Chủ Nhật, 22/01/2023, 08:47 (GMT+7)
.

Thử thách sau kỷ nguyên của huấn luyện viên Park Hang-seo

Đội tuyển Việt Nam đã đi hết chu kỳ thành công kéo dài 5 năm của huấn luyện viên Park Hang-seo. Giờ là lúc bóng đá Việt Nam, ở cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển cần nhìn nhận lại, đánh giá những điểm mạnh-yếu để kiến tạo nên giai đoạn thành công mới, vốn thách thức và khó khăn hơn nhiều.

Định vị chỗ đứng

mmm
Khoảnh khắc huấn luyện viên Park Hang-seo cùng đội tuyển Việt Nam lần thứ hai giành ngôi vô địch AFF Cup vào năm 2018. (Ảnh: VFF)

Thất bại ở chung kết AFF Cup 2022 khiến cuộc chia ly của huấn luyện viên Park Hang-seo với đội tuyển Việt Nam nhuốm một màu bạc trầm buồn.

Danh hiệu gần nhất của nhà cầm quân người Hàn Quốc với đội tuyển Việt Nam là chức vô địch AFF Cup 2018, tức hơn 4 năm trước. 2 kỳ AFF Cup gần nhất, thầy trò ông Park lần lượt bị loại ở tứ kết (AFF Cup 2020) và về nhì (AFF Cup 2022). Ở cả 2 giải này, đội tuyển Việt Nam đều bại trận trước Thái Lan.

Nhìn trên khía cạnh tích cực, thất bại trước Thái Lan không thể che mờ bước chuyển mình mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã góp sức tạo nên cho bóng đá Việt Nam. Sau chiến thắng trước U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á 2020, huấn luyện viên Park Hang-seo từng tuyên bố: “Kể từ nay, bóng đá Việt Nam không còn sợ Thái Lan nữa”. Trong buổi tối cảm xúc ở sân Mỹ Đình, Nguyễn Quang Hải ăn mừng chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan với nụ hôn lên lá cờ Tổ quốc trên ngực áo, nhẹ nhàng và bình thản.

Nó trái ngược với màn ăn mừng đầy bùng nổ, phấn khích của đội tuyển Việt Nam trong chiến thắng 3-0 trước Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 1998. Với đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam của huấn luyện viên Park Hang-seo, tâm thế trước người Thái không còn là sự sợ hãi, hay tâm lý căng cứng dẫn đến những sai lầm khó hiểu.

Các đội tuyển Việt Nam có thể vẫn thua Thái Lan, bại trận trước Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng đó không còn là cái thua của sự run rẩy mà thua bởi cách biệt về trình độ kỹ chiến thuật, vốn là những yếu tố rất căn bản của bóng đá. Hay nói cách khác là dẫu thất bại, cũng phải thua theo cách ngẩng cao đầu, chẳng bao giờ mất đi tinh thần Việt Nam.

Đó là giá trị ý nghĩa nhất trong khối di sản vô hình lẫn hữu hình mà huấn luyện viên Park Hang-seo để lại. Một tinh thần, một tâm thế mới mà các đối thủ mạnh hơn thậm chí có thể cảm nhận được mỗi khi đối đầu với đội bóng do ông Park dẫn dắt.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo luôn giữ được tâm lý ổn định khi gặp các đội bóng mạnh hơn. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo luôn giữ được tâm lý ổn định khi gặp các đội bóng mạnh hơn. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tuy nhiên, một thất bại chẳng làm “bức tượng” Park Hang-seo trong lòng người hâm mộ mảy may thêm một vết xước, nhưng trận thua 0-1 trước Thái Lan ở chung kết lượt về trên sân Thammasat là lời cảnh báo đầy trọng lượng dành cho bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam, với đầy đủ lực lượng mạnh nhất, đã thua tâm phục khẩu phục trước đối thủ Thái Lan thiếu phân nửa trụ cột ở giải đấu này. Đội tuyển Thái Lan không có Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat, Thanawat Seungchitthawon, Suphanat Muenta,... vẫn chơi thứ bóng đá ở thế cửa trên, áp đặt lối chơi và dồn ép toàn diện.

Khác với thất bại 1 năm trước vốn ấm ức bởi những quyết định tranh cãi của trọng tài, đội tuyển Việt Nam đã bị Thái Lan áp đảo từ từ nhưng đầy cay đắng. Cách biệt chỉ là 1 bàn, nhưng cứ ngỡ không thể gỡ nổi trước chênh lệch thực lực giữa 2 đội tuyển.

Đó là vấn đề mà người kế nhiệm của huấn luyện viên Park Hang-seo phải giải quyết. Đội tuyển Việt Nam vẫn đang có lứa cầu thủ ở độ chín sự nghiệp, lớn tuổi nhất có Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng đều ở ngưỡng 30, các ngôi sao lớn lên từ “ngọn lửa” Thường Châu đều có thể chơi đỉnh cao khoảng 2 đến 3 năm nữa.

Dù vậy, một số cầu thủ dường như đã đạt ngưỡng phát triển, khó bứt phá. Đáng buồn hơn, có những cầu thủ vật lộn với chấn thương (Trần Đình Trọng), sa sút phong độ và không hẹn ngày trở lại. Tuy nhiên, để sản sinh ra một lứa cầu thủ tài đức vẹn toàn như trước kia không phải đơn giản.

Đội tuyển Việt Nam đã đi hết chặng thành công và có thể xuống dốc trong vài năm tới như quy luật vốn dĩ. Bởi nên nhớ, Thái Lan vẫn ngự trị trên đỉnh Đông Nam Á như một ngọn núi khó xô đổ, chưa kể Indonesia, Malaysia cũng quyết tâm đầu tư cho bóng đá trẻ. Đội tuyển Việt Nam tiến bộ, đối thủ cũng không đứng yên.

Như một dòng chảy dữ dội, mọi sự ngừng lại đều đồng nghĩa bị thời cuộc cuốn phăng. Bóng đá Việt Nam không phải ngoại lệ, dẫu đã có những đỉnh cao đáng nể thế nào.

Nền tảng nào cho bóng đá Việt Nam?

Các tuyển thủ luôn lắng nghe lời thầy chỉ bảo. (Ảnh: TTXVN)
Các tuyển thủ luôn lắng nghe lời thầy chỉ bảo. (Ảnh: TTXVN)

Huấn luyện viên Park Hang-seo không dưới một lần khẳng định thành công của ông xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có nền tảng tốt của bóng đá Việt Nam. Không phải ông Park khiêm tốn, mà đấy là góc nhìn đúng đắn khi phân tích một đội tuyển quốc gia. Huấn luyện viên trưởng chỉ là người tận dụng những tài nguyên tốt nhất, nhào nặn các cầu thủ giỏi nhất để tạo thành một tập thể mạnh. Thành công của đội tuyển Việt Nam trong 5 năm qua là phép kết hợp của một chiến lược gia giỏi, cùng một lứa cầu thủ hay nở rộ kịp thời.

Huấn luyện viên Park Hang-seo không thể tự lực tạo ra cầu thủ giỏi. Đó là việc của các câu lạc bộ, hay nhìn rộng hơn là hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Để huấn luyện viên kế nhiệm của đội tuyển thành công, bóng đá Việt Nam phải sản sinh ra những cầu thủ đủ năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Park để lại món quà vô giá cho bóng đá Việt Nam, đó là tâm thế cùng niềm tin vững như bàn thạch rằng nếu tìm được đúng con đường, đội tuyển Việt Nam có thể làm nên chuyện. Tuy nhiên, từng ấy là chưa đủ. Bởi tâm thế có thể lung lay bất cứ lúc nào nếu bóng đá Việt Nam không phát triển ở mức độ tương xứng với kỳ vọng của người hâm mộ.

Trở lại với câu hỏi tại sao đội tuyển Thái Lan thành công dù vắng nửa đội hình? Hãy nhớ rằng trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, có tới 34 đội bóng chuyên nghiệp đang chơi ở Thai League 1 và Thai League 2, bên cạnh 76 đội bóng bán chuyên ở giải Thai League 3 và hàng chục đội bóng nghiệp dư đại diện cho các vùng miền khác.

Với một nền tảng bóng đá chuyên nghiệp vững chãi, cạnh tranh và đào thải liên tục, bóng đá Thái Lan tạo nên một tấm lưới phủ rộng cả nước để không bỏ sót bất cứ tài năng nào, đồng thời bảo đảm các cầu thủ từ trẻ đến trưởng thành được thi đấu liên tục trong cả năm.

Giải vô địch quốc gia V-League còn thiếu chuyên nghiệp và sức hút. (Ảnh: TTXVN)
Giải vô địch quốc gia V-League còn thiếu chuyên nghiệp và sức hút. (Ảnh: TTXVN)

Cốt lõi thành công của Thái Lan là cách làm bóng đá bài bản, khoa học cùng nguyên tắc “lấy bóng đá nuôi bóng đá”, vẫn là mơ ước với bóng đá Việt Nam dù đã khoác tấm áo chuyên nghiệp hơn 2 thập kỷ.

Sự bài bản của Thái Lan, hay xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc là hình mẫu bóng đá Việt Nam cần hướng đến nếu muốn phát triển lâu dài. Huấn luyện viên Park Hang-seo đã “vắt cạn” tiềm lực của bóng đá Việt Nam để mang về từng ấy vinh quang. Trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện tại, để đội tuyển quốc gia tiếp tục thành công, bóng đá Việt Nam cần nguồn lực giàu có và đa dạng hơn nữa.

Đó là giải vô địch quốc gia thực chiến và cạnh tranh (thay vì số đội ít ỏi và biến động như hiện tại), hệ thống đào tạo trẻ hiện đại và phủ khắp, bên cạnh các câu lạc bộ có thể lấy bóng đá thực sự nuôi được bóng đá, thay vì thụ động chờ đợi ở “bầu sữa” doanh nghiệp.

Muốn bóng đá phát triển, tự thân nền bóng đá ấy phải sản xuất được những sản phẩm đủ chất lượng, bắt đầu từ các câu lạc bộ, rồi đến đội tuyển trẻ để thu hút khán giả. Nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam có rất ít sản phẩm thu hút như thế. Người hâm mộ có thể hào hứng ban đầu, nhưng một món ăn cứ dùng mãi cũng đến lúc chán.

Bóng đá Việt Nam được nâng tầm nhờ “ngọn cờ đầu” mang tên đội tuyển Việt Nam, nhưng huấn luyện viên Park Hang-seo và học trò đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Phần việc còn lại là của nền bóng đá, hãy tự lực cánh sinh, có chiến lược xây dựng nền tảng đủ chắc chắn trước khi nghĩ tới tham vọng cạnh tranh cao hơn.

(Theo nhandan.vn)

 


 

 

 

 

.
.
.