Khi V-League 'tụt hạng'
Vừa qua, Liên đoàn Bóng đá châu Á đã có những quyết định về việc thay đổi thể thức và cách tổ chức của các giải đấu châu lục cấp CLB. Từ những thay đổi này, bóng đá Việt Nam sẽ không có đại diện tham dự AFC Champions League 2024/2025. Đây rõ ràng là một tin không vui với bóng đá nước nhà.
1. Theo luật mới, từ mùa giải 2024/2025 trở đi, bảng xếp hạng sẽ dựa trên thành tích của các CLB thuộc giải VĐQG đó trong 8 năm trước cộng lại. Như vậy bảng xếp hạng mùa giải 2024/2025 sẽ cộng từ năm 2014 đến 2022.
Với cách tính điểm mới này, V-League chỉ xếp hạng 7 của khu vực Đông Á do đó sẽ không có đại diện tham dự AFC Champions League 2024/2025. Thay vào đó, V-League sẽ có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off ở AFC Cup.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Thái Lan và Malaysia. Giải Thai League sẽ có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off AFC Champions League cùng 1 suất vào thẳng AFC Cup khi xếp thứ 4 của khu vực Đông Á. Malaysia sẽ có 2 suất vào thẳng AFC Champions League và AFC Cup.
Chưa kể, thời điểm đầu năm 2023, Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) đã công bố bảng xếp hạng 80 giải VĐQG xuất sắc nhất thế giới và 500 CLB bóng đá nam hàng đầu thế giới trong năm 2022. Không có V-League hay CLB nào của Việt Nam góp mặt trong danh sách trên, còn Thai League xếp hạng 71.
V-League vốn là chân đế, bệ phóng cho các đội tuyển quốc gia. Nói cách khác, tương lai của một nền bóng đá phải dựa vào hệ thống giải chuyên nghiệp đủ mạnh về chất và lượng. Chính vì thế, từ thông tin không mấy vui như trên, VFF, VPF cùng các CLB cần "thức tỉnh" để cùng nhau dựng xây một giải chuyên nghiệp khác biệt so với 22 mùa trước đó.
V-League cần được nâng tầm để tránh bị tụt hậu trong khu vực. Ảnh: Hoàng Linh |
2. Mới đây Ban Cấp phép VFF đã tiến hành họp lần thứ 2 trong năm 2023, với nội dung chính quyết định cấp phép cho CLB tham dự giải đấu cấp CLB của AFC mùa giải 2023-2024. Theo đó, Ban Cấp phép đã quyết định cấp phép trên hệ thống cấp phép trực tuyến cho 7 CLB tham dự giải đấu cấp CLB của AFC mùa giải 2023-2024, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, HAGL, B.Bình Dương, Nam Định, SHB Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Cấp phép kèm biện pháp phạt cho CLB Thanh Hóa; không cấp phép cho 4 CLB là Bình Định, SLNA , Viettel và CLB TP.HCM do không đáp ứng quy định, tiêu chí bắt buộc theo quy chế cấp phép của AFC.
Từ đó sẽ thấy, nhiều năm qua, chúng ta đã "du di" với nhiều CLB để V-League có thể diễn ra suôn sẻ, thành công. Tuy nhiên, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải siết chặt lại công tác cấp phép theo đúng quy định của AFC. Nói nôm na, bóng đá nước nhà lúc này phải được "học thật, thi thật" chứ không xuề xòa được nữa.
Lâu nay, bức tranh chung của V-League là các đội bóng phụ thuộc vào "bầu sữa" của những nhà tài trợ. Đa số các Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp hiện nay đều chỉ tồn tại về danh, còn thực là hoạt động theo mô hình cũ. Họ bị động, phụ thuộc tất cả vào ngân sách nhà tài trợ rót xuống, cùng một ít từ ngân sách địa phương. Nhiều CLB chưa đủ tiêu chuẩn AFC nhưng đành phải cho hoạt động.
Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn. Nhiều người hẳn còn nhớ đến Quảng Ninh, cũng thăng hoa nhiều thời điểm. "Đùng một cái" mùa giải 2022, khi doanh nghiệp trả lại cho tỉnh thì đội bóng đã phải giải thể.
Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào 3 tiêu chí cốt lõi: Nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính; sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài.Tóm lại, cách làm bóng đá "thật" cần được thực hiện một cách nghiêm túc nhất để V-League ngày càng được nâng tầm.
(Theo https://thethaovanhoa.vn/khi-v-league-tut-hang-2023052223023235.htm)