Bên cạnh đó, công tác chuyên môn về thể dục thể thao trong năm 2022 cũng đã đạt được một số dấu ấn quan trọng đáng ghi nhận như Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được 65 HCV, 62 HCB, 56 HCĐ, xếp thứ 03/11 đoàn và lập 16 kỷ lục ASEAN Para Games 11 tại Indonesia.
Cùng với đó, việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 tại Quảng Ninh và 10 tỉnh/thành khu vực phía Bắc đã cho thấy kết quả về sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao và đặc biệt là các môn thể thao Olympic, ASIAD, điều này thể hiện ở 53 kỷ lục Quốc gia, 96 kỷ lục Đại hội được xác lập. Trong số này, môn điền kinh ghi nhận tín hiệu tích cực với 5 kỷ lục quốc gia và 15 kỷ lục Đại hội được phá, nhiều vận động viên trẻ tiềm năng xuất hiện.
Qua một năm, thể thao Việt Nam còn có nhiều cá nhân để lại dấu ấn: Lý Hoàng Nam môn quần vợt vươn lên hạng 239 bảng xếp hạng ATP; Lê Quang Liêm trở thành đại kiện tướng cờ vua quốc tế đầu tiên của Việt Nam lọt vào 20 kỳ thủ đứng đầu thế giới...
Năm 2022, có thể xem thể thao trẻ của Việt Nam không thiếu người có chuyên môn tốt. Cầu lông đã có Vũ Thị Anh Thư, Nguyễn Hải Đăng; cử tạ là Quàng Thị Tâm; golf là Nguyễn Anh Minh; karate là Hoàng Thị Mỹ Tâm; bắn súng là Phí Thị Thanh Thảo; thể dục dụng cụ (TDDC) là Văn Vĩ Lương; cờ vua là Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Thiên Ngân; cờ tướng là Đinh Trần Thanh Lam...
Đặc biệt, ở 2 môn trọng điểm là bơi lội và điền kinh, những gương mặt trẻ đang thi đấu nổi bật khiến người làm chuyên môn có thêm tự tin ở công tác đào tạo. Ở môn bơi có Nguyễn Thúy Hiền (13 tuổi, Quân đội) nổi lên là một trong những nhân tố có chuyên môn tốt trên đường đua xanh khi có 2 HCV (50m ếch nữ, 50m tự do) tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9. Ngoài Thúy Hiền, lứa gương mặt trẻ của bơi nữ Việt Nam còn có Nguyễn Ngọc Anh Thư (Quảng Bình, 15 tuổi; HCB 100m ếch) hay Lê Thu Thủy (Đồng Nai, 15 tuổi; HCB 1.500m tự do, 800m tự do) và Lê Quỳnh Như (Đồng Nai, 14 tuổi; giành HCV 50m ngửa).
Trong khi đó, Lê Thị Tuyết (Phú Yên, 18 tuổi, HCV marathon nữ), Trần Thị Nhi Yến (Long An, 17 tuổi, HCB 100m nữ) Hoàng Thị Anh Thục (400m, Bình Thuận, 17 tuổi), Hoàng Dư Ý (100m, Quân đội, 18 tuổi)... là những VĐV được chú ý tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 và được xem là những viên ngọc thô của điền kinh Việt Nam.
Những thành công của thể thao Việt Nam năm 2022 ít nhiều sẽ tạo ra cú hích cho thể thao thành tích cao của Việt Nam khi bước vào năm 2023 với 4 đấu trường lớn: SEA Games 32, ASIAD 19, vòng loại Olympic các môn thể thao, Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á.
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 tại Quảng Ninh và 10 tỉnh/thành khu vực phía Bắc đã cho thấy kết quả về sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao. |
Năm 2023, thể thao Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ buộc ngành phải có sự chuẩn bị bài bản đối với các kế hoạch, chiến lược dài hơi; đề ra mục tiêu cụ thể cho từng vận động viên trọng điểm; chú trọng kiểm soát kỹ lưỡng về doping… Để thành công, các bộ môn đang lên kế hoạch tập trung đội tuyển, đội trẻ nhằm phục vụ tốt hơn công tác huấn luyện và thi đấu. Ở các sự kiện thể thao lớn trong nước, ngành thể thao đưa vào trọng tâm thi đấu nhiều môn thuộc nhóm Olympic, ASIAD, mong muốn tìm thêm gương mặt mới đủ sức gánh vác nhiệm vụ tranh huy chương. Đó còn là những bài kiểm tra thực tế về chất lượng chuyên môn để có hướng đầu tư, qua đánh giá, hầu hết tuyển thủ đều giữ vững phong độ, nhiều vận động viên trẻ đạt thành tích đáng ngưỡng mộ.
Năm 2023 cũng hứa hẹn là một năm bùng nổ và nhiều thành tích nổi bật của thể thao Việt Nam khi mục tiêu tiếp tục tập trung vào các môn trọng điểm, Olympic và phấn đấu nằm trong tốp 3 ở SEA Games 32 và giành từ 1 đến 2 huy chương ở ASIAD 19. Hướng tới những mục tiêu trên, bên cạnh Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng hay Phạm Thanh Bảo (bơi),... thể thao Việt Nam còn kỳ vọng rất nhiều vào những vận động viên tiềm năng như Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Duy Tuyến (pencak silat), Lại Gia Thành (cử tạ), Phạm Thị Hồng Thanh (cử tạ), Đinh Phương Thành (TDDC), Nguyễn Thuỳ Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Tâm (boxing), Dương Thuý Vi (wushu),....
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thành tích của các vận động viên ở đấu trường SEA Games vẫn còn khoảng cách xa với sân chơi ASIAD và Olympic nên để tấn công được vào 2 đấu trường này, giành được huy chương là điều không hề dễ, nếu không có kế hoạch, lộ trình bài bản. Để làm được điều này, chúng ta phải tập trung cao độ, ngoài nguồn lực của nhà nước thì chúng ta cần có nguồn lực xã hội, từ đó phát triển các lứa vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trẻ có triển vọng, có thể tiến đến ASIAD và Olympic. Chính bởi vậy thể thao Việt Nam cần thay đổi cách đầu tư, tập trung một số môn có khả năng giành huy chương, lựa chọn được vận động viên xuất sắc nếu muốn hướng tới thành tích ASIAD và Olympic.
Thành công của ngành thể thao năm 2022 có được là nhờ sự đoàn kết, khoa học, công sức, mồ hôi và nỗ lực... Đây cũng là bài học để tiếp tục thực hiện, đạt được thành công cho thể thao năm 2023.
(Theo dangcongsan.vn)