Thứ Tư, 14/02/2024, 21:45 (GMT+7)
.

Từ Asian Cup, khoảng cách đã được thu hẹp và đâu là cơ hội cho Việt Nam

Lịch sử đã được tạo nên tại sân vận động Lusail - Qatar, ngay cả trước khi Akram Afif khắc sâu vị trí của mình vào biên niên sử Asian Cup khi Qatar giành chiến thắng 3-1 trước Jordan. Đây là trận chung kết Asian Cup đầu tiên không có Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hoặc Australia. Đó là nhóm Big 5, thống trị ở châu Á trong nhiều thập kỷ, 9 trong số 12 đội từng loạt vào chung kết Asian Cup trước đó và gần như độc chiếm các suất tham dự World Cup của châu lục này.

Kể từ năm 1994, trong số 22 suất mà châu Á giành được tại FIFA World Cup thì chỉ có 2 lần – Trung Quốc năm 2002 và Triều Tiên năm 2010 – là nằm ngoài nhóm này. Nhưng sự thiếu vắng họ trong trận chung kết Asian Cup 2023 cho thấy thời thế đã thay đổi. Thay vào đó là Qatar và Jordan, đây mới là lần thứ 3 trong lịch sử Asian Cup mà 2 quốc gia Ả Rập đối đầu nhau trong trận đấu quyết định. Cũng là lần thứ ba có một HLV Ả Rập dẫn dắt một đội đá trận chung kết, với nhà cầm quân người Morocco, Hussein Ammouta của Jordan. Như vậy, chỉ 14 tháng kể từ khi quê hương Morocco của Ammouta trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên lọt vào bán kết World Cup, lại thêm một niềm tự hào nữa được viết lên.

Chức vô địch châu lục thứ hai liên tiếp của Qatar, cũng như màn trình diễn của các quốc gia như Jordan, Uzbekistan, Iraq và đội bóng được yêu thích nhất là Tajikistan – những “ngựa ô” của giải đấu – cho thấy có một sự chuyển dịch về bản đồ bóng đá châu Á. Bởi vì có vẻ như khoảng cách từng tồn tại giữa những người giỏi nhất lục địa và phần còn lại không còn rộng như xưa. Hoặc ít nhất, nó không thể hiện ở Doha.

Điều này phù hợp với xu hướng của bóng đá thế giới, khi trò chơi ngày càng toàn cầu hóa và sự dễ dàng tiếp cận thông tin và dữ liệu chất lượng thúc đẩy sự tăng tốc nhanh chóng về năng lực chiến thuật, sự chuẩn bị về thể chất và khả năng kỹ thuật của các đội bóng hạng trung bình. Chỉ duy nhất một cầu thủ tham dự trận chung kết, Musa Al-Taamari (Jordan và Montpellier) là đang chơi bóng ở châu Âu. Thực tế này chứng tỏ không có rào cản nào trong việc lọt vào trận chung kết.

Ngay cả băng ghế huấn luyện cũng vậy. Nhưng Ammouta (Morocco), Hector Cuper (Argentina), Shin Tae-Yong (Hàn Quốc) … đều không phải là những chuyên gia đến từ châu Âu. Họ có năng lực và những người giống như họ ngày càng có mặt trên khắp lục địa vàng. Các HLV này mang đến sự nhạy bén cần thiết để vượt qua những thách thức mà các quốc gia đang phát triển này phải đối mặt đồng thời phát huy tối đa tài năng mà họ có.

Bóng đá châu Á giờ đây đã hiểu rất rõ về tầm quan trọng của khâu đào tạo, mà mô hình Học viện Aspire của Qatar hoặc chiến lược các tuyến U của Uzbekistan là điển hình. Bóng đá châu Á đang là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho châu Âu, thậm chí, họ chẳng cần đi xa đến vậy khi việc đầu tư vào các giải đấu cấp CLB đang được chú trọng, mà Saudi Pro League là ví dụ. Nói cách khác, bóng đá trẻ của châu Á đang có nhiều đất diễn.

Việc mở rộng Asian Cup cũng đóng một vai trò ở đây, với việc chuyển sang thể thức 24 đội giúp các quốc gia tiếp xúc nhiều hơn với bóng đá đỉnh cao. Kế đến là từ World Cup 2026, khi số suất dự tăng lên, không chỉ các quốc gia hàng đầu mà còn cả những quốc gia hạng trung trước đây giờ đây đã có nhiều động lực tiến bộ hơn.

Một chi tiết cũng đáng để tham khảo, đó là cách thức để hạ gục những đối thủ lớn như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia. Hàn Quốc của HLV Klinsmann là một ví dụ điển hình. Không đội nào ở Doha cầm bóng nhiều hơn Taeguk Warriors – tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 69,6% trong suốt giải đấu – nhưng thật đáng buồn là họ không làm được gì nhiều với điều đó. Đội bóng của Klinsmann đã không thể giữ sạch lưới trong suốt giải đấu, hầu hết các vấn đề của Hàn Quốc có thể bắt nguồn từ điểm yếu của họ trong việc cầm bóng quá nhiều.

Sau chiến thắng 3-1 trong ngày khai mạc trước Bahrain, Taeguk Warriors chỉ ghi thêm hai bàn thắng từ thế trận mở trong 5 trận còn lại, một trong số đó là trận gặp Malaysia. Họ đã phải mất gần một giờ đồng hồ giữa các cú sút trúng đích trong trận gặp Saudi Arabia mới có bàn thắng. Trước Australia cầm bóng 26%, Hàn Quốc vẫn chỉ tung ra được 2 cú sút trúng đích trước quả phạt đền của Hwang Hee-Chan ở phút 96 khiến trận đấu phải bước sang hiệp phụ. Rồi dù có 70% thời gian cầm bóng trước Jordan trong trận bán kết, Hàn Quốc không thể có một cú sút trúng đích nào.

Đây chính là sự gợi mở đáng giá cho các đội bóng nhỏ như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia trên con đường tìm vé dự World Cup. Phòng thủ chặt và phản công nhanh, chắt chiu cơ hội sẽ là một cách tiếp cận hợp lý nếu muốn đánh bại các đối thủ hàng đầu. Cứ lấy ví dụ của Australia, họ cũng là đội mạnh, nhưng vẫn chủ động cầm bóng ít hơn Hàn Quốc để trở nên thoải mái với việc phòng ngự được tổ chức tốt, mạnh mẽ và có chiều sâu.

Nhóm big 5 đều cùng lọt vào vòng loại trực tiếp, chỉ có 2 vào đến bán kết. Con số này là một gợi ý thú vị khi World Cup lên 48 đội và tăng gấp đôi số đội châu Á. Nếu lấy con số 16 đội ở vòng knock-out làm căn cứ cho vòng đấu loại thứ 3 của World Cup 2026 thì rõ ràng, bất kỳ đội nào vào đến giai đoạn này để có khả năng trở thành 8 đội cuối cùng để đến World Cup. Những đội vào tứ kết Asian Cup 2023 như Jordan, Tajikistan hay Uzbekistan rõ ràng đều không quá tầm so với Thái Lan hay Việt Nam.

Quyền thống trị của nhóm Big 5 vẫn còn đó. Nhưng tháng vừa qua ở Doha cho thấy rằng có lẽ họ không nên coi thường phần còn lại của châu Á, và rằng, đến một lúc nào đó, những nước khác sẽ bắt đầu gõ cửa thách thức. Asian Cup 2023 đã cho thấy một điều chắc chắn: Trong bóng đá thế giới, hơn bao giờ hết, danh tiếng và lịch sử chẳng còn giá trị gì.

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.