.

Euro 2024: Đức - Scotland (2 giờ ngày 15-6): Liệu có bất ngờ?

Cập nhật: 16:42, 14/06/2024 (GMT+7)

Mùa hè cuồng nhiệt với trái bóng tròn Euro 2024 sẽ bắt đầu trên sân Allianz Arena với trận mở màn giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Scotland. Bóng chưa lăn nhưng chiến thắng đầu tay cho đội chủ nhà là điều dễ dự báo. Vấn đề là “xe tăng” Đức sẽ thi đấu ra sao khi mà bộ khung hiện vẫn chưa định hình.

12 trận đấu gần nhất, Đức có kết quả không tốt (thua 6, thắng 4 và hòa 2). Vì thế, người Đức buộc phải nài nỉ lão tướng Toni Kroos trở lại sau 4 năm giã từ đội tuyển. Kết quả thật ấn tượng, nhất là trong trận thắng 2-0 trước đại kình địch Pháp hồi tháng 3-2024. Toni Kroos có kiến tạo ở giây thứ 7 để sao trẻ Florian Wirtz ghi bàn thắng nhanh nhất lịch sử đội tuyển Đức. Đó là một ví dụ về sự hiện diện của Toni Kroos đã có tác động tích cực đến những người xung quanh như thế nào.

a
Tinh thần đoàn kết là vũ khí của đội tuyển Đức. Ảnh: AP

Người Đức tạm thời yên tâm với hàng tiền vệ. Hàng thủ thì vẫn luôn là điểm tựa với những “bức tường” Antonio Rüdiger, Jonathan Tah di chuyển vừa quái vừa khôn. Điều đau đầu với huấn luyện viên (HLV) trẻ Nagelsmann là hàng tiền đạo, hay nói cụ thể hơn là người Đức sẽ ghi bàn như thế nào?

Đa phần các cầu thủ tấn công mà HLV Nagelsmann có trong tay đều là những hộ công và tiền đạo cánh. Về mặt lý thuyết, Füllkrug là tiền đạo cắm duy nhất trong đội tuyển Đức hiện nay. Điều thú vị, anh chàng 31 tuổi này ăn cơm đội tuyển mới được 3 năm, 16 lần khoác áo đội tuyển nhưng đã ghi tới 11 bàn, Füllkrug làm người ta nhớ đến Olivier Giroud của đội tuyển Pháp, không phải là tiền đạo xuất sắc, nhưng "mắn" bàn. Trong môi trường bóng đá châu Âu nặng toan tính và chiến thuật, rất cần những tiền đạo biết tận dụng cơ hội nhỏ nhất để giành chiến thắng.

Dự bị cho Füllkrug ở vị trí tiền đạo cắm trong sơ đồ 4-2-3-1 là Kai Havertz đang thi đấu cho Arsenal. Nhưng phong độ của “cậu Kai” (cách gọi vui của người hâm mộ Việt Nam) thiếu ổn định, được chăng hay chớ khi làm tiền đạo cắm. Mùa giải vừa rồi, HLV “pháo thủ” Mikel Arteta đã biến “cậu Kai” tài tử trở thành con dao pha khi có lúc chỉ định anh làm... hậu vệ biên trái, khi thì tiền vệ chạy cánh. Đáng ngạc nhiên là Kai Havertz đã thi đấu tròn vai, điều này giúp HLV Nagelsmann có thêm nhiều lựa chọn nếu cần xoay đội hình sang sơ đồ 3-4-2-1.

Lựa chọn ai là tiền đạo mục tiêu thực ra không quá quan trọng nếu vẫn sử dụng sơ đồ 4-2-3-1. Với sơ đồ chiến thuật này, tiền đạo cắm cơ bản sẽ làm tường, là “chim mồi”. Khả năng đội tuyển Đức ở giải này sẽ ghi bàn vào lưới đối thủ nhờ hàng tiền vệ cơ động, có xu hướng tấn công với những cầu thủ tài năng như Jamal Musiala, Gündoğan, Wirtz. Đây là cách Manchester City làm mưa làm gió ở Ngoại hạng Anh khi chưa có Erling Haaland hay Real Madrid vừa xưng vương ở Champions League. Khi không có một tiền đạo mục tiêu đúng nghĩa, cái khó là các cầu thủ phải phối hợp nhuần nhuyễn, giữ cự ly đội hình tốt, di chuyển không bóng như có giác quan thứ 6. Đây là điều đội tuyển Đức chưa thể hiện tốt và như vậy thật khó kỳ vọng người Đức sẽ ghi nhiều bàn thắng ở giải lần này.

Điều may mắn cho đội chủ nhà là họ ở vào bảng A khá dễ chịu khi Scotland, Hungary, Thụy Sĩ không phải là đối trọng đáng gờm. Scotland luôn tỏ ra nguy hiểm với những phản công nhanh, các tình huống cố định, đặc sản tạt cánh đánh đầu. Đội tuyển Đức sẽ không dại dột đua sức với Scotland vì “những chiến binh Tartan” thực ra là những vận động viên điền kinh biết đá bóng. Người Đức chỉ cần một vài đường chuyền đột phá trước vòng cấm và cả những đường chuyền cự ly trung bình là có thể tạo ra cơ hội ghi bàn. Khi người Đức đã có bàn thắng khai thông bế tắc, dù đối thủ có là Anh, Pháp, Italy... cũng rất khó để tìm bàn gỡ.

Theo qdnd.vn

.
.
.