Từ đó, Maroc giảm tải được sức ép lên hàng thủ và bào mòn thể lực của đối thủ.
Dù vậy, Maroc vẫn đang cần một tiền đạo đủ sắc bén để kết thúc các tình huống phản công một cách hiệu quả nhất. Điển hình như trận đấu với Pháp, Maroc dù đã rất cố gắng để tổ chức tấn công nhưng việc thiếu một địa chỉ tin cậy trong vòng cấm đã khiến đội bóng này bế tắt.
Có thể nói rằng, Maroc đã cho người hâm mộ thấy một lối chơi phòng thủ hoàn toàn mới. Lối chơi phòng thủ kỹ thuật, đẹp mắt và khoa học trái ngược với cách chơi phòng thủ tiêu cực và nhàm chán trước đây.
GIAI NGHI