.

Bóng đá Việt Nam: Hãy làm mọi thứ tốt đẹp hơn

Cập nhật: 16:35, 19/07/2024 (GMT+7)

Các ĐTQG đã thất bại ở phần lớn các hạng mục giải đấu quan trọng trong vài năm qua, hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa phát triển đúng như kỳ vọng; thậm chí, các giải bóng đá quốc gia cũng giảm thiểu sự cạnh tranh và tiêu cực đã xuất hiện, rồi chất lượng đào tạo trẻ xuống cấp..., có vẻ như bức tranh nền bóng đá không mấy sáng sủa.

Giới chuyên môn dự cảm, sẽ phải mất 5-7 năm nữa, với rất nhiều nỗ lực, bóng đá Việt Nam mới có thể mang sức bật trở lại. Xét bối cảnh hiện tại của nền bóng đá và của khu vực thì dự báo đó là có cơ sở.

Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro, cải thiện tình hình và có thể làm mọi thứ trở nên tốt hơn, nếu tập trung làm bóng đá thực sự. Ví như cải thiện đầu vào và chất lượng đào tạo trẻ chẳng hạn. Nếu thực hiện ngay lúc này, thì 7-10 năm sau, nền bóng đá hoàn toàn có thể hái quả ngọt, tựa như những gì chúng ta đã được hưởng lợi kể từ năm 2018, khi đào tạo trẻ Việt Nam bắt đầu làm cuộc cách mạng giai đoạn 2007-2009.

Đào tạo trẻ, bóng đá học đường, cộng đồng và bóng đá phong trào chính là nền móng, là bệ phóng của bóng đá chuyên nghiệp, và cao hơn là các cấp độ ĐTQG, tức đầu ra của nền bóng đá. Đây là quy luật, là bất di bất dịch với mọi nền bóng đá.

Kế đến, Liên đoàn bóng đá quốc gia và những người làm bóng đá cấp CLB, địa phương, ngoài việc kiện toàn hệ thống giải thi đấu quốc gia, đặc biệt là giải trẻ, thì cần phải triệt để loại bỏ tiêu cực và nâng cấp chất lượng chuyên môn. Từ U11, U13, đến U15, U17, U19, U21..., hệ thống các giải đấu tuy đã được nâng lên về số lượng và tần suất, nhưng lại giảm về chất trong nhiều năm nay. Và tiêu cực phát sinh ngay từ chính hệ thống này. Cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, không thể cẩu thả với bóng đá ngoài chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam cần căn chỉnh lại kế hoạch và mục tiêu sao cho thiết thực để trở lại tốt đẹp như giai đoạn 2018-2019. Ảnh: Hoàng Linh
Bóng đá Việt Nam cần căn chỉnh lại kế hoạch và mục tiêu sao cho thiết thực để trở lại tốt đẹp như giai đoạn 2018-2019. Ảnh: Hoàng Linh

Và suy cho cùng, phần thân, sức bật của nền bóng đá, chính là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, tức các CLB ở V-League 1 và V-League 2, khi nền bóng đá xứ sở vẫn chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ . Và đây cũng là mâu thuẫn lớn nhất của bóng đá Việt Nam từ hàng chục năm qua. Chúng ta chỉ có một giải VĐQG V-League với tính cạnh tranh không cao, chất lượng đi xuống, nhưng lại bất ngờ thành công ở đầu ra là các ĐTQG giai đoạn 2018-2022. Điều đó tạo ra những ảo giác và lầm tưởng và tâm lý tận thu.

Đó là giai đoạn đại dịch Covid-19 kéo dài và hệ thống giải thi đấu quốc gia cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gần như tê liệt. Mọi nguồn lực đều dành cho các ĐTQG. Trước đó, vốn dĩ các ĐTQG đã được thừa hưởng một vài lứa cầu thủ tốt và thuần bậc nhất trong lịch sử, từ quá trình nở rộ các Học viện và Trung tâm bóng đá giai đoạn 2007-2009, như đã đề cập ở trên.

Cải thiện chất lượng hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là yếu tố then chốt, quyết định thành bại, để hy vọng nâng cấp nền bóng đá.

Bóng đá không có khái niệm bất chiến tự nhiên thành, việc nâng số đội tham dự VCK World Cup 2026 lên con số 48, với châu Á có hơn 8 suất, phần lớn đều nghĩ rằng bóng đá Việt Nam có cơ hội rất lớn. Song thực tế là, chúng ta đã bị loại ngay vòng loại thứ 2. Trước đó, bóng đá Việt Nam cũng chưa từng ổn định trong tốp 12, thậm chí 15 nền bóng đá lớn nhất châu lục, các vị trí đủ để cạnh tranh.

Nắn lại lộ trình và phải thực tế, để có thể làm mọi thứ tốt đẹp hơn.

(Theo https://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet-nam-hay-lam-moi-thu-tot-dep-hon-20240718234008044.htm)

.
.
.