Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:57 (GMT+7)
.

Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu tham dự Olympic Paris 2024

Đặt chỉ tiêu 12 đến 15 suất tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Việt Nam hiện có được 10 suất và đang tăng tốc trong giai đoạn quyết định. Trong đó, các môn đã đạt được suất tham dự thì hướng đến mục tiêu có huy chương.

Lê Đức Phát thi đấu ở Giải Cầu lông quốc tế Vietnam International Challenger, chiều 24-3-2023.                                                                    Ảnh: Internet
Lê Đức Phát thi đấu ở Giải Cầu lông quốc tế Vietnam International Challenger, chiều 24-3-2023. Ảnh: Internet

Với điểm tích lũy 23.630, Lê Đức Phát xếp thứ 34 trong danh sách 38 tay vợt vượt qua vòng loại môn cầu lông Olympic Paris 2024. Đây là lần đầu Đức Phát giành suất dự Olympic. Để có được điều này, anh đã phải rất nỗ lực. Cuối 2023, Đức Phát từng văng khỏi nhóm tham dự Olympic vì chấn thương.

Sang đầu năm 2024, anh thi đấu trở lại, tham dự các giải International Challenge trong tháng 1 và tháng 2. Đức Phát thậm chí sang châu Phi để tìm cơ hội tích lũy điểm số, với thành công lớn nhất là chức Vô địch Uganda International Challenge. Sau đó, anh vào bán kết giải Kazakhstan International Challenge để vươn lên nhóm dự Olympic, một phần còn nhờ các đối thủ thi đấu sa sút.

Trước Đức Phát, cầu lông Việt Nam đã giành một vé đến Olympic hè này, thuộc về tay vợt nữ số một Nguyễn Thùy Linh. Hiện, cả hai luyện tập cùng đội tuyển cầu lông quốc gia tại Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).

Bên cạnh cầu lông, thể thao Việt Nam đã có tám suất khác dự Olympic 2024, gồm Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Phạm Thị Huệ (rowing).

Từ nay đến ngày 30-6 là hạn “chốt sổ” danh sách vận động viên tham dự Olympic Paris 2024, trong đó thể thao Việt Nam vẫn còn góp mặt ở vòng loại các môn như điền kinh, judo, vật, quyền anh, bóng bàn, thể dục dụng cụ nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra. Nếu mọi việc suôn sẻ, thể thao Việt Nam có thể hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 12 suất dự Olympic để tập trung hoàn toàn cho việc thi đấu ở sân chơi này.

Điền kinh là đội tuyển có mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic với trọng tâm ở nội dung tiếp sức 4x400 m nữ. Đội hình Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Lê Thị Tuyết Mai sẽ tranh tài giải Vô địch châu Á từ ngày 20-5 tới ở Thái Lan để “săn” vé Olympic.

Tuy vậy, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng phải tính phương án trong trường hợp tuyển thủ của nội dung này không đoạt suất chính thức, Liên đoàn Điền kinh thế giới có dành một suất mời và nhiều khả năng sẽ được trao cho tuyển thủ trẻ Trần Thị Nhi Yến ở nội dung 100 m nữ.

Đội tuyển thể dục dụng cụ vừa trải qua loạt giải quốc tế tính điểm và xét chọn suất tham dự Olympic Paris, tuy nhiên Nguyễn Văn Khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện, hay Trịnh Hải Khang đều chưa thành công. Do đó, thầy trò đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ phải dồn sức vào cơ hội cuối tại giải Vô địch châu Á diễn ra từ ngày 16 đến 19-5 tại Uzbekistan.

Ở môn judo, nhóm tuyển thủ Chu Đức Đạt (60 kg nam), Hoàng Thị Tình (48 kg nữ), Nguyễn Ngọc Diễm Phương (57 kg nữ) được tạo điều kiện tối đa thi đấu để tích điểm. Cơ hội để tuyển thủ Việt Nam cạnh tranh suất chính thức đến Pháp có triển vọng cao, thông qua các giải đấu trong thời gian tới như: Vòng loại Olympic tại Tajikistan và Kazakhstan từ ngày 30-4 đến 12-5; vòng loại Olympic tại Tahiti, PYF từ ngày 30-5 đến 3-6; và giải tại Lima, Peru từ ngày 20 đến 24-6. Nhưng trên hết, các võ sĩ khi dự giải quốc tế phải giành nhiều chiến thắng thì điểm số mới tích lũy cao nhất.

H. NGHỊ

(tổng hợp)

.
.
.