Thứ Hai, 09/09/2024, 10:36 (GMT+7)
.

Cuộc đời phi thường của Lê Văn Công

Sinh ra tại Hà Tĩnh, lập nghiệp ở quận Tân Bình, lấy vợ quê Nghệ An và hiện sinh sống tại “đất thép” Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), cuộc đời lực sĩ Lê Văn Công đẫm nước mắt nhưng phi thường.

Trong ngôi nhà khang trang tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), đôi tay Lê Văn Công không ngơi nghỉ. Anh thoăn thoắt dọn dẹp bàn ghế, rồi rót nước mời khách. Ở tuổi 40, khi nhiều vận động viên đã giã từ sự nghiệp để vun vén gia đình thì Lê Văn Công vẫn miệt mài tập luyện, vượt qua những cơn đau thấu xương bởi chấn thương. “Cử tạ đã ăn sâu vào máu, còn sức là tôi còn thi đấu”, lực sĩ quê gốc Hà Tĩnh mở đầu câu chuyện.

 Gia đình hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công.
Gia đình hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công.


Tại Paralympic Paris 2024, Lê Văn Công nâng thành công mức tạ 171kg và giành huy chương đồng. Sau hai lần hỏng tạ ở mức 176kg và 181kg, Công cười gượng như chấp nhận thực tại bản thân không còn ở đỉnh cao phong độ. Dù thành tích không bằng hai kỳ Paralympic trước nhưng Lê Văn Công cho rằng đây là tấm huy chương giá trị nhất của anh, đồng thời giúp Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại Paralympic Paris 2024. “Thi đấu xong trở về, tay phải tôi đau đến mức không thể cầm đũa ăn cơm”, Lê Văn Công cho biết.

Sau khi giành hai huy chương vàng thế giới vào tháng 5-2024, Lê Văn Công được tiêm huyết tương vào hai vai để đẩy nhanh quá trình tái tạo cơ, hồi phục chấn thương. Trước khi tập luyện, anh phải sử dụng thuốc xịt tê để giảm đau. Mỗi lần thuốc hết tác dụng, hai vai anh như bị liệt tạm thời. Lực sĩ Lê Văn Công tâm sự: “Vai phải tôi bị rách cơ, rách sụn; vai trái bị đứt dây chằng. Dù điều trị tích cực nhưng sau này việc tập luyện nặng thường xuyên khiến hai vai tôi bị chấn thương mãn tính".

Trong sự nghiệp, không ít lần Lê Văn Công vượt qua nghịch cảnh để đạt thành tích cao. Tại giải vô địch thế giới năm 2016, Lê Văn Công bị sốt siêu virus, nằm li bì cả ngày. Sau đó, anh uống thuốc hạ sốt và đẩy được thành công mức tạ 180kg để giành huy chương vàng. Đây cũng là tấm huy chương mà sau này Lê Văn Công bán đấu giá, dùng toàn bộ số tiền thu về tặng cháu bé hàng xóm điều trị bệnh hiểm nghèo.

Cuộc đời Lê Văn Công giống như một câu chuyện cổ tích. Sinh ra bị teo hai chân, anh là tâm điểm để đám bạn trêu đùa từ nhỏ. Nhưng khi kể về tuổi thơ, anh luôn biết ơn người thân, bạn bè và những người qua đường đã giúp đỡ anh. Ngày mới đến TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, Lê Văn Công phải xin cơm chay ở chùa trong 3 năm, nhưng mỗi buổi tập vẫn đẩy được 150-160kg tạ. Ngày ấy, thời gian của Công gần như kín mít với sáng đi học, chiều đi làm, tối tập cử tạ rồi đi học thêm tin học. Dù vất vả, cực nhọc đến mấy nhưng anh vẫn vươn lên làm chủ cuộc sống.

Khi được hỏi điều gì tạo nên thành công trong cử tạ, Lê Văn Công khẳng định đó là gia đình. Dù không có đôi chân lành lặn, đổi lại, Lê Văn Công hiện sở hữu nhiều thứ mà một người bình thường ao ước: Bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng Paralympic; kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới; vô địch các giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á; gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và hai con ngoan, học giỏi; ngôi nhà khang trang. Trong câu chuyện, lực sĩ Lê Văn Công nhiều lần nhắc tới và cảm ơn vợ mình (chị Chu Thị Tám)-người đã thuyết phục gia đình khi bị ngăn cấm: "Nếu không được lấy anh Công thì con sẽ ở vậy cả đời".

(Theo qdnd.vn)

.
.
.