Thứ Bảy, 27/04/2024, 22:21 (GMT+7)
.

Cơ hội rèn luyện dành cho U23 Việt Nam

(ABO) U23 Việt Nam đã thất bại ở vòng tứ kết gặp U23 Iraq tại U23 châu Á. Một thất bại đáng tiếc nhưng đủ để U23 Việt Nam tạo nên những sức bật mới trong tương lai khi các cầu thủ đã có cơ hội cọ xát và nâng cao khả năng của mình.

Thất bại của U23 Việt Nam trước U23 Iraq có thể được xem là đáng tiếc khi các cầu thủ trẻ Việt Nam chỉ để thua với tỷ số tối thiểu 0-1 và từ một cú sút penalty. Sự đáng tiếc dành cho nỗ lực phòng thủ kiêng cường của các cầu thủ U23 Việt Nam trước đối thủ Tây Á.

Trong hiệp 1, U23 Việt Nam dù bị đối thủ áp đảo nhưng vẫn giữ được lối chơi của riêng mình và không để đối thủ tự do chơi bóng. Dù không thể pressing, nhưng cách chơi phòng ngự phản công chủ động của U23 Việt Nam khiến cho các cầu thủ U23 Iraq phải dè chừng và giữ quân nơi hàng thủ. Hơn ai hết, U23 Iraq hiểu rõ sự nguy hiểm từ lối chơi này của U23 Việt Nam khi đã từng nhận thất bại trước các chiến binh sao vàng vào năm 2018.

U23 châu Á là trải nghiệm hứu ích dành cho các cầu thủ trẻ của U23 Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet.vn
U23 châu Á là trải nghiệm hữu ích dành cho các cầu thủ trẻ của U23 Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet.vn

Nhưng có một điều đáng tiếc dành cho các cầu thủ U23 Việt Nam ở giải đấu lần này là vẫn còn kém về thể lực và kinh nghiệm thi đấu. Với sức ép từ đối thủ, các cầu thủ U23 Việt Nam đã mắc phải sai số không đáng có. Văn Chuẩn là cầu thủ lớn tuổi nhất đội đã mắc sai lầm ở một lỗi duy nhất trong trận đấu quan trọng dẫn đến quả penalty.

Dù không thể tiến sâu và hoàn thành giấc mơ Olympic nhưng U23 Việt Nam và người hâm mộ có thể phần nào hài lòng về màn trình diễn vừa qua. U23 Việt Nam đã biết cách để giành chiến thắng trước các đối thủ yếu hơn. Mặt khác, các cầu thủ trẻ cũng mang lại nhiều kỳ vọng về một thế hệ kế cận.

Có thể nói rằng, U23 châu Á đã mang lại cho các cầu thủ U23 Việt Nam nhiều bài học quý giá để tiếp tục phát triển. Lần đầu VAR được áp dụng ở tất cả các trận đấu của U23 châu Á đã chỉ ra sự vụng về trong các tình huống tranh chấp của các cầu thủ trẻ với số lượng thẻ đỏ lớn. Chỉ tính riêng vòng tứ kết đã có đến 4 thẻ đỏ chia đều cho 4 trận đấu. U23 Việt Nam đã bị đến 2 thẻ đỏ trong cả giải với những tình huống vụng về của các cầu thủ.

Công nghệ VAR giúp các trọng tài theo dõi mọi hoạt động của các cầu thủ trên sân dù là nhỏ nhất. Các cầu thủ trẻ chưa nhiều kinh nghiệm rất dễ mắc bẫy khiêu khích hoặc chỉ vì thói quen trong các pha tranh chấp đều bị thổi phạt. Ngọc Thắng là người “mở hàng” thẻ đỏ của U23 Việt Nam với tình huống kéo người không bóng khá thô trong vòng cấm.

Sự quyết liệt quá mức và cũng có thể là lỡ chân của Mạnh Hưng khiến cho U23 Việt Nam hết hoàn toàn hy vọng trong trận gặp U23 Iraq. Có thể môi trường thi đấu thường xuyên của các cầu thủ trẻ ít khắt khe hơn đấu trường quốc tế. Nhưng những chiếc thẻ đỏ là những bài học lớn dành cho các cầu thủ nếu muốn hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Tính gắn kết và sự thích nghi cũng là bài học dành cho U23 Viêt Nam. Nếu nhìn sang U23 Indonesia với sự thích nghi cao từ việc thích ứng với VAR cho đến lối chơi ở từng trận đấu thì các cầu thủ U23 Việt Nam dù có sự cố gắng nhưng chưa hoàn hảo.

Việc thi đấu với lịch thi đấu có độ khó tăng dần sau hai đối thủ yếu rồi đến các ứng viên vô địch như Uzbekistan và Iraq, các cầu thủ Việt Nam chưa cho thấy sự thích ứng. HLV Hoàng Anh Tuấn dù đã có cách sắp xếp chiến thuật để giữ chắc hàng thủ nhưng các cầu thủ vốn yếu khâu hỗ trợ phòng ngự như Văn Khang, Văn Cường… cũng như các cầu thủ dứt điểm chưa thật sự nhạy bén, Minh Quang đã không cho thấy sự thay đổi để phù hợp sau 4 trận đấu.

Thầy và trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã có một giải đấu thành công. Nhưng các cầu thủ trẻ chắc chắn sẽ còn cần nhiều trải nghiệm như U23 châu Á để tiếp tục phát triển.

GIAI NGHI

 

.
.
.