.

Cái uy của thầy

Cập nhật: 15:56, 24/02/2024 (GMT+7)

Thái độ và ý thức kỷ luật của một số cầu thủ trẻ đang trở thành đề tài nóng thu hút dư luận. Sau Đinh Xuân Tiến bị Sông Lam Nghệ An kỷ luật nội bộ, tới lượt Nguyễn Đình Bắc bị Quảng Nam FC đẩy xuống rèn luyện cùng đội trẻ do tập trung muộn.

Đây là hai tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam, là mắt xích quan trọng của Sông Lam Nghệ An và Quảng Nam FC. Phải chăng trong họ đã nảy sinh ảo tưởng, tự mãn, bệnh ngôi sao?

Lãnh đạo Sông Lam Nghệ An thông tin: Xuân Tiến đã 3 lần vi phạm quy chế sinh hoạt và việc bị kỷ luật không có gì nghiêm trọng. Trong khi đó, Đình Bắc đã có lần thứ 4 tập trung muộn với đủ lý do như người nhà ốm, nhà có đám, ngủ quên và gần nhất là hội quân muộn một ngày.

Đinh Xuân Tiến cũng toả sáng ở các cấp độ trẻ Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Báo Lao động
Đinh Xuân Tiến cũng toả sáng ở các cấp độ trẻ Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Báo Lao động

Nhận thức được sai lầm, Xuân Tiến đang thể hiện nhiều điểm tích cực trong sinh hoạt và nỗ lực tìm lại hình ảnh của mình. Đình Bắc đã trực tiếp đến xin lỗi huấn luyện viên (HLV) trưởng và công khai xin lỗi người hâm mộ trên mạng xã hội. Tuổi trẻ nông nổi, mắc sai lầm là chuyện thường, điều quan trọng Xuân Tiến và Đình Bắc sẽ sửa sai, nỗ lực vươn lên như thế nào.

Quyết định phạt mạnh tay của ban huấn luyện Sông Lam Nghệ An và Quảng Nam FC rất đáng khen. Điều này tạo thói quen, sự rèn luyện nghiêm túc cho cầu thủ từ khi còn trẻ, bởi tính kỷ luật trong bất cứ ngành nghề nào cũng vô cùng quan trọng. Vì yêu cầu, quy định đặt ra khắt khe, cầu thủ trẻ/người trong cuộc phải tự rèn cho mình tính kỷ luật, không thể tặc lưỡi, du di cho mình ngủ thêm, đi muộn với đủ lý do trời ơi đất hỡi.

Đình Bắc còn trẻ, có thể chưa ý thức được hành vi của mình là vô kỷ luật, tắc trách; hoặc cũng có thể em bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh. Cuộc sống hiện đại, chúng ta không lạ với hình ảnh nhiều công chức, viên chức đi làm muộn như cơm bữa mà thản nhiên coi hành vi đó là chuyện thường, chẳng ảnh hưởng đến ai. Chính người lớn không làm gương đã kéo theo người trẻ cũng có hành vi tương tự.

Trong bóng đá, nếu cầu thủ trẻ bằng lòng với mình thì sẽ dẫn đến thui chột tài năng. Cầu thủ bây giờ nổi tiếng một chút, có tiền, có danh là rất nhiều cạm bẫy vây quanh. Chỉ cần họ không có ý chí phấn đấu, kiên định mục tiêu thì sẽ đi chệch hướng. Rất nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam đã mất nghiệp khi còn trẻ vì bị dụ dỗ ăn chơi đàm đúm, cờ bạc, rượu chè, bán độ...

Mừng vì các HLV đã dũng cảm khi đưa ra án phạt nghiêm khắc. Sông Lam Nghệ An rất cần Xuân Tiến, Quảng Nam FC cũng muốn có Đình Bắc trong đội hình chính khi V-League đang bước vào guồng quay khốc liệt. Nhưng ban huấn luyện buộc phải kỷ luật không cho họ thi đấu để làm gương cho cả đội. Đấy là cái uy, sự dũng cảm và bản lĩnh của người thầy. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ các nhà cầm quân trong nước không chuyên nghiệp, nhưng thực sự họ đang có những cách hành xử rất chuyên nghiệp.

Thầy nào cũng muốn trò giỏi, nhưng không có nghĩa là họ o bế, làm ngơ cho các cầu thủ trụ cột khi vi phạm nội quy, mắc khuyết điểm. HLV mà dễ dãi quá thì học trò không nể, làm càn; HLV mà nghiêm khắc quá cũng dễ khiến cầu thủ sợ hãi. Điều quan trọng nhất của người thầy là phải cương-nhu đúng lúc, biết khi nào cần thể hiện cái uy, lúc nào cần gần gũi học trò như những người bạn.

Bóng đá Việt Nam từng có nhiều “thần đồng” không chịu lớn bởi ngộ nhận tài năng và sớm mắc bệnh ngôi sao. Trường hợp vi phạm kỷ luật như Xuân Tiến và Đình Bắc không phải ít. Cầu thủ trẻ cần lắm sự bảo ban, dạy dỗ, nghiêm minh và uốn nắn liên tục từ các HLV để từ những tài năng trẻ vươn lên thành các ngôi sao sân cỏ.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.