.

HLV Troussier là nguyên nhân nhưng một mình ông không thể tìm ra giải pháp

Cập nhật: 21:56, 28/01/2024 (GMT+7)

(ABO) Việc thất bại của Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier đang dấy lên nhiều tranh cãi từ người hâm mộ xem ai là người phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm từ thất bại hay thành công không thể do một người có thể quyết định, nhưng cũng cần phải có những nhìn nhận thẳng thắn để bóng đá Việt Nam sớm quay lại quỹ đạo thành công.

HLV Troussier đã tạo nên những tranh cãi rất không đáng có khi có phát biểu chỉ trích truyền thông đã không nhìn vào những điểm tích cực của các lứa đội tuyển mà ông dẫn dắt. Những phát biểu có phần trực diện đối với truyền thông đã gây nên sức nóng không cần thiết, nhất là ở thời điểm phong độ của Đội tuyển Việt Nam gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Nếu nói về trách nhiệm thì trước hết, HLV Troussier - HLV trưởng của Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Việc Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam bị thiếu quân do nhiều nguyên nhân là điều đã được nhìn thấy và nêu ra. Song, những con người trong các đội tuyển hiện tại do chính HLV Troussier lựa chọn cho đấu pháp của chính ông, nên nguyên nhân chính của thất bại hiện tại đến từ HLV Troussier.

HLV Troussier đang có những sự bảo thủ nhất định khi tin tưởng gần như tuyệt đối vào các cầu thủ trẻ và bỏ qua những cầu thủ như Hùng Dũng, Quang Hải, Hoàng Đức, Duy Mạnh… - những trụ cột giàu kinh nghiệm. Chính sự bảo thủ này phần nào đã khiến cho các cầu thủ trẻ thi đấu thiếu đi những thủ lĩnh lúc gặp khó khăn trước đối thủ.

HLV Troussier là ngời chịu trách nhiệm cho những thất bại nhưng một mình ông khó tìm ra giải pháp giúp Đội tuyển Việt Nam chơi tốt hơn.
HLV Troussier là người chịu trách nhiệm cho những thất bại nhưng một mình ông khó tìm ra giải pháp giúp Đội tuyển Việt Nam chơi tốt hơn. Ảnh: Vietnamnet.vn

Người chịu trách nhiệm cao nhất là HLV Troussier nhưng giải pháp để làm sao giúp cho Đội tuyển Việt Nam và U23 chơi tốt hơn thì một mình HLV Troussier khó có thể giải quyết được. Việc các cấp đội tuyển Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng không phải là chuyện của thời điểm hiện tại.

Trước đó, HLV Park Hang-seo cũng đã không có nhiều chọn lựa ngoài bộ khung đã giúp ông thành công với nhiều cầu thủ phải nén đau để thi đấu từ giải này sang giải khác như Văn Hậu, Đình Trọng… Một bộ khung không có nhân sự thay thế phần nào đã khiến cho HLV Park Hang-seo không thể sáng tạo nên những miếng đánh mới và Đội tuyển Việt Nam dần bị bắt bài dẫn đến hệ quả HLV Park Hang-seo quyết định rời đi và HLV Troussier thay thế.

Nếu chỉ nhìn vào hàng công, từ sau thời điểm Anh Đức chia tay đội tuyển vào năm 2018, Đội tuyển Việt Nam đã không còn trung phong chất lượng khi Tiến Linh, Đức Chính xuống dốc. Hiện tại, những cầu thủ như Tuấn Hải, Văn Tùng… cũng chưa mang lại sự an tâm khi thi đấu trong màu áo đội tuyển với khả năng ghi bàn chưa thật sự nhạy bén.

Nguồn nhân sự đang thực sự là khó khăn lớn đối với HLV Troussier. Vì thế, việc ông quyết định chọn những cầu thủ trưởng thành từ lứa U19 mà ông dẫn dắt trước đây là điều dễ hiểu. Nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng được chiến thuật mà HLV lão luyện người Pháp đề ra. Cách chơi kiểm soát bóng đòi hỏi kỹ thuật cơ bản và thể lực cao khiến cho các cầu thủ trẻ dễ hụt hơi và lúng túng khi đối thủ áp sát.

Việc các cầu thủ trẻ hay các tiền đạo nội đang lép vế trước các đàn anh hay ngoại binh đã phần nào đó khiến cho các cấp đội tuyển thiếu quân. Các lò đào tạo trẻ như Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, PVF những năm gần đây chưa thấy sự sôi động như giai đoạn những năm 2018, 2019 khi các cầu thủ trẻ chất lượng có thể đủ tạo nên một bộ khung hoàn chỉnh. Người ta hay nhắc đến chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam nên nếu không có sự chung tay thì chu kỳ này sẽ còn tiếp tục gắn với sự trồi sụt bóng đá Việt Nam.

GIAI NGHI

 

.
.
.