.

Đội tuyển Việt Nam: Về lại điểm xuất phát

Cập nhật: 14:41, 13/09/2024 (GMT+7)

Mặc dù thứ hạng FIFA Ranking vẫn được xem mang tính tương đối, nhưng ít nhiều, cũng là con số có tính thực tế nhất để hình dung về vị trị của bóng đá Việt Nam trên cầu trường thế giới. Theo FIFA, hiện tại, chúng ta đã về lại mức tương đương cách đây 6 năm, lúc HLV Park Hang Seo mới đến. Nghĩa là nỗ lực tiến xa của bóng đá Việt Nam chưa đi được nhiều.
 

1. Có một điều cần phải làm rõ: Dù không tiến lên như kỳ vọng, nhưng không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đi thụt lùi. Khoảng thời gian 6 năm trước khi HLV Park Hang Seo đến, đội tuyển Việt Nam không vào chung kết AFF Cup hay SEA Games, thay đến 5 HLV trưởng khác nhau cho các đội tuyển quốc gia và U23, còn V-League luôn phải đối diện với nguy cơ "bỏ giải" của hàng loạt đội bóng, sự ngờ vực về tiêu cực ở giải đấu này chẳng khác gì thời bóng đá bao cấp.

Trong khi đó, sự sa sút của bóng đá Việt Nam chỉ diễn ra trong gần 2 năm trở lại đây, nhất là sau khi HLV Park Hang Seo kết thúc 5 năm cầm quân và chúng ta có chủ trương đổi mới lối chơi lẫn con người ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier. Đi kèm sự thay đổi ấy là cách tập trung đội tuyển, chọn lựa đối thủ đá giao hữu, đều ở tiêu chuẩn rất cao, và chúng ta phải trả cái giá khá đắt: Thua liên tục, kéo dài, đồng nghĩa với thứ hạng FIFA lao dốc không phanh.

Cũng vì kỳ vọng quá cao mà cách đánh giá về thế hệ kế tiếp có phần khắt khe. Mặc dù trong 2 năm gần đây, các đội U20 và U23 Việt Nam đều giành quyền tham dự VCK châu Á, có những kết quả tốt trước các đối thủ mạnh, điều mà trước đó chúng ta không có nhiều, nhưng dư luận vẫn không thoả mãn.

Việc liên tục so sánh với thế hệ 2014-2016 của Công Phượng, Quang Hải… càng tạo thêm áp lực cho hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ vốn đã đạt đến mức độ bão hòa về số lượng, chất lượng của các cơ sở.

Thế nên, nếu nói bóng đá Việt Nam đang thụt lùi, thì đó là so với thời đỉnh cao 2018-2020 với những cột mốc lịch sử. Còn đánh giá một cách công bằng, thì đây là giai đoạn thoái trào của chúng ta, nhưng hoàn toàn không ở mức khủng hoảng nghiêm trọng như chu kỳ 2012-2017.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, điều tồi tệ hơn vẫn có thể xảy ra, nghĩa là chúng ta có thể sa sút thêm nữa nếu như không có những lựa chọn và giải pháp đúng đắn trong thời điểm nhạy cảm này.

2. Trong bài phỏng vấn trên một trang tin quốc tế, HLV Kim Sang Sik thẳng thắn cho biết mục tiêu của ông là thành tích trước mắt, nhất là ASEAN Cup (AFF Cup) vào cuối năm nay. Hợp đồng 2 năm của nhà cầm quân người Hàn Quốc này còn bao gồm SEA Games và vòng loại Asian Cup 2027, nhưng ở tình hình hiện nay, cũng như cách đặt mục tiêu của bản thân ông Kim, thì nếu không vô địch hay vào chung kết ASEAN Cup thì mọi thứ… coi như xong.

ĐT Việt Nam có thể thua ĐT Thái Lan ở một trận đấu giao hữu cụ thể, nhưng điều này không có nghĩa chúng ta không thể thắng được đối thủ này khi gặp lại nhau ở sân chơi chính thức. Ảnh: Hoàng Linh
ĐT Việt Nam có thể thua ĐT Thái Lan ở một trận đấu giao hữu cụ thể, nhưng điều này không có nghĩa chúng ta không thể thắng được đối thủ này khi gặp lại nhau ở sân chơi chính thức. Ảnh: Hoàng Linh


Năm kỳ AFF Cup gần nhất, đội tuyển Việt Nam đều ít nhất lọt vào đến bán kết, trong đó có 2 lần vào chung kết và 1 lần vô địch đều dưới thời HLV Park Hang Seo. HLV Kim Sang Sik hẳn biết rõ và đưa ra chọn lựa hoàn toàn hợp lý.

ASEAN Cup vào cuối năm chính là chiếc mỏ neo cuối cùng để ngăn con tàu bóng đá Việt Nam không bị trôi một cách vô định. Không đạt được mục tiêu, thì chưa chắc ông Kim đã trụ nổi trên ghế HLV trưởng, và lúc đó, bóng đá Việt Nam có lẽ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài xới tung mọi thứ để làm lại.

Câu hỏi đặt ra: tại sao không phải là bây giờ? Tại sao phải đợi đến khi thất bại thì mới làm lại?

Những gì diễn ra trong 1 năm của triều đại HLV Troussier là bài học đắt giá. Khát vọng của chúng ta là tốt. Chiến lược trẻ hóa và cải thiện lối chơi cũng chẳng sai. Yêu cầu người hâm mộ kiên nhẫn, cũng đúng.

Thế nhưng chúng ta chẳng có nền tảng gì để thực hiện cả. Giữa cái chúng ta muốn và những gì đang có, là khoảng cách rất xa. Nói cách khác, có muốn "làm lại" thì cũng phải cần cơ sở, nền tảng chứ không phải cứ hô hào hay đưa hàng chục cầu thủ trẻ vào đội tuyển Việt Nam rồi chờ 2-3 năm là được.

3. Sự sa sút của đội tuyển Việt Nam nếu đặt trong bối cảnh Đông Nam Á, cũng là bình thường. Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại LPBank Cup 2024 vừa qua trước Thái Lan chẳng nói lên điều gì ngoài việc bóng đá Đông Nam Á vẫn đang "mắc kẹt" với các vấn đề có từ trước đến nay.

Indonesia có phải là biểu tượng cho sự trỗi dậy hay không khi có 2 trận hòa trước những đội rất mạnh như Saudi Arabia và Australia? Chưa chắc.

Ở 2 trận đấu đó, đội bóng Đông Nam Á vẫn phải chơi thế trận mà ai cũng thấy, là từ hòa đến thua. Không có "cửa" thắng. Mọi cơ hội tạo ra bất ngờ chủ yếu dựa trên sức chịu đựng của hàng phòng ngự, mà điều này, chỉ là vấn để thời gian.

Bóng đá Indonesia tiến bộ, chắc chắn là như vậy, nhưng đó là kết quả của một giải pháp ngắn hạn, cực đoan hơn là tầm nhìn chiến lược. Khi LĐBĐ Indonesia ký hợp đồng với HLV Shin Tae Yong hồi năm 2021, ông này được giao xây dựng đội tuyển Indonesia từ lứa U20.

Đó là lý do mà nhà cầm quân từng dự World Cup liên tục xuất hiện chỉ đạo ở các đội U22, U23, Olympic và đội tuyển quốc gia. Nhưng rốt cục, thành công hiện tại của Indonesia lại đến từ những cầu thủ ngoại kiều được nhập tịch ồ ạt. Và nếu điều đó đang được thực hiện như ý, thì chẳng có lý do gì để Indonesia dừng lại và sử dụng nguồn lực trong nước.

Cách làm của Indonesia có thể là những gì mà họ rút ra được từ các nỗ lực không biết mệt mỏi nhưng chưa đi đến đâu của bóng đá Thái Lan. Nhìn vào một trận đấu cụ thể, thì Thái Lan có thể chơi thứ bóng đá chất lượng hơn phần còn lại của Đông Nam Á, nhưng xét trên thành tích của 30 năm đứng đầu khu vực, thì đến nay, mục tiêu gần nhất mà Thái Lan có thể làm tốt cũng chỉ là chiếc Cúp vô địch ASEAN Cup mà thôi.

Con đường để vào tốp đầu châu Á của Thái Lan còn phải thêm nhiều thập niên nữa. Phải chăng vì thế mà Indonesia buộc phải chọn con đường tắt?

Có thể HLV Kim Sang Sik không có nhiều kinh nghiệm như người đồng hương Park Hang Seo, nhưng trước khi sang Việt Nam, họ là những người xuất thân ở môi trường bóng đá Hàn Quốc vốn có đẳng cấp cao hơn hẳn so với bình diện Đông Nam Á.

Từ góc nhìn đó, họ cũng biết bóng đá Việt Nam đang ở đâu, mình nên làm gì, đặt mục tiêu ra sao. Những gì mà ông Kim đang trải qua, có lẽ cũng đã nằm trong dự liệu của ông.
 

HLV Troussier có lý khi không sử dụng các cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo khi mà động lực thi đấu của họ đã cạn. Nhưng mong muốn cải tổ đội tuyển Việt Nam của nhà cầm quân người Pháp lại không có đủ nguồn lực để tạo ra thành công.

Cố gắng tập hợp một nhóm cầu thủ trẻ rồi rèn luyện họ trở thành tập thể có sức cạnh tranh quốc tế trong khi thiếu nguồn bổ sung chỉ là cách thắp thêm vài ngọn nến trong một căn phòng… mất điện. Về cơ bản, sẽ chẳng đi đến đâu.

 

(Theo https://thethaovanhoa.vn/doi-tuyen-viet-nam-ve-lai-diem-xuat-phat-20240912223545314.htm)

.
.
.