Lấp lánh những niềm tin
“Tôi nghĩ Đội tuyển U23 Việt Nam dừng bước ở vòng tứ kết vừa với khả năng và thực lực. Ở những trận vòng bảng, lối chơi của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Các cầu thủ mắc nhiều sai sót và lỗi kỹ thuật không đáng có. Tới cuộc đọ sức với U23 Iraq, toàn đội đã thể hiện thái độ, tinh thần thi đấu quyết tâm, cũng như tuân thủ tốt sự chỉ đạo, lối đá và đấu pháp của ban huấn luyện. Các cá nhân đã chơi bóng cởi mở, đẹp mắt hơn. Tất cả đã nỗ lực thi đấu với tinh thần tập thể và sự đoàn kết cao nhất”, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nhận định về các học trò.
Trước khi tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2024, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không đặt mục tiêu cụ thể cho lứa U23 Việt Nam. Đây được xem như sân chơi để sàng lọc những viên ngọc thô ưu tú, nhằm bồi dưỡng nhân tài cho đội tuyển quốc gia trong tương lai gần.
Dẫu vậy, ông Hoàng Anh Tuấn vẫn khẳng định quyết tâm tiến vào tứ kết và trình diễn lối đá gắn kết qua từng trận đấu. Kỷ lục lần đầu giành vé vào vòng knock-out chỉ sau hai trận thắng, cùng vị trí thứ hai sau Uzbekistan là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của chúng ta.
Theo nhận định của các chuyên gia, Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu tự tin, biết mình biết người hơn so thời huấn luyện viên tiền nhiệm. Chúng ta không mù quáng đá theo kiểu áp đặt lối chơi với các đối thủ ở tầm châu lục. Với mỗi đội bóng khác nhau, ban huấn luyện sẽ phân tích và đưa ra những đối sách phù hợp.
Trước những đội bóng như U23 Kuwait và Malaysia, toàn đội đã nhập cuộc bình tĩnh, thi đấu chặt chẽ và kiên nhẫn chờ đợi những khoảnh khắc mất cảnh giác của đối phương. Chúng ta vừa có thể tấn công trực diện, lại cũng sẵn sàng lùi sâu đá phòng ngự phản công (điển hình như khi chạm trán Malaysia). Không những vậy, đoàn quân của ông Tuấn còn cho thấy khả năng phối hợp nhóm, những tình huống đá giãn biên để rồi tung ra những đường tạt bóng sắc lẹm.
Chọn thành tích hay phát triển bền vững
Khi nhìn nhận sự tiến bộ đáng kể của các cầu thủ U23 Việt Nam ở giải đấu đã qua, một vấn đề khác tiếp tục được Ban huấn luyện và giới chuyên môn nhắc tới chính là sự thiếu vắng môi trường rèn luyện, cọ xát thường xuyên dành cho các tài năng trẻ. Đây là điểm yếu cố hữu của bóng đá nước nhà từ nhiều năm qua.
Thí dụ, lứa U23 Việt Nam lúc này chỉ có Văn Chuẩn và Thái Sơn được ra sân thường xuyên. Vĩ Hào và Nguyên Hoàng mới được đá chính trong khoảng thời gian ngắn. Khuất Văn Khang - chân sút vẽ nên pha đá phạt cầu vồng tuyệt đẹp - hiếm khi được ra sân. Các cầu thủ còn lại trước đợt tập trung lại rất ít được thi đấu, thậm chí không được đá phút nào trong cả tháng.
Bóng đá Việt Nam giờ khó kiếm được ông bầu nào mạnh dạn đôn cả lứa 19 tuổi lên đá V-League như bầu Đức. Không dễ để các câu lạc bộ tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Do đó, những cá nhân tài năng sẽ phải cạnh tranh rất lớn để vào sân thi đấu ở hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia.
“Khi trở về câu lạc bộ, các cầu thủ trẻ không được thi đấu. Đây là bài toán khó. Nhìn theo hướng tích cực, mỗi cá nhân đã tham dự SEA Games, vòng chung kết U23 châu Á, nhưng đó là các giải quốc tế, mỗi năm chỉ có vài trận. Tôi luôn nói với các học trò: Mỗi người phải đúc rút xem mình đã làm được gì để hoàn thiện bản thân và cố gắng cạnh tranh suất thi đấu thường xuyên hơn. Mỗi cá nhân phải thật sự quyết tâm thì ban huấn luyện các đội mới tin dùng và trao điều kiện thử sức”, ông Tuấn trăn trở.
Như nhận định của ông Dương Vũ Lâm, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, chúng ta không có nhiều cầu thủ nổi bật như thế hệ của Quang Hải, Văn Hậu hay trước đó là những Công Phượng, Tuấn Anh. Tuy nhiên, ông Tuấn đã tìm ra nhiều tài năng triển vọng ở ngưỡng tuổi 20, hoàn toàn có khả năng thi đấu ở kỳ SEA Games 33 hay vòng chung kết U23 châu Á 2026.
Song, phát hiện được những “viên ngọc thô” mới chỉ là bước khởi đầu, cần phải mài giũa thế nào, tạo điều kiện cọ xát ra sao... là những câu hỏi các câu lạc bộ cần cân nhắc kỹ càng, bên cạnh bài toán về thành tích thi đấu.
(Theo nhandan.vn)