.

Kỳ vọng tạo nên nét mới cho những "Chiến binh rồng vàng" thời chuyển giao

Cập nhật: 16:59, 03/02/2023 (GMT+7)

Các cấp độ Đội tuyển Bóng đá Việt Nam (gọi tắt là ĐT Việt Nam) đang ở thời điểm “giao thời” khi Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo chia tay sau 5 năm gắn bó. Cách đây hơn 10 năm, ĐT Việt Nam cũng đã từng gặp khủng hoảng mới có thể tìm thấy danh hiệu. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì “cơn khủng hoảng” ấy hoàn toàn có thể lặp lại ở thời điểm hiện tại.

“CƠN KHỦNG HOẢNG” TRONG QUÁ KHỨ

Sau chức vô địch AFF Cup 2008, HLV Calisto chia tay bóng đá Việt Nam vào năm 2010 để lại cho ĐT Việt Nam lối chơi và đội hình được xây dựng chắc chắn với những cầu thủ như: Công Vinh, Việt Thắng, Minh Phương, Tài Em…

Nhưng các cấp ĐT Việt Nam đã rơi vào “cơn khủng hoảng” về thành tích khi phải đến năm 2018 mới có thể một lần nữa vào chơi tại trận chung kết AFF Cup. Chu trình 10 năm đã được nhắc đến từ năm 2008, khi ĐT Việt Nam mới có lần thứ 2 giành quyền vào chơi trận chung kết ở một kỳ AFF Cup sau khi thế hệ vàng những cầu thủ Huỳnh Đức, Hồng Sơn… có lần đầu tiên vào chung kết ở năm 1998.

HLV Trousier (bìa phải) được kỳ vọng sẽ đổi mới lối chơi và giúp ĐT Việt Nam tránh nguy cơ khủng hoảng.                                                                                                     Ảnh: Vietnamnet.vn
HLV Trousier (bìa phải) được kỳ vọng sẽ đổi mới lối chơi và giúp ĐT Việt Nam tránh nguy cơ khủng hoảng. Ảnh: Vietnamnet.vn

Sau đó, ĐT Việt Nam đã phải mất đến 10 năm mới có cơ hội giành được quyền vào chơi trận chung kết vào năm 2018 và giành chức vô địch thứ 2. Nhưng khoảng thời gian giữa năm 2008 đến 2018 là giai đoạn có thể nói là khủng hoảng của các cấp ĐT Việt Nam. Cụ thể, ĐT Việt Nam có tới 4 mùa giải AFF Cup liên tiếp không thể giành quyền vào chơi trận chung kết.

Tương tự,  U23 Việt Nam cũng gần như “vô vọng” trong việc chinh phục tấm Huy chương Vàng khi sớm dừng chân ở bán kết. Đặc biệt, U23 Việt Nam còn bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games năm 2017 ở lượt trận cuối cùng khi có lợi thế giành quyền đi tiếp.

Giai đoạn “hậu Calisto” bóng đá Việt Nam đã có phần loay hoay trong việc tìm một HLV phù hợp với lối đá của các cầu thủ Việt Nam. Nhiều HLV từ nội đến ngoại như: Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Miura, Nguyễn Hữu Thắng… đều không mang lại danh hiệu cho các cấp ĐT Việt Nam.

Việc thay 5 HLV trong vòng 10 năm nhưng không có danh hiệu khiến cho niềm tin nơi người hâm mộ đối với ĐT Việt Nam giảm sút. Nhất là sau việc U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2017. Phải đến khi HLV Park Hang-seo tiếp quản “ghế nóng” một năm sau đó, ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam mới bắt đầu gặt hái những thành công và người hâm mộ bắt đầu quay lại với bóng đá nước nhà.

NGUY CƠ CỦA HIỆN TẠI

Sau AFF Cup 2022, HLV Park Hang-seo đã chính thức chia tay ĐT Việt Nam và khép lại kỷ nguyên thành công rực rỡ của mình. Dù vậy, những dấu hiệu về nguy cơ khủng hoảng trong giai đoạn chuyển giao sau thời của HLV Park Hang-seo cũng bất đầu hiện hữu. Dù thành công ở đấu trường SEA Games, nhưng ở AFF Cup ĐT Việt Nam phải mất đến 4 năm kể từ năm 2018 mới có thể vào chơi trận chung kết AFF Cup 2022.

ĐT Việt Nam gần như bị ĐT Thái Lan vượt mặt hoàn toàn kể cả về chiến thuật lẫn chất lượng cầu thủ. “Kình địch” của ĐT Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đã có 2 chức vô địch liên tiếp trong bối cảnh các cầu thủ Việt Nam chỉ mới có 4 lần giành quyền chơi ở trận chung kết của giải đấu này.

Một điểm khác báo hiệu nguy cơ khủng hoảng của ĐT Việt Nam là sự thiếu hụt về lực lượng cầu thủ. Sau 5 năm ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã có giải đấu cuối cùng của mình với những “quân bài” không còn mạnh như lúc ông mới nhận “ghế nóng”. Nếu tính từ năm 2018, HLV Park Hang-seo chỉ có thêm một số gương mặt cầu thủ mới như: Hoàng Đức, Thanh Bình hay Tuấn Hải… đóng góp nhiều vào lối chơi của toàn đội.

Việc phải triệu tập trở lại những “cựu binh” như Anh Đức (AFF Cup 2018) hay Văn Quyết (AFF Cup 2022) cho thấy HLV Park Hang-seo bị thiếu hụt lực lượng như thế nào. Trong bối cảnh ĐT Việt Nam không có thêm những bổ sung và những trụ cột không còn giữ được phong độ cao nhất thì việc bị đối thủ vượt qua là điều dễ hiểu.

Sau sự chia tay của HLV Park Hang-seo, HLV Troussier sẽ là người tiếp quản “ghế nóng” của ĐT Việt Nam. HLV người Pháp được kỳ vọng sẽ tạo nên những nét mới cho những “chiến binh rồng vàng”. HLV Troussier đã có kinh nghiệm tại Việt Nam khi ông là HLV trưởng của Đội tuyển U19 Việt Nam từ năm 2019. Do đó, HLV này hiểu rõ chất lượng của lớp cầu thủ kế thừa của ĐT Việt Nam.

Nhưng trong sự nghiệp của mình, HLV người Pháp có phong cách huấn luyện của một “nhà kiến thiết” hơn là một HLV ngay lập tức chinh phục các danh hiệu. Do đó, việc kỳ vọng những danh hiệu đến sớm nhất là ở SEA Games tới đây sẽ là một thử thách lớn dành cho HLV Troussier. Trước khi đến Việt Nam, HLV Troussier đã nổi tiếng ở Nhật Bản giai đoạn 1998 - 2002 với chức Vô địch châu Á và định hình hệ thống giúp cho bóng đá Nhật Bản tiếp tục phát triển giai đoạn sau đó.

Dù vậy, bóng đá Việt Nam cũng cần phải có những thay đổi và cải tiến nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của HLV mới. Việc thiếu tiền đạo nội hay các nhân tố mới có một phần trách nhiệm từ các câu lạc bộ ở V-League khi quá phụ thuộc vào tiền đạo ngoại. Bên cạnh đó, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam gần như phải mất 10 năm mới có thể hội tụ đủ một đội hình đủ sức cạnh tranh ở khu vực. Do đó, giấc mơ World Cup sẽ vẫn còn rất xa nếu ĐT Việt Nam không thể tránh được nguy cơ khủng hoảng giai đoạn chuyển giao như những năm trước đây.

CAO THẮNG

.
.
.