.

Đội tuyển Việt Nam đã chạm đáy cùng huấn luyện viên Troussier?

Cập nhật: 13:16, 24/03/2024 (GMT+7)

Những thất bại nối đuôi nhau từ Asian Cup 2023 đến vòng loại World Cup 2026 đã khiến niềm tin mà người hâm mộ Việt Nam đặt vào huấn luyện viên Troussier sụt giảm nghiêm trọng.

Đội tuyển Việt Nam liên tiếp nhận kết quả thua khiến người hâm mộ không hài lòng.
Đội tuyển Việt Nam liên tiếp nhận kết quả thua khiến người hâm mộ không hài lòng.

Tận cùng thất vọng

“80% người hâm mộ Việt Nam đang chờ đợi đội tuyển Việt Nam thất bại để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sa thải tôi. Tôi biết điều đó. Có người còn nghĩ tôi đang phá hoại bóng đá Việt Nam”, huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier chia sẻ trước thềm cuộc so tài giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia tại vòng loại World Cup 2026.

Sau thất bại 0-1 trên sân Gelora Bung Karno của thầy trò ông Troussier tối 21/3, nhiều người ví von, tỷ lệ ủng hộ HLV Troussier chỉ còn vài phần trăm. 20%, như đánh giá của ông, vẫn là quá nhiều.

Thực tế là, HLV Troussier có lẽ đã sai khi quy đổi tình cảm của người hâm mộ ra con số định lượng. Bởi vốn dĩ, tình cảm, sự ủng hộ, yêu ghét,... vốn thuộc về cảm tính con người, thay đổi liên tục, nên việc lượng hóa (dù chỉ mang ý nghĩa tương đối) là điều không nên. Những chuyên gia như HLV Troussier chỉ nên dùng số liệu để mô tả những yếu tố đong đếm, tính toán, thống kê được. Như phong độ của đội tuyển Việt Nam dưới bàn tay huấn luyện của ông, chẳng hạn.

Sau 1 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, những gì HLV Troussier gặt hái là tỷ lệ thất bại cao nhất trong lịch sử, chỉ tính riêng các chiến lược gia ngoại. Sau 13 trận, đội bóng của ông Troussier thắng 4, thua 9, tỷ lệ thua lên đến 69,2% - nhiều gấp ba lần người tiền nhiệm Park Hang-seo. Tính trong 10 trận gần nhất, đội tuyển Việt Nam đã thua đến 9. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng trước thềm AFF Cup 2008 (khi HLV Henrique Calisto mới nắm quyền), hay giai đoạn đen tối 2011-2013, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ thua triền miên, với tần suất dày đặc kéo dài từ giải này qua giải khác như hiện tại.

HLV Philippe Troussier tại buổi họp báo sau trận thua 0-1 Indonesia.
HLV Philippe Troussier tại buổi họp báo sau trận thua 0-1 Indonesia.

Điều đáng buồn với đội tuyển Việt Nam là cả 9 trận thua trong 6 tháng qua đều “tâm phục khẩu phục”. Các học trò của ông Troussier thua toàn diện từ chuyên môn, đấu pháp cho đến tinh thần. Đau đớn hơn cả kết quả thua, đó là cách thua.

HLV Troussier từng cam kết mang lại lối chơi kiểm soát bóng - triết lý ông cho rằng sẽ đưa đội tuyển Việt Nam tiệm cận 10 đội tuyển mạnh nhất châu Á. Tuy nhiên sau 1 năm, với trên dưới 60 cầu thủ được thử nghiệm năng lực trong 6 đợt triệu tập, đội tuyển Việt Nam vẫn là “công trường ngổn ngang”.

Trong khi hình thù kiểm soát bóng vẫn chưa rõ ràng, đội tuyển Việt Nam trở thành tập thể tấn công kém (5 bàn trong 6 trận gần nhất), phòng ngự kém (chỉ giữ sạch lưới 1 trong 10 trận đã qua). Yếu tố duy nhất đội tuyển Việt Nam cải thiện là thêm một vài phần trăm thời lượng cầm bóng. Nhưng đổi lại, những điểm mạnh trước đây như năng lực phòng ngự, khả năng phản công, chống phản công… của Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội dần biến mất. Với quá ít điểm sáng, thất bại là chuyện sớm muộn.

Không chỉ bất lực trong việc nâng tầm chuyên môn, HLV Troussier còn không xây dựng được tập thể giàu sức chiến đấu. Thêm một thống kê đáng lo nữa: 10 trận đã qua, đội tuyển Việt Nam bị đối thủ ghi bàn dẫn trước trong 8 trận, và thua cả 8. Khả năng lật ngược thế cờ, hay đơn giản hơn đôi chút, là thể hiện ý chí chiến đấu sau khi đánh mất thế trận của cầu thủ không còn. Đây là khác biệt lớn so với trước đây, khi đội tuyển Việt Nam đã lọt tới tứ kết Asian Cup 2019, vòng loại thứ ba World Cup 2022,... nhờ ý chí quật cường, mà như HLV Park Hang-seo ví von, đó là tinh thần Việt Nam.

Việc tụt xuống thứ 112 trên bảng xếp hạng FIFA (lần đầu tiên sau 6 năm rơi khỏi top 100) chỉ là “giọt nước tràn ly” trong cuộc khủng hoảng mà thống kê đã chỉ ra rất chi tiết. Tuy nhiên, HLV Troussier lại đang lẩn tránh những con số ấy. Ông đi lượng hóa thứ không cần lượng hóa (tình yêu của người hâm mộ), nhưng lại không đề cập đến vòng xoáy khủng hoảng mà đội tuyển Việt Nam đã rơi vào trong 1 năm qua.

“Tôi nhìn thấy điểm tích cực ở trận thua Indonesia”, HLV Troussier đánh giá. Điểm tích cực nào trong trận đấu mà đội tuyển Việt Nam chỉ dứt điểm vỏn vẹn 2 lần (đều không trúng đích), nghèo nàn ý tưởng chơi bóng, để rồi thua một Indonesia thực chất cũng chơi chẳng quá xuất sắc?

Đối thủ không đứng yên

Một điều đáng lo nữa với HLV Troussier, là trong khi bóng đá Việt Nam thụt lùi trong 1 năm qua, các đối thủ lại tiến lên với tốc độ khó tin.

Đội tuyển Thái Lan đang “lột xác” sau khi bổ nhiệm HLV Masatada Ishii. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi huấn luyện, ông thầy người Nhật Bản giúp Thái Lan đánh bại Oman, cầm hòa Saudi Arabia để giành ngôi nhì bảng Asian Cup 2023. Dù sau đó đội tuyển có biệt danh “Voi chiến” dừng bước trước Uzbekistan ở vòng 16 đội, nhưng bản lĩnh của Thái Lan đã nâng lên tầm cao mới.

Cũng chỉ sau Asian Cup 2023 vỏn vẹn 2 tháng, đội tuyển Thái Lan lại gây sốc khi cầm hòa Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ ba vòng loại World Cup 2026. Từ khi tiếp quản Thái Lan, ông Ishii vẫn giữ nguyên triết lý kiểm soát, nhưng nhào nặn nó khéo léo và linh hoạt hơn trong khuôn khổ phòng ngự phản công. Hiểu rằng không thể chơi đôi công với những đội “cửa trên”, HLV Ishii đã xây dựng cho đội tuyển Thái Lan lối chơi biết mình biết người, chặt chẽ và kỷ luật trong phòng ngự với cự ly đội hình hợp lý, nhưng vẫn biết kiểm soát bóng khi cần để làm chủ nhịp độ trận đấu, đồng thời tổ chức phản công sắc nét ngay khi giành lại bóng.

Lâu nay, đội tuyển Thái Lan luôn ở “vùng nước lợ” giữa Đông Nam Á và châu Á. Chanathip Songkrasin cùng đồng đội quá mạnh ở Đông Nam Á (vô địch 4 trong 5 kỳ AFF Cup gần nhất), nhưng lại bất lực ở châu Á. Đó là bởi, triết lý tấn công, đập nhả bóng ngắn của người Thái chỉ đe dọa được những đội tuyển yếu hơn. Còn khi gặp đội mạnh, đội tuyển Thái Lan trở nên ngây thơ, dễ bị trừng phạt.

Tuy nhiên với “bộ não” mang tên Ishii, đội tuyển Thái Lan hứa hẹn tạo nên cuộc chuyển dịch đáng xem. Khi Thái Lan đủ sức chơi thực dụng, lì lợm, cộng với dàn hảo thủ với đẳng cấp kỹ chiến thuật cao bậc nhất Đông Nam Á, đội bóng của ông Ishii sẽ còn thống trị khu vực.

Đội tuyển Thái Lan bất ngờ cầm hòa đội tuyển Hàn Quốc ngay trên sân khách. (Ảnh: Reuters)
Đội tuyển Thái Lan bất ngờ cầm hòa đội tuyển Hàn Quốc ngay trên sân khách. (Ảnh: Reuters)

Nhìn rộng ra, các đội tuyển Indonesia, Malaysia, Myanmar hay Singapore đều tiến lên rất nhanh. Chính sách nhập tịch đang giúp Indonesia “thay da đổi thịt”, nhưng lại vô tình che mờ một sự thật: bản thân lực lượng cầu thủ bản địa của Indonesia cũng rất chất lượng. Nền bóng đá xứ vạn đảo đã sản sinh ra 2 lứa cầu thủ gối đầu nhau cực kỳ chất lượng, nhằm chuẩn bị cho U20 World Cup (mà Indonesia sau đó bị tước quyền tổ chức). Những vị trí chủ chốt trong đội hình Indonesia đều đang được giữ bởi những cầu thủ rất trẻ.

Đó là trung vệ Rizky Ridho, hai hậu vệ Arhan Pratama (trái) và Asnawi Mangkualam (phải), tiền vệ Marselino Ferdinan, hay các tiền đạo Witan Sulaeman, Hokky Caraka, Egy Maulana Vikri. Những cầu thủ nhập tịch của Indonesia như Ivar Jenner, Justin Hubner, Rafael Struick đều mới 20 tuổi. Với HLV Shin Tae-yong, Indonesia đang xây dựng đội tuyển cho tương lai 10 năm tới. Những chuyển biến tích cực khi cú đúp chiến thắng trước đội tuyển Việt Nam báo hiệu Indonesia sẽ còn tiến rất xa.

Đội tuyển Malaysia với “phù thủy” Kim Pan-gon trên băng ghế huấn luyện dù vừa thua Oman ở vòng loại World Cup 2026, nhưng với 6 điểm đang có, Malaysia rất sáng cửa vào vòng sau. Bởi so với Kyrgyzstan, Malaysia được đánh giá nhỉnh hơn. Myanmar cũng gây sốc khi cầm hòa đối thủ mạnh Syria, còn Singapore giật lại 1 điểm ở trận gặp Trung Quốc dù bị dẫn 2 bàn.

Sự trỗi dậy của các đội Đông Nam Á, phần nhiều đến từ cách làm bóng đá bài bản, toan tính như Thái Lan, Indonesia, hay xuất phát từ những HLV giỏi như Malaysia. Dù vì lý do gì, đội tuyển Việt Nam cần hiểu rõ: ngay cả mặt bằng Đông Nam Á xưa nay bị gọi là vùng trũng, nay cũng không ngừng được nâng cao. Đứng yên đồng nghĩa với tụt lùi, chứ chưa nói đến hiện tại, thầy trò HLV Troussier đang đi lùi.

Khi các đối thủ đã tìm ra định hướng và đang kiên trì theo đuổi, đội tuyển Việt Nam vẫn lạc lối trong “cõi hỗn mang”, giữa một rừng ma trận những tuyên bố tưởng như thấu đáo, nhưng lại chẳng đi đôi với hành động mà ông Troussier đưa ra. Đáng lo đấy, “Phủ thủy trắng”. Đội tuyển Việt Nam cần trở lại trước khi quá muộn.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.