.

Thể thao Việt Nam thay đổi để phù hợp với thực tiễn

Cập nhật: 15:30, 25/05/2024 (GMT+7)

Những nội dung, môn được Bộ VH-TT-DL thay đổi hoặc bổ sung theo danh mục nhóm 1, 2, 3 của thể thao thành tích cao mới đây đã thu hút được sự quan tâm của người làm chuyên môn.

Nội dung của nhảy breaking đã được đưa vào nhóm 1 của ngành thể thao khi xem xét thưởng cho HLV, VĐV đạt kết quả huy chương quốc tế. Ảnh: ĐOÀN TTVN
Nội dung của nhảy breaking đã được đưa vào nhóm 1 của ngành thể thao khi xem xét thưởng cho HLV, VĐV đạt kết quả huy chương quốc tế. Ảnh: ĐOÀN TTVN

Thay đổi để phù hợp với thực tiễn

Thực tế, Quyết định bổ sung danh mục các môn, nội dung thi đấu thể thao thuộc nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 được Bộ VH-TT-DL ban hành ngày 20-5 mang ý nghĩa trực tiếp là để làm căn cứ tiền thưởng cho HLV, VĐV thể thao khi đạt kết quả thi đấu trong các giải quốc tế. “Về cơ bản, đây là danh mục dành cho việc làm căn cứ về tiền thưởng. Đối với danh mục các môn phân theo nhóm 1, 2, 3 để có sự đầu tư chuyên môn mà Bộ VH-TT-DL phê duyệt là không thay đổi”, đại diện Cục TDTT chia sẻ.

Tại Quyết định vừa ban hành, nhiều nội dung chúng ta có các tuyển thủ nổi bật, được kỳ vọng nhiều nhưng qua một quá trình thi đấu thành tích cao thì nội dung đó không giành được các kết quả huy chương quốc tế cao nhất. Do thế, ngành thể thao đã tham mưu để Bộ VH-TT-DL xem xét kỹ lưỡng và có quyết định điểu chỉnh bổ sung thay đổi. Có thể kể tới, nội dung cờ tiêu chuẩn cá nhân nam, nữ “rớt” từ nhóm 2 xuống nhóm 3 trong khi cờ nhanh cá nhân nam, nữ đạt nhiều kết quả huy chương quốc tế được thay đổi từ nhóm 3 lên nhóm 2.

Hoặc như môn quyền Anh (boxing) đã bị thay đổi từ nhóm 1 xuống nhóm 3 đối với 10 hạng cân nam (từ 49kg tới trên 91kg) và 2 hạng cân nữ (51kg, 69kg). “Qua một thời gian, nhiều nội dung không đạt được thành tích quốc tế, việc thay đổi nhóm là bình thường. Những môn có nội dung thường xuyên đạt được thành tích quốc tế cũng phải được sự ghi nhận”, đại diện Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) phân tích.

Đáng chú ý là việc các nhóm môn mới gồm jujitsu, sambo, sambo bãi biển, triathlon (3 môn phối hợp), vật gappling được bổ sung vào danh mục để xét thưởng của ngành thể thao, thuộc nhóm 3. Các môn kể trên đang phát triển mạnh tại châu Á và góp mặt trong thể thao ASIAD gần đây nên dự báo tương lai nhận quan tâm của thể thao Olympic. Vì lẽ đó, thể thao Việt Nam tiếp cận với sự phát triển thời cuộc này là hợp lý. Ở Quyết định được ban hành, nội dung tiếp sức của xe đạp trong sân, 12 nội dung (nam, nữ) của sailing, các nội dung cá nhân của trượt ván lòng máng (skelaton) hay nội dung đôi, đồng đội của xe trượt lòng máng (bobsleigh), 5 nội dung của canoeing và nhảy breaking đơn nam (B-Boys), breaking đơn nữ (B-Girls) đã có tên trong nhóm 1 về chế độ thưởng. Đó là nhiều nội dung được xuất hiện tại Olympic. Thể thao Việt Nam rõ ràng đang muốn tập trung đầu tư nhiều hơn vào những nội dung ấy nhằm tìm kiếm thêm các cơ hội phát triển tại Olympic.

Đầu tư vẫn phải tập trung

Chúng ta đã xác định mục tiêu đầu tư cho thể thao thành tích cao với nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 trước đây. Trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2045, các môn sẽ có sự điều chỉnh theo nhóm.

Trước đây, cụ thể nhóm 1 gồm môn được đầu tư chủ lực là điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật (hạng cân nhẹ), bắn súng, karate, boxing (nữ), cầu lông, bóng bàn, thể dục dụng cụ. Ngoài ra, ngành thể thao cũng xây dựng danh sách 22 môn thuộc nhóm 2 và những môn còn lại để khuyến khích phát triển (20 môn). Ở Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 (tổ chức tháng 12-2023), lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã khẳng định, thể thao thành tích cao Việt Nam muốn hướng tới đấu trường ASIAD, đạt khát vọng Olympic thì phải tập trung đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải dựa trên thực tế nguồn lực để có những sự đầu tư từng môn đi theo các chương trình thi đấu gồm SEA Games, ASIAD và Olympic.

Taekwondo luôn thuộc nhóm 1 của thể thao Việt Nam nhưng nhiều năm qua chưa đạt được HCV ASIAD và huy chương Olympic. Ảnh: D.
Taekwondo luôn thuộc nhóm 1 của thể thao Việt Nam nhưng nhiều năm qua chưa đạt được HCV ASIAD và huy chương Olympic. Ảnh: D.

Tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, đã dự tranh ở các môn bắn cung, điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, judo, rowing, bắn súng, bơi, taekwondo, cử tạ. Trong sự chuẩn bị cho Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta đã chắc suất dự các môn bơi, cử tạ, cầu lông, xe đạp nữ, bắn súng, boxing nữ, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing. Môn trọng điểm cũng sẽ chỉ được đầu tư nội dung cụ thể thì mới đạt được hiệu quả khi thi đấu quốc tế.

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.