.

Tìm hướng phát triển bền vững cho thể thao Việt Nam

Cập nhật: 13:56, 14/01/2024 (GMT+7)

Dù đã khẳng định được vị thế hàng đầu khu vực, song thể thao Việt Nam (TTVN) chưa đạt thành tích như mong đợi ở đấu trường Á vận hội (ASIAD) và Olympic. Nâng cao thành tích ở sân chơi châu lục và thế giới là mong ước của những người yêu mến thể thao nước nhà, nhưng quá trình này đòi hỏi sự đầu tư lớn, bền bỉ và công phu.

Luẩn quẩn trong sân chơi khu vực

Tại Giải vật vô địch Đông Nam Á 2023 mới kết thúc ở Campuchia, đội tuyển vật Việt Nam giành 26 Huy chương Vàng (HCV) trên tổng số 30 nội dung thi đấu ở hạng mục vô địch. Nhìn rộng ra, sức mạnh của các đô vật Việt Nam từng nhiều lần được thể hiện tại các giải khu vực.

Ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31, môn vật là “mỏ vàng” khi đoạt 17/20 HCV. Tại SEA Games 32 năm 2023, dù các đối thủ có chính sách nhập tịch vận động viên (VĐV) nhưng đội tuyển vật Việt Nam vẫn xếp số 1 khi đoạt 13 HCV.

Vận động viên Lê Thanh Tùng với bài thi xà kép môn thể dục dụng cụ tại SEA Games 32.
Vận động viên Lê Thanh Tùng với bài thi xà kép môn thể dục dụng cụ tại SEA Games 32.

Là "người khổng lồ" ở khu vực, nhưng đội tuyển vật Việt Nam lại hóa "tí hon" tại sân chơi quốc tế. Ở ASIAD 19, đội tuyển vật Việt Nam tham dự với 14 thành viên nhưng không thể hoàn thành mục tiêu giành huy chương. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, một lãnh đạo Cục Thể dục thể thao (TDTT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (xin được giấu tên) cho rằng: Việc đội tuyển vật Việt Nam không giành được huy chương ASIAD 19 bộc lộ những vấn đề trong công tác huấn luyện. Không thể lấy lý do các đối thủ có thể hình, thể lực tốt hơn, bởi vật là môn phân theo hạng cân.

Không chỉ môn vật, nhiều đội tuyển của TTVN thời gian qua khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á nhưng vẫn loay hoay với chuyện làm thế nào để giành được huy chương ASIAD và chật vật đoạt vé dự Olympic. Tại SEA Games 32, TTVN lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn trong kỳ đại hội không tổ chức trên sân nhà với 136 HCV, 105 huy chương bạc (HCB) và 114 huy chương đồng (HCĐ). Nhưng tại ASIAD 19 diễn ra sau đó, TTVN chỉ giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, thua Thái Lan tới 9 HCV và xếp sau các đối thủ trong khu vực là Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ), Malaysia (6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ), Philippines (4 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ) và Singapore (3 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ).

Đánh giá thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT) cho rằng: “Phát triển thể thao thành tích cao là một quá trình lâu dài, thậm chí phải mất tới 20 năm, nên tư duy nhiệm kỳ là không phù hợp. Mục tiêu tại SEA Games chúng ta đã hoàn thành xuất sắc, nhưng đang buông lỏng đấu trường ASIAD và Olympic. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thua một số nước Đông Nam Á ở sân chơi ASIAD và Olympic. Đây là điều rất trăn trở”.

Đòn hạ đối thủ giúp Nguyễn Công Mạnh (Quân đội) giành Huy chương Vàng hạng cân 72kg nam môn vật tại SEA Games 32.
Đòn hạ đối thủ giúp Nguyễn Công Mạnh (Quân đội) giành Huy chương Vàng hạng cân 72kg nam môn vật tại SEA Games 32.

Định vị trọng tâm, trọng điểm

Theo các chuyên gia, suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ nhà quản lý TTVN hiện vẫn đánh đồng giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao nên có sự đầu tư chưa tương xứng. Chế độ đãi độ giữa các huấn luyện viên, VĐV, chuyên gia đang có sự cào bằng.

Một VĐV có trình độ số 1 Việt Nam hiện hưởng mức thu nhập tương đương với VĐV xếp hạng 10 (nếu cùng chung đội tuyển); thu nhập của VĐV chưa tương xứng với công sức, tâm huyết bỏ ra và thấp hơn mức thu nhập của nhiều ngành nghề khác trong xã hội.

Chính sách chiêu mộ chuyên gia người nước ngoài bất cập khi quy định mức lương dành cho họ trung bình từ 3.000 đến 5.000USD/tháng. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn đấu kiếm, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội nhận định: "Với mức lương như thế thì chỉ thuê được các chuyên gia có trình độ tầm trung ở nước bạn".

 Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã có một năm 2023 ấn tượng. Ảnh: VIỆT AN
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã có một năm 2023 ấn tượng. Ảnh: VIỆT AN

Hướng tới sân chơi ASIAD và Olympic, TTVN cần sớm xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Ngành thể thao cần chứng minh tại sao chọn nội dung này, không phải nội dung kia, mục tiêu chính là gì, đấu trường chính là gì? Cần lấy SEA Games là bàn đạp, chọn các VĐV ưu tú liên thông thi đấu ASIAD và Olympic. Theo GS, TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ngay từ năm 2013, ngành TDTT đã đưa ra 8 giải pháp, nhưng đến nay làm chưa tới nơi tới chốn.

Đó là các giải pháp khoa học: Chuyên môn, y sinh học, tâm lý-giáo dục, hồi phục, dinh dưỡng, kỹ thuật, quản lý, công nghệ thông tin. “Tôi từng ngồi hội đồng của hơn 100 luận án tiến sĩ về thể thao thì trong đó 60% đề tài nghiên cứu về thể thao thành tích cao. Đáng lo, việc ứng dụng các đề tài này vào thực tiễn vẫn đang khá loay hoay và lúng túng”-GS, TS Lâm Quang Thành trăn trở.

Theo PGS, TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn sang các nước trong khu vực, những tấm HCV Olympic mà họ đạt được đều đến từ các môn thể thao xã hội hóa. Mức thưởng dành cho VĐV Việt Nam cũng thua xa so với một số nước trong khu vực.

Tại SEA Games 31, mỗi tấm HCV của TTVN được thưởng 400USD, trong khi VĐV Malaysia được thưởng 4.280USD, VĐV của Philippines là 5.400USD, VĐV của Campuchia là 9.700USD. PGS, TS Đặng Hà Việt cho biết: "Trong định hướng phát triển đến năm 2030, TTVN tập trung vào sân chơi ASIAD và cần thực hiện những giải pháp như: Quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV tại ASIAD 2026 và Olympic 2024, 2028; hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm các tỉnh, thành phố, ngành; chăm lo, cải thiện chế độ, chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, VĐV; phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về TDTT; bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao".

Toàn quốc hiện có gần 22.000 VĐV ở các tuyến, trong đó chỉ có từ 30 đến 40 VĐV đạt trình độ ASIAD và Olympic. TTVN nỗ lực đạt từ 15 đến 18 VĐV góp mặt tại Olympic Paris 2024, hơn 20 VĐV góp mặt ở Olympic Los Angeles 2028; phấn đấu giành từ 5 đến 6 HCV tại ASIAD 20; giữ vị trí tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic trong các kỳ SEA Games giai đoạn 2025-2029.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.