Thứ Sáu, 05/05/2023, 10:40 (GMT+7)
.

Hôm nay (5-5) khai mạc SEA Games 32: Bệ phóng thể thao, cầu nối hữu nghị

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) chính thức khai mạc tối nay (5-5), tại Campuchia. Với khẩu hiệu “Thể thao-sống trong hòa bình”, Đại hội quy tụ hơn 12.500 người từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tranh tài ở 37 môn thể thao với 583 nội dung.

“Thể thao - sống trong hòa bình”

Khẩu hiệu của SEA Games 32 chứa đựng ý nghĩa đặc biệt trong tâm khảm mỗi người dân Campuchia cùng Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Đó là tổng kết lịch sử đi lên từ sau đau thương của chiến tranh và thảm họa diệt chủng. Đó cũng là khát vọng và dấu mốc lớn của thể thao Campuchia lần đầu tiên trở thành nước chủ nhà của Đại hội kể từ SEAP Games 1959.

Campuchia hôm nay là hình ảnh một đất nước thanh bình, hiện đại với các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, khách sạn khang trang, sầm uất; những cánh đồng, cánh rừng tươi xanh. Riêng về thể thao, một khu liên hợp thể thao và sân vận động quốc gia mới đạt tiêu chuẩn quốc tế mang tên Morodok Techo được xây dựng, cùng hệ thống các sân vận động, nhà thi đấu trong khu vực thủ đô Phnom Penh; những cung đường chạy marathon, đua xe đạp, đi bộ điền kinh dưới tán rừng, quanh khu vực đền, tháp.

Kỳ thủ Phương Thảo và Hồng Ân giúp đội tuyển cờ ốc Việt Nam giành Huy chương Vàng nội dung đôi nữ sớm trước một vòng đấu.
Kỳ thủ Phương Thảo và Hồng Ân giúp đội tuyển cờ ốc Việt Nam giành Huy chương Vàng nội dung đôi nữ sớm trước một vòng đấu.

Tại tỉnh Preah Sihanouk và các thành phố ven biển phía Nam là các công trình dành cho những môn thể thao dưới nước... Những ghi nhận đầu tiên của vận động viên các nước là không khí đón tiếp niềm nở, nơi ăn ở, tập luyện thuận lợi. Đặc biệt, nhà nước Campuchia đã dành cho Đại hội một món quà lớn bất ngờ khi miễn phí hoàn toàn vé vào xem và cổ vũ cho khán giả, miễn phí bản quyền truyền hình, bao trọn vẹn ăn ở và các dịch vụ y tế tặng đoàn cán bộ, vận động viên các nước.

Không khí lễ hội đã thực sự náo nhiệt ngay khi các môn thi đấu sớm diễn ra. Một kỳ SEA Games trong tình hữu nghị, bạn bè hứa hẹn diễn ra suôn sẻ, thành công. Hình ảnh thể thao, hình ảnh đất nước Campuchia tươi đẹp sẽ thu hút bầu bạn và khách du lịch quốc tế.

“Hội làng” và tiêu chuẩn quốc tế

Vui vẻ chủ nhà và vui vẻ cả làng là mong muốn và thực tế đã diễn ra trong suốt tiến trình ra đời, phát triển của SEA Games (trước đây là SEAP Games). Đây là lý do những nước chủ nhà được quyền lựa chọn các môn, các nội dung thi đấu. Gần đây, các bộ môn nằm trong hệ thống của ASIAD và Olympic đã được chú trọng hơn, song việc nâng tiêu chuẩn thể thao là cả một quá trình. Điều quan trọng là giới thể thao cũng như công chúng Đông Nam Á ngày càng nhận thức đúng và nỗ lực chuẩn bị cho quá trình nâng tầm đó.

Trước mắt, tại SEA Games 32, nhiều quy định “ngoại lệ” vì thành tích và điều kiện của nước chủ nhà vẫn tồn tại và được các quốc gia khác chấp nhận. Nhiều môn, nội dung thi đấu vốn phải có nhưng không được tổ chức là thiệt thòi cho các nước tham gia. Tuy nhiên, về cơ bản, Đại hội này vẫn bảo đảm là đấu trường đua tranh quyết liệt trong các môn thể thao cơ bản và điều này giúp SEA Games thực sự đóng vai trò bệ phóng cho những tài năng khu vực và ở những đấu trường cao hơn.

Các tuyển thủ U.22 Việt Nam đang có khởi đầu thuận lợi tại SEA Games 32. Ảnh: VIỆT AN
Các tuyển thủ U.22 Việt Nam đang có khởi đầu thuận lợi tại SEA Games 32. Ảnh: VIỆT AN

Những niềm hy vọng Việt Nam

Với hơn 1.000 cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên tham gia, đoàn thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 7 về số lượng nhưng mục tiêu đặt ra là đoạt từ 89 đến 120 huy chương vàng (HCV), đứng trong tốp 3 khu vực. Mục tiêu này phù hợp với tương quan lực lượng và thành tích chúng ta đã có trong nhiều kỳ SEA Games gần đây. Điều đáng quan tâm nhất, cũng là thực tế thường thấy là trong thể thao, không phải khoảng thời gian nào chúng ta cũng có những lứa vận động viên có tố chất, năng khiếu vượt trội, không phải cứ lứa sau là bằng và hơn lứa trước.

Khi “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên không thi đấu SEA Games nữa, chúng ta mất đi ít nhất 6 HCV khu vực trong các môn bơi. Đây là thực tế phải chấp nhận và may mắn thay, những ngôi sao mới đã xuất hiện và khẳng định được, tiêu biểu là Nguyễn Huy Hoàng. Tại SEA Games 31 vừa qua, Huy Hoàng đã lập thành tích là “Vận động viên nam xuất sắc nhất” với 5 HCV cá nhân, tập thể. Người tiếp sau anh ở môn bơi là tuyển thủ Quân đội-kình ngư Trần Hưng Nguyên cũng đã đoạt 4 HCV cá nhân, tập thể.

Ở môn điền kinh, cái tên quen thuộc Nguyễn Thị Oanh đang giữ vững phong độ đỉnh cao. Với 3 HCV cá nhân tại SEA Games 31 ở 3 nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật, nữ vận động viên của chúng ta hiện vẫn chưa có đối thủ khu vực tại các cự ly này. Những gương mặt hy vọng nổi bật khác còn là Đinh Phương Thành của môn thể dục dụng cụ; là nhà vô địch wushu World Games 2022 Dương Thúy Vi; là những cái tên rất được kỳ vọng ở đội tuyển U.22 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam trong môn bóng đá...

Trước ngày khai mạc, những niềm vui đã sớm đến với người hâm mộ nước nhà khi các đội bóng đá nam và nữ giành chiến thắng đầu tiên; khi Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân giành HCV đôi nữ môn cờ ốc (cờ ouk chaktrang) sớm trước một vòng đấu. Ở một diễn biến khác, các vận động viên trong đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi lần đầu tiên giành chức vô địch giải các câu lạc bộ nữ châu Á và đoạt tấm vé dự giải vô địch các câu lạc bộ nữ thế giới... Những tín hiệu đầu tiên đã phát sáng vận hội của thể thao Việt Nam tại SEA Games trên đất nước Angkor.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.