U22 Việt Nam với thử thách lớn từ vòng bảng SEA Games 32
Dù là hạt giống hàng đầu của giải, nhưng U22 Việt Nam đã rơi vào bảng đấu rất “khó thở” ở bảng B với các đối thủ mạnh ở Đông Nam Á như một trong ứng cử viên hàng đầu tấm Huy chương Vàng là Thái Lan, Malaysia, Singapore và đội được đánh giá yếu nhất bảng là Lào.
Một bảng đấu đầy thử thách đối với thầy và trò của HLV Troussier nhất là trong bối cảnh U22 Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao và xây dựng lối chơi mới. Trong khi đó, U22 Thái Lan đang cho thấy sự tự tin và chuẩn bị tương đối tốt. Ở Doha Cup vừa qua, U22 Thái Lan đã có màn khởi động khá ấn tượng khi có một trận hòa (Saudi Arabia), 1 trận thắng (Qatar) và 1 trận thua (Kuwait).
U22 Việt Nam cần hoàn thiện lối chơi của mình trước thử thách lớn ở vòng bảng SEA Games 32. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Kết quả trên cũng là cơ sở để truyền thông Thái Lan cho rằng các “voi chiến” không có đối thủ ở đấu trường Đông Nam Á tới đây. Về mặt lực lượng, U22 Thái Lan bên cạnh các cầu thủ phát triển trong nước còn có các cầu thủ đến từ châu Âu như: Airfan Doloh, Maximilian Steinbauer, Leon James… rất đáng chú ý. Ở SEA Games 31 cách đây 1 năm, các cầu thủ Thái Lan đã gây rất nhiều khó khăn cho Việt Nam ở trận chung kết và chỉ chịu nhận thất bại sau khoảnh khắc của Nhâm Mạnh Dũng. Ở những kỳ SEA Games gần nhất, Thái Lan đều không thua khi cùng bảng với Việt Nam với 2 chiến thắng và 1 trận hòa.
U22 Malaysia dù có thành tích không tốt ở những kỳ SEA Games gần đây nhưng cũng đang có bước chuẩn bị khá tốt. Trước giải đấu, Malaysia đã giành chức vô địch ở giải đấu giao hữu với các đối thủ gồm Singapore, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc). Dù là giải giao hữu, nhưng các cầu thủ U22 Malaysia đang cho thấy phong độ khá tốt và sẵn sàng “thách thức” các đội được đánh giá mạnh hơn như Việt Nam hay Thái Lan. Malaysia sẽ là đối thủ khá khó chịu của U22 Việt Nam trong cuộc đua giành quyền đi tiếp ở bảng B.
Ở bảng B, U22 Singapore cũng là một ẩn số mà U22 Việt Nam phải dè chừng. Các cầu thủ Singapore dù không có thành tích tốt nhưng đã có những màn thể hiện khá ấn tượng với dàn cầu thủ trẻ. Do đó, Singapore sẽ là đối thủ mà các đội còn lại phải dè chừng nếu muốn giành vé đi tiếp. Cùng với đó, U22 Lào được đánh giá là yếu nhất đội, nhưng mọi sự chủ quan đều có thể khiến các đội mạnh hơn thi đấu cùng bảng phải trả giá.
Bên cạnh các khó khăn khách quan, U22 Việt Nam còn có khó khăn chủ quan lớn và quan trọng hơn, đó là việc định hình lối chơi của U22 Việt Nam là chưa thực sự hoàn hảo khi thi đấu ở Doha Cup. Việc chuyển từ triết lý tấn công sang phòng thủ đang khiến cho các cầu thủ trẻ trở nên lúng túng. Cùng với đó, việc phải triển khai bóng từ hàng phòng ngự cũng chưa được vận hành một cách trơn tru khiến cho U22 Việt Nam phải nhận đến 7 bàn thua ở Doha Cup.
Một thử thách khác của HLV Troussier là U22 Việt Nam đang chuyển từ lối chơi khắc chế các đối thủ Đông Nam Á sang lối chơi đôi công. Việc chơi tấn công là cách vận hành thường thấy ở Thái Lan, Malaysia hay Singapore. Khi chọn lối chơi với hướng mở hơn buộc HLV Troussier và các học trò phải hết sức tập trung và kiểm soát tốt thế trận của mình để tránh các tình huống phản công đáng tiếc. Dù vậy, U22 Việt Nam và HLV Troussier vẫn được kỳ vọng sẽ giành được thành tích tốt nhất ở SEA Games 32 nhưng hành trình đó sẽ rất nhiều chông gai, thử thách.
CAO THẮNG