Thứ Hai, 11/12/2023, 14:40 (GMT+7)
.

Bứt phá từ những bước đi chiến lược

Từ ngày 13 đến 17/12, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với tên gọi Sport Center 1 sẽ tham dự Giải vô địch các câu lạc bộ nữ thế giới (FIVB Volleyball Women’s Club World Championship) tại Trung Quốc. Đây là sự kiện quốc tế cuối cùng trong năm với các tay đập nữ, đồng thời khép lại quãng thời gian với nhiều dấu ấn và thành công vượt bậc.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành nhiều thành tích ấn tượng trong năm 2023. Ảnh: AVC
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành nhiều thành tích ấn tượng trong năm 2023. Ảnh: AVC

Sân chơi danh giá hàng đầu

Giải vô địch các câu lạc bộ nữ thế giới là lần thứ 2 trong năm nay Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có cơ hội được thi đấu ở một sân chơi quốc tế. Vào tháng 7, toàn đội đã tham dự FIVB Challenge Cup 2023 - giải bóng chuyền dành cho cấp đội tuyển các quốc gia. Khi ấy, chúng ta không thể tạo nên bất ngờ và đành dừng bước sau khi để thua chủ nhà Pháp.

Thực tế, FIVB Volleyball Women’s Club World Championship cũng được xem như giải đấu vượt tầm. Sáu đội tham dự bao gồm VakifBank Istanbul, Eczacibasi Dynavit (đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, từng vô địch châu Âu và Cúp các câu lạc bộ nữ thế giới), Praia Clube (Brazil, vô địch Nam Mỹ), Gerdau Minas (Brazil, á quân Nam Mỹ), Sport Center 1 (vô địch Cúp các câu lạc bộ nữ châu Á năm 2023) và đại diện của chủ nhà Trung Quốc.

Việc được trải nghiệm và thử sức tại FIVB Volleyball Women’s Club World Championship - giải đấu cấp câu lạc bộ cao nhất thế giới, với quy mô tổ chức chuyên nghiệp là cơ hội hiếm có với bóng chuyền nữ Việt Nam. Đồng thời, tấm vé tham dự giải đấu cũng là phần thưởng dành cho sự tiến bộ vượt bậc của các cô gái.

Theo huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, một trong những thiệt thòi của bóng chuyền Việt Nam là sự thiếu thốn cơ hội thi đấu và cọ xát quốc tế. Muốn xây dựng một tập thể mạnh, chúng ta cần bồi đắp thật nhiều cá nhân xuất sắc như Thanh Thúy nhằm tìm kiếm suất thi đấu ở nước ngoài. Đó là cách tốt nhất để cải thiện trình độ vận động viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội tuyển.

Thiếu vắng tay đập chủ công

Dù xác định FIVB Volleyball Women’s Club World Championship là sân chơi vượt tầm, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chuẩn bị vô cùng nghiêm túc trước khi bước đến đấu trường này. Lực lượng tham gia giải đấu sắp tới tại Trung Quốc là những gương mặt quen thuộc như Nguyệt Anh, Vi Thị Như Quỳnh, Trần Tú Linh, Kiều Trinh hay Đoàn Thị Xuân.

Đáng tiếc, quy định của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới không đồng ý để vận động viên thi đấu cho hai câu lạc bộ trong cùng thời điểm. Thanh Thúy đang khoác áo PFU Blue Cats thi đấu tại Giải vô địch quốc gia Nhật Bản. Trong khi đó, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự với tên gọi là câu lạc bộ Sport Center 1, nên vận động viên cao 1m93 không thể "lách luật" để góp mặt trong đội hình.

Vắng Thanh Thúy là tổn thất khó có thể bù đắp. Xuyên suốt những giải đấu gần đây, vận động viên này luôn thể hiện phong độ ổn định - đóng vai trò "máy đập bóng" và là trụ cột ghi điểm cho đội. Từ Giải vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á năm 2023, SEA Games 32, AVC Challenge Cup 2023, FIVB Challenge Cup 2023, SEA V.League 2023, cho tới VTV Cup 2023, Giải vô địch châu Á năm 2023 và gần đây nhất là ASIAD 19, những pha bật cao để đập bóng quyết đoán, cùng tiếng hét vang của cô đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho vô số màn lội ngược dòng ấn tượng.

Nhìn vào những gương mặt còn lại, người có khả năng thay thế Thanh Thúy tốt nhất là Bích Tuyền cũng xin không lên tuyển vì lý do cá nhân. Sắp tới, Nguyễn Huỳnh Phương Thùy - chủ công 19 tuổi của Binh Chủng Thông Tin sẽ gánh vác nhiệm vụ "máy đập" của những người chị. Song, sự non nớt về mặt kinh nghiệm là yếu tố chính gây khó cho tài năng trẻ này, đặc biệt khi phải đối đầu với những đội bóng ở đẳng cấp cao.

Nỗ lực học hỏi mỗi ngày

"Chúng tôi không đặt nặng thành tích ở giải đấu này nên tâm lý thi đấu vô cùng thoải mái. Mục tiêu của toàn đội là được đọ sức với các câu lạc bộ mạnh, gặp gỡ những vận động viên nổi tiếng, qua đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ những đội bóng hàng đầu thế giới", vận động viên Nguyệt Anh khẳng định.

Thực tế, các câu lạc bộ Việt Nam không có đủ tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh đội hình để chinh phục sân chơi quốc tế. Việc đội tuyển quốc gia tranh tài (dưới tên gọi câu lạc bộ Sport Center 1) là chiến lược khôn ngoan giúp các vận động viên có cơ hội cọ xát quốc tế, nâng cao trình độ. Ngay khi Giải vô địch quốc gia kết thúc, việc tiếp tục được thi đấu ở các giải quốc tế chất lượng cũng là khoảng thời gian không thể tuyệt vời hơn để các cầu thủ duy trì phong độ và cường độ thi đấu bóng chuyền.

Cột mốc lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 19 hay ngôi Quán quân Giải vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á được xem như bước đệm quan trọng, trong hành trình tăng tốc và bắt kịp bóng chuyền nữ Thái Lan.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.