Bóng đá Việt Nam: Bao giờ "con tim sẽ vui trở lại"?
Các cấp Đội tuyển Bóng đá Việt Nam gần như đã đánh mất đi “hiệu ứng Thường Châu” khi các khán đài - nơi có những cầu thủ Việt Nam thi đấu trên sân nhà trở nên trống vắng.
Trong sự mất niềm tin ấy, chưa cần thành tích, chỉ cần thái độ thi đấu hết mình của của các cầu thủ Việt Nam hy vọng là bầu không khí, sự quan tâm đến bóng đá Việt Nam sẽ tăng lên. Để có được điều này thì rất cần một sự cải tổ thực sự để kéo người hâm mộ quay trở lại với các “Chiến binh sao vàng”.
MẤT ĐI “HIỆU ỨNG THƯỜNG CHÂU”
Thành công khi vào đến trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc đã giúp cho bóng đá Việt Nam lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ sau một thời gian mất sức hút. “Hiệu ứng Thường Châu” thực sự đã tạo nên “cú hích” lớn cho bóng đá Việt Nam. Nhiều sự đầu tư lớn đã được triển khai để đưa bóng đá Việt Nam đi lên với những mục tiêu rất lớn.
Hiệu ứng đó đã đưa nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại để có thể gia tăng sức mạnh cho Đội tuyển Việt Nam nhằm hướng tới những mục tiêu xa hơn như World Cup. “Hiệu ứng Thường Châu” cũng đã mang đến những kết quả cụ thể đáng khích lệ như: Đội tuyển Việt Nam có lần thứ 2 Vô địch AFF Cup sau 10 năm kể từ năm 2008; vào đến Bán kết ASIAD, đến Tứ kết ASIAN Cup, 2 lần đoạt Huy chương Vàng (HCV) SEA Games liên tiếp, vào đến vòng loại thứ 3 World Cup…
Các cầu thủ Việt Nam sẽ cần phải thi đấu tốt hơn để mang lại niềm vui người hâm mộ. Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Nhưng dù vậy, “hiệu ứng Thường Châu” đã không được tận dụng một cách tốt nhất. Hiệu ứng này dần hạ nhiệt và thành tích của bóng đá Việt Nam cũng dần đi xuống. Sau chức Vô địch AFF Cup năm 2018, Đội tuyển Việt Nam liên tiếp thất bại ở 2 giải đấu tiếp theo vào năm 2020 và 2022. Cùng với đó, sự rời đi của Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo cũng để lại một khoảng trống quá lớn mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể bù đắp.
Lứa trẻ của bóng đá Việt Nam chơi khá ấn tượng với 2 HCV SEA Games liên tiếp. Nhưng ở SEA Games 32 thì các cầu thủ trẻ đã hụt hơi khi các đàn anh từng tạo nên kỳ tích ở Thường Châu đã không còn góp mặt và bị loại ở bán kết. Việc thiếu đi nguồn bổ sung chất lượng, Đội tuyển Việt Nam trở nên loay hoay dưới thời HLV Troussier khi đội tuyển gần như chơi không có một chiến thuật rõ ràng nào với các trụ cột chấn thương hoặc xuống phong độ. Để rồi, chiến dịch vòng loại World Cup 2026 của Đội tuyển Việt Nam đã thất bại, trong đó có 2 trận thua khó quên khi đối đầu Indonesia. Ở U23 châu Á năm 2024, U23 Việt Nam cũng dừng bước ở tứ kết khi chỉ đạt chỉ tiêu mà không để lại dấu ấn nào.
Những thất bại liên tục của bóng đá Việt Nam phần nào góp phần tạo nên những hiệu ứng không tốt. Các khán đài nơi các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam thi đấu gần đây trở nên trống vắng. Ở loạt trận giao hữu của Đội tuyển Việt Nam với Nga và Thái Lan tại “chảo lửa” Mỹ Đình trở nên vắng lặng. Nhiều khán đài trống trãi không có người hâm mộ, một “hiện tượng” hiếm thấy khi Mỹ Đình luôn “trẩy hội” mỗi lần Đội tuyển Việt Nam ra sân dù giao hữu hay chính thức.
Hay gần nhất là Vòng loại U20 châu Á, U20 Việt Nam được thi đấu trên sân Lạch Tray cũng là một “chảo lửa” của bóng đá Việt Nam nhưng ở các khán đài vẫn có nhiều chỗ trống. Việc khán giả đến sân ít cho thấy phần nào sức hút của các cấp Đội tuyển Việt Nam đang giảm một cách rõ rệt. Có thể nói rằng, “hiệu ứng Thường Châu” đến thời điểm hiện tại phần nào đã hết tác dụng. Ngay cả những người tạo nên hiệu ứng này như HLV Park Hang-seo cũng đã rời đi, các cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy… cũng không còn ở phong độ cao nhất mà vẫn chưa có thế hệ kế cận chất lượng. Và điều đáng tiếc nhất nơi người hâm mộ là “hiệu ứng Thường Châu” đã không được tận dụng một cách tối ưu.
LÀM MỚI TỪ NHỮNG NGƯỜI CŨ
Thực tế trên đang đặt lên vai HLV Kim Sang-sik không ít áp lực. Nhưng HLV người Hàn Quốc cũng có nguy cơ rơi vào vòng lẩn quẩn như người tiền nhiệm khi ông vẫn chưa có nhiều chất liệu mới. Tuy nhiên, ở danh sách triệu tập cầu thủ mới nhất, bên cạnh HLV Kim Sang-sik gọi trở lại nhiều cầu thủ “cựu binh” như Văn Quyết, Hồng Duy… thì vị HLV này cũng đã “trẻ hóa” Đội tuyển Việt Nam khi có thêm nhiều nhân tố trẻ trung trong đội hình tập trung dịp FIFA Days tháng 10-2024 so với lần hội quân trong tháng 9. HLV Kim Sang-sik đang nỗ lực lồng ghép người trẻ vào Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 vì rất cần luồng sinh khí mới.
Các cầu thủ Việt Nam sẽ cần phải thi đấu tốt hơn để tăng sức hút với người hâm mộ. Ảnh: Vietnamnet.vn |
HLV Kim Sang-sik chỉ gọi Văn Trường và Vĩ Hào, những cầu thủ U23 khi Đội tuyển Việt Nam tập trung tháng trước, thời điểm đó, HLV người Hàn Quốc trao nhiều cơ hội thi đấu cho hai cái tên này khi gặp Nga và Thái Lan. HLV Kim Sang-sik không ngại “cài cắm” cầu thủ trẻ vào đội hình nhiều cầu thủ kinh nghiệm, giúp những gương mặt trẻ thêm cơ hội trưởng thành.
Đến tháng 10, HLV Kim Sang-sik đã làm dày lên trong bản danh sách của mình những cầu thủ trẻ. Ngoài Vĩ Hào và Văn Trường, mọi tuyến đều có cầu thủ trẻ. Trong khung thành, HLV Kim Sang-sik gọi Trung Kiên là gương mặt mới so với những Văn Lâm, Văn Việt hay Nguyễn Filip. Vị trí của Trung Kiên trước đó thường được trao cho Đình Triệu (Hải Phòng) và mới đây là Xuân Hoàng (Thanh Hóa). HLV Kim Sang-sik đã cân bằng trong danh sách hội quân 2 thủ môn trẻ và 2 thủ thành kỳ cựu lần này.
Ở hàng hậu vệ, Tuấn Dương được gọi chính thức chứ không là phương án thay thế cho Bùi Hoàng Việt Anh bất đắc dĩ gặp chấn thương không thể tập trung tháng trước. Phong độ của trung vệ Công an Hà Nội được đánh giá rất ổn. Tuấn Dương được kỳ vọng sẽ đủ sức thay cho những cái tên kỳ cựu trên tuyển như Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng. Việc nhận án phạt nguội do chơi rắn vừa qua có thể là bài học đắt giá cho sự trưởng thành của trung vệ Công an Hà Nội. Cầu thủ 22 tuổi có khát khao, ý thức cống hiến, nhưng vẫn cần giữ cái đầu lạnh khi thi đấu đỉnh cao.
Trên hàng tiền vệ, nhiều cổ động viên không bất ngờ khi HLV Kim Sang-sik gọi trở lại Khuất Văn Khang. Cầu thủ 21 tuổi có thể chơi đa năng bên hành lang cánh lẫn tiền vệ trung tâm. Văn Khang nhiều khả năng sẽ được chơi rất nhiều trong thời gian tới, trong hoàn cảnh hậu vệ trái thực thụ như Hồng Duy hay sai lầm. Vị trí hậu vệ trái là nơi HLV Kim Sang-sik bất an vì không có nhiều lựa chọn.
Hàng tiền vệ, Văn Trường cũng cần xứng đáng hơn với sự tin tưởng không ngừng của HLV Kim Sang-sik, bởi cầu thủ này có đóng góp tích cực cho chiến thắng của đội bóng Hà Nội FC - nơi anh thi đấu.
Văn Trường cùng Văn Khang đã được chú ý từ nhiều năm qua, điển hình là việc chơi cùng nhau liên tục ở các đội tuyển trẻ Việt Nam qua các giải đấu lớn. Mức độ trưởng thành của cả hai cầu thủ này vẫn chưa được như kỳ vọng và họ cần ý thức về sự cầu tiến trong nghề nghiệp.
Lần trở lại đội tuyển này của Thái Sơn cũng mang nhiều ý nghĩa cho chàng trai Thanh Hóa. Thái Sơn sẽ thế chỗ Hai Long (Hà Nội FC) khi Hai Long không đáp ứng được yêu cầu của HLV Kim Sang-sik. Sau thời của HLV Troussier, Thái Sơn không còn được liên tục lên đội tuyển và lần này, cầu thủ 21 tuổi hiểu mình phải làm gì để tranh thủ thuyết phục HLV Kim Sang-sik. Thái Sơn cùng Văn Trường và Văn Khang là 3 tiền vệ trong độ tuổi 21, trẻ bậc nhất Đội tuyển Việt Nam hiện tại.
Cầu thủ trẻ nhất đội tuyển bây giờ là Đình Bắc nhưng đã phải gánh vác trách nhiệm rất lớn trên hàng công. HLV Kim Sang-sik nhiều khả năng sẽ dùng Đình Bắc sau khi chứng kiến cầu thủ này nhiệt huyết tại Công an Hà Nội. Đình Bắc có thể kết hợp với những tiền đạo hơn mình 1 tuổi là Vĩ Hào và Quốc Việt để tạo thành “mũi đinh” ba trẻ trung trên hàng công Đội tuyển Việt Nam. Khả năng vào sân tác hợp với nhau của bộ ba này là rất cao trong tính toán HLV Kim Sang-sik. Lúc này, ngoài Tiến Linh là lựa chọn hàng đầu, Văn Quyết, Văn Toàn cũng phải cho thấy năng lực của mình trên đội tuyển.
Khi HLV Kim Sang Sik cần thổi luồng sinh khí mới vào đội bóng, đây là lúc người trẻ thể hiện mình và khi AFF Cup 2024 đang cận kề, thời gian là làm việc với HLV Kim Sang-sik lúc này là rất quý giá.
GIAI NGHI - H.NGHỊ