Thứ Tư, 26/06/2024, 20:37 (GMT+7)
.
EURO 2024

Để hỗ trợ công tác trọng tài - công nghệ thôi vẫn chưa đủ

Ngày càng nhiều camera và con chip đang được sử dụng để hỗ trợ công tác trọng tài tại EURO 2024. Thế nhưng, bóng đá với vô vàn những tình huống bất ngờ vẫn cần đến sự phán quyết sắc bén của những “vị vua” sân cỏ.

Công nghệ cho thấy siêu phẩm của Depay là hoàn toàn hợp lệ. (Ảnh: Getty)
Công nghệ cho thấy siêu phẩm của Depay là hoàn toàn hợp lệ. (Ảnh: Getty)

"Cánh tay phải" đắc lực

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều công nghệ hiện đại xuất hiện ở các giải đấu lớn giúp công việc của đội ngũ trọng tài trở nên dễ dàng hơn. Tại EURO 2024, ban tổ chức đã sử dụng công nghệ “bóng kết nối”, với tính năng gần như tương tự công nghệ “snickometer” đã được áp dụng từ lâu ở môn cricket: một thiết bị ghi nhận âm thanh tiếp xúc vật lý giữa các vật thể.

Ở môn cricket, mỗi cây gậy sẽ được gắn một micro để ghi lại âm thanh tiếp xúc giữa gậy và găng tay của cầu thủ bắt bóng. Tại EURO, trái bóng thi đấu Fussballliebe được trang bị microchip cảm biến chuyển động với khả năng theo dõi mọi tiếp xúc với tốc độ 500 lần/giây.

Ở trận đấu giữa Bỉ và Slovakia vừa qua, chiếc microchip giúp trọng tài xác định va chạm rất nhỏ giữa tay của Lois Openda và trái bóng trong tình huống Romelu Lukaku ghi bàn gỡ hòa. Từ đó, trọng tài Umut Meler dễ dàng đưa ra quyết định không công nhận bàn thắng của Đội tuyển Bỉ. Vài ngày sau, “snicko” cũng giúp các trọng tài từ chối bàn thắng của Adam Hlozek trong trận đấu giữa Cộng hòa Séc và Georgia vì lỗi để bóng chạm tay.

Công nghệ giúp trọng tài dễ dàng xác định bóng chạm tay Openda. (Ảnh: Getty)
Công nghệ giúp trọng tài dễ dàng xác định bóng chạm tay Openda. (Ảnh: Getty)

Bên cạnh “snicko”, người hâm mộ, các cầu thủ và huấn luyện viên cũng đã quen với công nghệ việt vị bán tự động (SAOT). Lần đầu được đưa vào sử dụng tại World Cup 2022, SAOT giờ phổ biến rộng rãi và có mặt ở các giải đấu do UEFA tổ chức. Mới nhất, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cũng quyết định sử dụng công nghệ việt vị bán tự động trong mùa giải 2024-2025 tới đây.

Điều tích cực SAOT mang lại cơ số thời gian được rút ngắn trong việc đưa ra quyết định của các trọng tài. Với sự kết hợp của chiếc microchip trong trái bóng và một loạt các camera theo dõi vị trí của toàn bộ 22 cầu thủ, SAOT giúp các trọng tài VAR không còn phải mất thời gian kẻ vẽ những đường phức tạp. Tất cả những gì họ phải làm là tham khảo kết quả của SAOT và kiểm tra tính hợp lý của nó.

UEFA sẽ chia sẻ dữ liệu về hiệu quả hoạt động của VAR và SAOT ở cuối vòng bảng, nhưng số liệu thống kê sơ bộ cho thấy những quyết định với sự trợ giúp của SAOT chỉ mất trung bình 30 giây so với mức trung bình 70 giây trước đây. Những hình ảnh của SAOT hiển thị các bộ phận cơ thể của cầu thủ ở vào vị trí việt vị kèm giải thích cũng sẽ được hiển thị ở màn hình lớn trên sân vận động.

Còn đó nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, công nghệ hiện đại dường như là không đủ. Sau khi Lukaku thêm một lần bị từ chối bàn thắng ở trận gặp Romania, ông Ange Postecoglou - huấn luyện viên dẫn dắt Tottenham, tỏ vẻ không đồng tình với quyết định này.

“Điều khiến tôi ức chế là họ đang biến bóng đá thành lĩnh vực pháp y, với sai số chỉ vài milimet. Dù có sự hỗ trợ của SAOT, thời điểm bắt đầu chuyền bóng chính xác là khi nào? Chúng ta được thấy kết quả cuối cùng nhưng không phải là khoảnh khắc đường chuyền được thực hiện”, chiến lược gia người Australia phát biểu.

Hay như ở trận đấu giữa Pháp và Hà Lan, tranh cãi lớn nhất kể từ khi EURO 2024 đã nổ ra ở tình huống Xavi Simons bị từ chối bàn thắng vì người đồng đội Denzel Dumfries đã rơi vào vị trí việt vị. Đây là trường hợp điển hình cho thấy SAOT không thể can thiệp mà phải dựa hoàn toàn vào nhận định của trọng tài.
Tình huống gây tranh cãi ở trận Hà Lan gặp Pháp. (Ảnh: Getty)
Tình huống gây tranh cãi ở trận Hà Lan gặp Pháp. (Ảnh: Getty)
Vấn đề lớn nhất ở đây là thời gian cần thiết để đưa ra quyết định về Dumfries, trong đó câu hỏi không phải liệu hậu vệ cánh này có việt vị hay không mà là anh đã can thiệp vào tình huống bóng hay chưa. Phải mất tới gần ba phút trọng tài Anthony Taylor mới đưa ra quyết định không công nhận bàn thắng sau khi thảo luận với trọng tài VAR Stuart Attwell. Đáng chú ý, ông thậm chí còn không xem lại tình huống quay chậm vì cho rằng điều này không cần thiết.

Theo nhận định của các chuyên gia, điều có thể thấy rõ là dù Dumfries có đứng ở vị trí đó thì thủ thành Mike Maignan cũng không có cơ hội cản phá bàn thắng. Điều này đã được huấn luyện viên của Hà Lan Ronald Koeman đề cập ở buổi họp báo sau trận đấu.

“Dumfries không hề tham gia vào tình huống bóng. Cũng không phải vì Dumfries mà Maignan không thực hiện được pha bay người. Maignan đứng chôn chân ở đó không phản ứng gì vì đơn giản là cậu ấy không có cơ hội cản phá. Anh ấy sẽ không bao giờ chạm được tay vào quả bóng đó. Đó là một bàn thắng hợp lệ. Một lần nữa, Dumfries không cản trở thủ môn”, Ronald Koeman nhấn mạnh.

Ông Ronald Koeman không hài lòng với quyết định của trọng tài. (Ảnh: Getty)
Ông Ronald Koeman không hài lòng với quyết định của trọng tài. (Ảnh: Getty)

Trước truyền thông, cựu tiền vệ Cesc Fabregas cho rằng ông Anthony Taylor cần phải trực tiếp ra xem lại tình huống trong khi các cựu tiền đạo Anh Wayne Rooney và Alan Shearer đều cho rằng đây là bàn thắng hợp lệ.

“Tôi nghĩ Pháp đã gặp may. Khi bạn nhìn từ góc phía sau khung thành, rõ ràng là Maignan không thể cản phá tình huống này vì vị trí của anh ấy. Bạn cũng có thể thấy Dumfries còn cách thủ môn bao xa và anh ấy hoàn toàn không có tác động gì đến việc ra quyết định của Maignan”, Shearer nhận định.

Tình huống kể trên cho thấy công nghệ dù có hiện đại đến đâu thì vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế con người. Những công nghệ hỗ trợ hiện chỉ giúp rút ngắn thời gian xem xét những tình huống mười mươi còn ở những tình huống không rõ ràng và VAR không thể xử lý, trách nhiệm và quyền quyết định vẫn hoàn toàn nằm trong tay trọng tài chính.

Đó có lẽ cũng chính là điều mà UEFA hướng tới với những phát biểu trước thềm EURO 2024: “Chúng tôi muốn những trọng tài có cá tính mạnh mẽ và đưa ra các quyết định - đôi khi có thể không được ưa chuộng - trên sân”.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.