.

Nỗi lo sau SEA Games 32

Cập nhật: 14:51, 31/05/2023 (GMT+7)

Dù giành thành tích hạng nhất tại SEA Games 32 ở Campuchia, nhưng việc chỉ có chưa đến 60% số huy chương ở các môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic (chưa kể phong độ thi đấu trồi sụt của nhiều vận động viên đỉnh cao) khiến mục tiêu lọt vào Top 3 khu vực Đông Nam Á tại đấu trường ASIAD (tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào cuối tháng 9 tới) của thể thao Việt Nam trở nên rất khó khăn.

Vận động viên Huy Hoàng là hy vọng số một của môn bơi Việt Nam tại ASIAD 2023. (Ảnh Dũng Phương)
Vận động viên Huy Hoàng là hy vọng số một của môn bơi Việt Nam tại ASIAD 2023. (Ảnh Dũng Phương)

Tại Đại hội Thể thao châu Á-ASIAD 2018 (tổ chức tại Indonesia), Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 5 Huy chương vàng (HCV), xếp hạng 16/37 chung cuộc. Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia (giành 31 HCV, xếp hạng 4 chung cuộc); Thái Lan (11 HCV, hạng 11) và Malaysia (7 HCV, hạng 14).

Trong số 5 HCV của Việt Nam, nổi bật là 2 HCV ở môn điền kinh của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa, thành tích 6,55m) và Quách Thị Lan (400m rào, thành tích 55 giây 30). Riêng trường hợp Quách Thị Lan được đôn lên do đối thủ giành HCV (vận động viên Kemi Adekoya thi đấu cho Bahrain) dính scandal doping nên bị tước danh hiệu. Hiện nay, Quách Thị Lan cũng bị cấm thi đấu vì vướng scandal doping.

Song, kể cả nếu có được quyền tham dự ASIAD 2023, thì thành tích của Lan cũng kém xa đối thủ người Malaysia đã xác lập tại SEA Games 32 vừa qua (với thành tích 52 phút 53 giây). Còn ở nội dung nhảy xa, Bùi Thị Thu Thảo với phong độ sa sút chỉ giành được Huy chương bạc (HCB) tại SEA Games 32 với thành tích 6,13m (thua sút tới 43cm so với thành tích của chính Thảo 4 năm trước).

Tại SEA Games 32 vừa qua, Việt Nam có hai kỷ lục ở môn bơi của Phạm Thanh Bảo, đều ở nội dung bơi ếch nam; trong đó thành tích 1 phút 00 giây 97 (cự ly 100m ếch) và 2 phút 11 giây 45 (cự ly 200m ếch). Nhưng nếu so sánh với thành tích gần đây của vận động viên châu Á thì còn cách khá xa.

Do đó, hy vọng kiếm huy chương ASIAD ở môn bơi của Việt Nam chỉ còn trông đợi vào kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Tại SEA Games 32 ở Campuchia, thành tích của Vũ Huy Hoàng chưa thật sự ấn tượng: giành HCV ở cự ly 1.500m với kết quả 15 phút 11 giây 24, còn kém xa so với thành tích 15 phút 1 giây 63 giúp tuyển thủ này giành HCB tại ASIAD 2018. Lãnh đạo ngành thể thao cho rằng, do Huy Hoàng đang dốc sức tập huấn chuẩn bị cho ASIAD nên chưa đúng “điểm rơi” phong độ.

Như thế, để Huy Hoàng có thể giành huy chương tại ASIAD vào cuối năm đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của thể thao Việt Nam cũng như nỗ lực của chính tuyển thủ này. Huy Hoàng sẽ phải làm nhiệm vụ kép tại ASIAD là phấn đấu giành huy chương và đạt chuẩn A để được dự Olympic 2024 (tối thiểu là 15 phút 00 giây 99, tức còn cao hơn cả thành tích HCV tại ASIAD 2018).

Trong số các môn thể thao Việt Nam có cơ hội giành được huy chương tại ASIAD 2023, thì Taekwondo được kỳ vọng với gương mặt hàng đầu là võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền. Kim Tuyền từng giành HCV châu Á và là niềm hy vọng lớn nhất trên các đấu trường lớn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của Kim Tuyền là đối thủ Thái Lan, Wongpattanakit Panipak-đương kim vô địch thế giới lẫn Olympic.

Mục tiêu chính của Kim Tuyền là vượt qua Wongpattanakit Panipak. Để làm được điều đó, Kim Tuyền cần vượt qua rào cản cả về tâm lý lẫn kỹ thuật, chiến thuật và thể lực. Điều đó cần sự hậu thuẫn rất lớn của Tổng cục Thể dục-Thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam. Kim Tuyền và các huấn luyện viên của cô phải tham khảo kinh nghiệm trường hợp của nam võ sĩ taekwondo Phạm Đăng Quang-người vừa thành công tại SEA Games 32. Sau ba lần thua các võ sĩ Thái Lan, Đăng Quang đánh bại chính đối thủ mà mình đã thua cả hai lần trước đó-võ sĩ Napat Sritimongkol-để giành HCV hạng 63kg nam.

Cử tạ cũng là một trong số ít môn thể thao có thể đưa tên tuổi các vận động viên Việt Nam xuất hiện ở các lễ trao giải tầm cỡ thế giới và châu lục. Chúng ta từng thành công với đô cử Hoàng Anh Tuấn (HCB cử tạ Olympic 2008 hạng 56kg); Thạch Kim Tuấn (giành 3 Huy chương đồng (HCĐ) tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2013, nhưng hiện đang sa sút phong độ); Nguyễn Quốc Toàn vừa phá 3 kỷ lục ở hạng cân 89kg (với tổng thành tích 345kg tại SEA Games 32).

Tuy vậy, hạng cân này sẽ khó có cơ hội để giành huy chương nếu so sánh với thành tích 396kg của đô cử Li Dayin (Trung Quốc) đoạt HCV tại Giải vô địch châu Á mới đây. Hoàng Thị Duyên từng là ứng cử viên giành huy chương Olympic 2020 nhưng cũng chỉ giành HCĐ ở SEA Games 32. Hiện nay, cử tạ Việt Nam chỉ còn kỳ vọng vào đô cử trẻ K’Dương - người vừa xuất sắc giành 3 HCV tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên thế giới 2023 ở hạng cân 55kg nam (với các thành tích 114kg cử giật; 144kg cử đẩy; và 258kg tổng cử).

Ở tuổi 16, K’Dương đã phá 3 kỷ lục của chính mình xác lập năm 2022 (với thành tích 113kg cử giật; 143kg cử đẩy; và 256kg tổng cử). Đây chính là tài năng của cử tạ Việt Nam, nhưng để trở thành nhà vô địch ASIAD thì cần có chương trình huấn luyện đặc biệt với các chuyên gia giỏi.

Việt Nam còn có một số bộ môn có khả năng giành huy chương tại ASIAD 2023 (như: khiêu vũ thể thao; wushu; xe đạp, đua thuyền…), song cơ hội đoạt HCV không cao. Lọt vào tốp ba nước dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á tại ASIAD lần này cần nỗ lực rất lớn của ngành thể thao Việt Nam. ASIAD và Olympic không phải là đấu trường dành cho số đông.

Tại đây, chỉ có những vận động viên chuyên nghiệp, tài năng được đào tạo bài bản, liên tục ở trình độ đỉnh cao mới có thể vươn tới. Thể thao Việt Nam sau khi giành nhiều HCV nhất tại “cuộc chơi” phạm vi hẹp là SEA Games thì đã đến lúc phải thay đổi chiến lược đầu tư, tập trung phát triển các môn thể thao Olympic.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.