.

Đường đến World Cup của Đội tuyển Việt Nam vẫn còn xa

Cập nhật: 10:34, 17/03/2023 (GMT+7)

FIFA đã chính thức thông qua thể thức mới sẽ được áp dụng tại World Cup 2026 với 48 đội tham dự. Trong đó, châu Á sẽ có 8 suất tham dự chính thức dành cho các đội tuyển nhưng liệu cơ hội tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của Việt Nam có lớn hơn.

FIFA vừa qua thông báo World Cup 2026 diễn ra tại Mỹ, Canada và Mexico với 48 đội tham dự. Trong đó, châu Á sẽ có 8,5 suất tham dự với 8 vé trực tiếp và 1 vé thi đấu play-off. Do đó, tỷ lệ để Đội tuyển Việt Nam có cơ hội giành quyền tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tăng lên đáng kể.

Dù vậy, thử thách đối với Đội tuyển Việt Nam và bóng đá Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu muốn có khả năng cao nhất thì bóng đá Việt Nam phải thường xuyên đứng trong tốp 8 các nền bóng đá châu Á. Đây là một yêu cầu có phần khá gắt gao đối với bóng đá Việt Nam hiện tại.

Hiện tại, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng bóng đá châu Á kém đội đứng thứ 8 là Oman 100 điểm. Còn ở bảng xếp hạng FIFA, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 96 kém đội ở vị trí 48 là Bờ Biển Ngà 200 điểm. Dù điểm số trên bảng xếp hạng không quyết định phong độ của các đội tuyển ở từng giải đấu nhất định nhưng cho thấy sự ổn định và khoảng cách trình độ của các đội.

Khoảng cách của bóng đá Việt Nam và World Cup vẫn còn rất xa.                                                                Ảnh: Vietnamnet.vn
Khoảng cách của bóng đá Việt Nam và World Cup vẫn còn rất xa. Ảnh: Vietnamnet.vn

Bóng đá Việt Nam hiện tại nếu chỉ tính ở đấu trường châu Á ở các cấp độ trẻ và đội tuyển thì vẫn thường xuyên bị loại ngay từ vòng bảng. Ở U23 châu Á, U23 Việt Nam chỉ có các lần vượt qua vòng bảng vào năm 2018 (vào đến chung kết), năm 2020 (dừng chân ở tứ kết). Còn ở Asian Cup, Việt Nam cũng chỉ mới có 2 lần vượt qua vòng bảng ở năm 2008 và 2018. Còn ở đấu trường ASIAD, Olympic Việt Nam cũng chỉ mới có một lần vào đến bán kết ASIAD 2018. Ở Vòng loại Worrld Cup khu vực châu Á, Đội tuyển Việt Nam chỉ mới có 1 lần vào đến vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 và chỉ giành được 4 điểm.

Còn ở đấu trường Đông Nam Á, Đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với các đội bóng có chất lượng ngang bằng cũng chỉ mới có 4 lần giành quyền vào trận chung kết trong lịch sử 14 lần giải đấu này được tổ chức. Trong đó, Đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mới có 2 lần vô địch vào các năm 2008 và 2018.

Những thành tích trên cho thấy, việc World Cup 2026 mở rộng số lượng đội tham dự buộc bóng đá Việt Nam sẽ phải nỗ lực thêm rất nhiều. Điểm khó khăn nhất mà bóng đá Việt Nam cần cải thiện là cần phải có lực lượng cầu thủ thi đấu ở các giải đấu quốc tế có chất lượng cao. Việc sở hữu nhiều cầu thủ giỏi có kinh nghiệm nước ngoài sẽ giúp cho trình độ chung của đội tuyển được nâng lên.

Các cầu thủ có kinh nghiệm cọ xát ở các môi trường đỉnh cao sẽ rèn được khả năng thi đấu và bản lĩnh của mình ở các đấu trường lớn. Sân chơi World Cup yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu với tối đa khả năng của mình ở tất cả các trận đấu. Do đó, việc chỉ thi đấu trong nước sẽ là “thiệt thòi” lớn khi phải đối đầu với các đội hàng đầu châu Á với lực lượng cầu thủ thi đấu nước ngoài đông đảo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran… Thái Lan là một ví dụ điển hình cho việc hướng tới nâng chất cầu thủ với dàn cầu thủ xuất sắc đang thi đấu ở châu Âu, Nhật Bản… khi “thống trị” đấu trường AFF Cup từ năm 2020 đến nay. Trong khi đó, các cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại chủ yếu chỉ đóng “kép phụ” và thi đấu không thành công, có trường hợp còn mai một phong độ như Quang Hải là một điển hình.

Khi tiếp quản U23 Việt Nam, HLV Troussier đã yêu cầu các cầu thủ phải nghĩ đến World Cup. Đây không chỉ là lời “khích tướng” đơn thuần mà là yêu cầu các cầu thủ phải rèn luyện nhiều hơn để có thể đạt trình độ World Cup trong bối cảnh đường đến World Cup của bóng đá Việt Nam vẫn còn khá xa.

CAO THẮNG

.
.
.