Thứ Sáu, 31/03/2023, 17:30 (GMT+7)
.

Nấc thang mới của cầu lông Việt Nam

Cầu lông Việt Nam đang có những tín hiệu mới rất khả quan với sự trưởng thành vượt bậc của các tay vợt nam và nữ. Những cái tên như Nguyễn Thùy Linh, Vũ Thị Anh Thư, Trần Thị Phương Thùy, Nguyễn Hải Ðăng, Lê Ðức Phát, Nguyễn Tiến Tuấn ... đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ thời gian qua, trên cả đấu trường trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thùy Linh vô địch đơn nữ giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2023. (Ảnh MỸ HÀ)
Nguyễn Thùy Linh vô địch đơn nữ giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2023. (Ảnh MỸ HÀ)

Đầu tiên là phong độ thi đấu xuất sắc và ổn định của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn Cầu lông thế giới, Thùy Linh đã vươn lên vị trí thứ 35, thành tích cao nhất cho đến thời điểm này của cô gái gốc Phú Thọ.

Trong lịch sử cầu lông nữ Việt Nam thì tay vợt Vũ Thị Trang đã từng đứng vị trí 34 thế giới năm 2017. Với phong độ hiện tại nếu được thi đấu thường xuyên trong các giải đấu thuộc hệ thống của Liên đoàn Cầu lông thế giới thì việc vượt qua thành tích đàn chị trên bảng xếp hạng không còn quá xa với Thùy Linh.

Trong hai năm 2018 và 2019 dù chỉ thi đấu có bốn giải ở cấp độ Challenge, nhưng Nguyễn Thùy Linh đã hai lần liên tiếp vô địch giải cầu lông quốc tế Bangladesh 2018, 2019, hai lần đoạt ngôi á quân tại giải tổ chức ở Áo và Hungary, năm 2020 là á quân giải Áo.

Từ tháng 9 năm 2022 đến nay, Thùy Linh tham dự liên tiếp năm giải đấu, đầu tiên là danh hiệu vô địch thứ ba trong sự nghiệp của Nguyễn Thùy Linh ở cấp độ Challenge khi đánh bại tay vợt người Nhật Bản Hirari Mizui ở chung kết với tỷ số chung cuộc 2-0, sau đó là ngôi á quân giải Bendigo International 2022 tại Australia.

Cuối năm 2022, tại trận chung kết của giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2022, Nguyễn Thùy Linh đối đầu với tay vợt Goh Jin Wei của Malaysia. Trước một đối thủ được đánh giá cao, xếp trên mình tới sáu bậc trên bảng xếp hạng thế giới, nhưng Nguyễn Thùy Linh đã chơi một trận đấu thực sự hay và trở thành nữ vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành vô địch tại giải đấu này sau 17 lần được tổ chức.

Tại SEA Games 32, Thùy Linh sẽ là nhân tố săn vàng cho cầu lông Việt Nam. Em ấy đã đạt đến trình độ châu lục. Tuy nhiên nhược điểm của Thùy Linh là áp lực tâm lý. Ban huấn luyện sẽ phải khắc phục trong thời gian tới để Linh thi đấu tốt hơn nữa.

Ông Chu Việt Bắc, huấn luyện viên trưởng đội tuyển cầu lông

Ðầu tháng 3 vừa qua, Thùy Linh tiếp tục tham dự giải cầu lông Thailand International Challenge 2023 tại Thái Lan. Ðược chọn là hạt giống số 1 của giải đấu ở nội dung đơn nữ, Nguyễn Thùy Linh đã rất nỗ lực và vượt qua nhiều tay vợt có tiếng để có mặt trong trận chung kết. Tuy nhiên tay vợt số 1 Việt Nam đã bất ngờ để thua tay vợt Nhật Bản Asuka Takahashi.

Trở về Việt Nam, sau đó hai tuần, Thùy Linh tham dự Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2023, giải đấu thuộc hệ thống Challenge diễn ra tại Nhà thi đấu Tây Hồ (Hà Nội), nơi cô được xếp là hạt giống số 2.

Thùy Linh đã đi thẳng một mạch đến trận chung kết và gặp lại chính Asuka Takahashi, người đã đánh bại Thùy Linh trong trận chung kết ở Thái Lan trước đó. Chiến thuật điều cầu về cuối sân rồi bỏ nhỏ sát lưới của tay vợt nữ hàng đầu Việt Nam đã phát huy hiệu quả, đặc biệt khi Takahashi mắc nhiều sai lầm phòng ngự. Thùy Linh dễ dàng thắng chung cuộc 21-7 ở séc 1, để thua với tỷ số 15-21 ở séc 2, nhưng sau đó xuất sắc thắng 21-12 ở séc 3 và lên ngôi vô địch đầy thuyết phục. 4.000 điểm tích lũy ở giải này giúp Thùy Linh vươn lên vị trí thứ 35 trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới.

Cầu lông nam Việt Nam đã không có niềm vui trọn vẹn ở ngày thi đấu cuối cùng của Ciputra Hà Nội 2023. Ở nội dung đơn nam, "ngựa ô" của giải đấu Lê Ðức Phát, tay vợt sinh năm 1998 không thể nối dài bất ngờ khi thua hạt giống số 14, xếp hạng 90 thế giới Takuma Obayashi của Nhật Bản trong trận chung kết. Dù vậy, đây vẫn là giải đấu thành công của Lê Ðức Phát. Từ vị trí 242 thế giới, với ngôi á quân cùng với 3.200 điểm thưởng Ðức Phát đã tăng 73 bậc lên hạng 169 thế giới.

Ngoài Thùy Linh và Ðức Phát, chúng ta cũng phải nhắc đến cái tên Nguyễn Hải Ðăng, tay vợt vừa vươn lên vị trí số 1 cầu lông đơn nam Việt Nam thay cho tay vợt huyền thoại Nguyễn Tiến Minh trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới hôm 14-3 vừa qua. Hải Ðăng đã phá vỡ sự thống trị suốt 21 năm qua của người thầy, đàn anh Tiến Minh trong làng cầu lông Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng mới nhất, Hải Ðăng tăng năm bậc lên vị trí 152 thế giới còn Tiến Minh là 155 thế giới trên bảng xếp hạng tuần của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Tay vợt Hải Ðăng thăng tiến nhờ thành tích vào vòng 2 Thailand International Challenge trong khi Tiến Minh bị loại từ vòng 1. Ðây là bước ngoặt của cầu lông Việt Nam, khi lần đầu tiên Tiến Minh mất vị trí số 1 ở Việt Nam. Nguyễn Hải Ðăng được coi là tay vợt sáng giá, có nhiều tố chất để kế thừa siêu sao Nguyễn Tiến Minh.

Trong năm 2022, tay vợt nữ Vũ Thị Anh Thư thi đấu tại Croatia và Pháp, giành ngôi vô địch đơn nữ ở cả hai giải đấu này, sau đó cô cùng đồng đội Hải Ðăng thi đấu giải quốc tế ở Latvia rồi cả hai giành được hạng ba đơn nữ, hạng ba đơn nam, ngoài ra Hải Ðăng cũng giành ngôi á quân tại giải Croatia mở rộng.

Có thể nói việc được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu liên tục sẽ giúp cho yếu tố chuyên môn được cải thiện rõ rệt và quan trọng hơn là giúp vận động viên không thấy e dè trước các đối thủ.

Ðể thực hiện được điều này, cá nhân vận động viên không chỉ trông chờ vào những giải đấu theo cấp độ đội tuyển mà còn cần sự đầu tư của địa phương và nguồn xã hội hóa đồng hành. Thí dụ việc Thùy Linh dự giải đấu tại Bỉ, Thái Lan từ nguồn kinh phí từ đơn vị chủ quản Ðồng Nai. Anh Thư và Hải Ðăng đi châu Âu, Thái Lan là nguồn của Thành phố Hồ Chí Minh, Ðức Phát đi Ðan Mạch tập huấn từ đơn vị chủ quản Quân đội… Các vận động viên thi đấu đạt thành tích tốt là điều kiện để các nhãn hàng sẽ tìm đến tài trợ.

Hiện nay, tay vợt nữ Thùy Linh đang được nhiều nhà tài trợ đồng hành. Ngoài đơn vị chủ quản Ðồng Nai, cô còn được nguồn xã hội hóa từ câu lạc bộ Kim Sơn Chinh và hãng Yonex.

Ông Lê Thanh Hà, Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chia sẻ, với riêng môn cầu lông, nhiều câu lạc bộ cầu lông đang nở rộ tại các địa phương càng khuyến khích phong trào tập và thi đấu hiệu quả hơn. Do đó, Liên đoàn và bộ môn có một chiến lược phát triển để từ đó không để các vận động viên trẻ xuất hiện sớm rồi không thành danh khi trưởng thành hoặc những vận động viên đã trưởng thành có động lực thi đấu đạt thành tích tốt nhất.

Về mục tiêu trước mắt là SEA Games 32, ông Chu Việt Bắc, huấn luyện viên trưởng đội tuyển cầu lông khẳng định, Nguyễn Thùy Linh là kỳ vọng vàng của cầu lông Việt Nam: "Theo tôi, tại SEA Games 32, Thùy Linh sẽ là nhân tố săn vàng cho cầu lông Việt Nam. Em ấy đã đạt đến trình độ châu lục. Tuy nhiên nhược điểm của Thùy Linh là áp lực tâm lý. Ban huấn luyện sẽ phải khắc phục trong thời gian tới để Linh thi đấu tốt hơn nữa".

(Theo nhandan.vn)

.
.
.