Thứ Sáu, 24/03/2023, 11:20 (GMT+7)
.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ KIM CHI:

Cuộc vận động là động lực phát triển phong trào thể dục thể thao

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các cấp, các ngành đã xây dựng Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” (gọi tắt là Cuộc vận động) bằng nhiều hình thức, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, người dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tác dụng, tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao (TDTT), giúp nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nói về những kết quả đạt được của Cuộc vận động, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Thị Kim Chi cho biết:

Cuộc vận động được tiếp tục đẩy mạnh trong toàn tỉnh, phát huy hiệu quả trong thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển, nhất là đối với công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, thanh, thiếu niên, nông dân.

Thanh niên tham gia hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023.                     Ảnh: THIÊN LÝ
Tiền Giang tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023 với đông đảo người dân tham gia. Ảnh: THIÊN LÝ

Thông qua Cuộc vận động, phong trào rèn luyện thân thể, luyện tập TDTT trong các đối tượng được đẩy mạnh, ngày càng mở rộng và từng bước phát triển. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với hơn 15.000 người tham gia, góp phần đưa số lượng người tập TDTT thường xuyên và số gia đình tập luyện TDTT tăng lên. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh có 637.685/1.778.820 người tham gia tập luyện TDTT, đạt tỷ lệ 35,85% (năm 2012 là 27,02%); 117.698/489.796 hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT, đạt tỷ lệ 24,03% (năm 2012 là 18,6%).

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 830 câu lạc bộ TDTT cơ sở, trong đó có 230 Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh. Hằng năm, các câu lạc bộ này đã tổ chức nhiều hoạt động thi đấu biểu diễn, giao lưu với hình thức phong phú, giúp người cao tuổi có sân chơi bổ ích, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức nhiều giải thi đấu TDTT cho công nhân, viên chức, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, kéo co, trò chơi vận động… với số lượng vận động viên tham gia và chất lượng ngày càng cao.

* Phóng viên: Cơ sở vật chất phục vụ phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh hiện tại ra sao thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Trong điều kiện hiện nay, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng ngành VH-TT&DL vẫn được tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp tỉnh như: Khán đài sân vận động, nhà thi đấu, nhà tập luyện, nhà ở, nhà ăn của vận động viên, chỉnh trang toàn khu thể thao trung tâm; xây dựng mới và đưa vào hoạt động khu thể thao dưới nước, sân bóng đá phụ... để phục vụ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo công tác đào tạo vận động viên, tập luyện thi đấu và đăng cai tổ chức các giải khu vực và quốc gia. Các huyện, thị xã, thành phố sử dụng nguồn ngân sách của địa phương, nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh và nguồn xây dựng nông thôn mới để sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới các công trình thể thao.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 công trình TDTT lớn, nhỏ, trong đó cấp huyện và cấp xã quản lý 404 công trình; các công trình TDTT ở trường học và các đơn vị lực lượng vũ trang do ngành Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an quản lý. Các công trình còn lại do các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao quản lý và khai thác. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhiều trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời đã được lắp đặt tại các công viên, khu vực công cộng, đông dân cư... cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân và tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở.

Ở cấp cơ sở, toàn tỉnh có 166 Trung tâm Văn hóa, Thể thao ở các xã, phường, thị trấn phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân, được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động hằng ngày như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, võ thuật, đờn ca tài tử, các lớp năng khiếu cho thanh, thiếu nhi... Hệ thống thiết chế nhà văn hóa ấp, liên ấp được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng mới hoặc cải tạo, tận dụng cơ sở cũ để đưa vào sử dụng bảo đảm nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân ngày càng tăng.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết phương hướng và mục tiêu phát triển phong trào TDTT trong những năm tới sẽ như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Trong thời gian tới, ngành VH-TT&DL sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân. Ngành sẽ xây dựng, biên soạn tài liệu hướng dẫn các phương pháp tập luyện TDTT, trên cơ sở đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác dụng của việc luyện tập TDTT, nhằm động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi đối tượng quần chúng tham gia tập luyện TDTT.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tổ chức các hình thức tập luyện TDTT phong phú, tạo phong trào tập luyện và thi đấu TDTT sôi nổi, rộng khắp ở các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Ngành tiếp tục tham mưu củng cố và phát triển hệ thống thiết chế TDTT các cấp; xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại các ấp, khu phố và xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện để các thành viên trong đơn vị tham gia tập luyện TDTT, phát triển các câu lạc bộ TDTT. Phát động mỗi người dân tự chọn cho mình môn thể thao phù hợp và vận động người thân tập luyện hằng ngày, tạo thói quen rèn luyện, vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe hướng tới mục tiêu số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt 39% - 40% dân số; số gia đình thể thao đạt 26% - 27% số gia đình trong toàn tỉnh; 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và câu lạc bộ TDTT.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG (thực hiện)

.
.
.