Thứ Sáu, 18/10/2024, 13:58 (GMT+7)
.

Đội tuyển Việt Nam: Cần sự khát khao từ cầu thủ

Đội tuyển Việt Nam tiếp tục rớt hạng trên bảng xếp hạng FIFA đánh dấu chuỗi đi xuống của bóng đá Việt Nam so với bóng đá khu vực và thế giới. Việc bao giờ bóng đá Việt Nam trở lại vị thế cao nhất của mình là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đội tuyển  Việt Nam đang cần khát khao lớn từ các cầu thủ để có thể quay trở lại quỹ đạo  đi lên.  Ảnh: Vietnamnet.vn
Đội tuyển Việt Nam đang cần khát khao lớn từ các cầu thủ để có thể quay trở lại quỹ đạo đi lên. Ảnh: Vietnamnet.vn

Việc chỉ hòa 1-1 trước Ấn Độ khiến cho chuỗi trận không giành được chiến thắng của Đội tuyển Việt Nam dưới thời Huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik kéo dài. Việc này cũng khiến cho Đội tuyển Việt Nam tiếp tục bị tuột hạng ở bảng xếp hạng FIFA.

Cụ thể, FIFA vừa công bố bảng cập nhật thứ hạng và Đội tuyển Việt Nam tiếp tục tuột 3 bậc từ vị trí 116 xuống 119. Vị trí này cách khá xa vị trí thứ 98 mà Đội tuyển Việt Nam từng đạt được. Hiện tại, Đội tuyển Việt Nam đang kém “kình địch bóng đá khu vực” là Thái Lan 23 bậc khi “Voi chiến” nhiều khả năng sẽ lên vị trí 96 thế giới. Đội tuyển Việt Nam là đội tuột hạng nhiều nhất ở khu vực châu Á và trong tốp 4 đội hàng đầu tại Đông Nam Á. Vị trí 119 cũng là vị trí thấp nhất của bóng đá Việt Nam từ năm 2017 đến nay.

Những thành tích không khả quan của Đội tuyển Việt Nam thời gian qua là hệ quả rõ ràng của việc liên tục chuyển giao HLV. Tính từ HLV Park Hang-seo rời đi, Đội tuyển Việt Nam đã có liên tiếp 2 HLV với những trường phái chơi bóng khác nhau. Chiến thuật thay đổi liên tục khiến cho Đội tuyển Việt Nam cần thời gian để định hình.

Chiến thuật thay đổi liên tục nhưng số lượng nhân sự của Đội tuyển Việt Nam khá hạn chế. Việc tìm những nhân tố mới trong thời gian qua của các cấp đội tuyển Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi chưa có cầu thủ nào thật sự nổi bật. Việc tìm nhân tố mới đã khó, nhưng việc các cầu thủ trụ cột hiện tại giữ phong độ còn khó hơn.

Nhiều cầu thủ Việt Nam đã không còn ở phong độ đỉnh cao khi chỉ còn là những “chiếc bóng” của chính mình. Dù truyền thông vẫn đưa tin Việt Nam có những tiền đạo được định giá triệu đô nhưng màn trình diễn tại đội tuyển rất thiếu thuyết phục và trái ngược hoàn toàn khi được chơi ở câu lạc bộ.

Một vấn đề khác cũng không biết là đáng lo hay đáng mừng khi các cầu thủ Việt Nam nổi tiếng rời các sân chơi đỉnh cao hơn để về các sân chơi thấp hơn. Nhiều cầu thủ như Văn Lâm, Công Phượng, Hoàng Đức… chọn thi đấu cho các đội hạng Nhất.

Một bước đi xuống mới của V-League hay hạng Nhất đang hấp dẫn hơn sẽ cần giải đấu diễn ra để trả lời. Nhưng việc những ngôi sao chọn chơi ở những đấu trường dễ thở hơn so với môi trường đỉnh cao đã làm nên sự nghiệp là điểm đáng chú ý.

Mặt khác, động lực thi đấu đỉnh cao của các trụ cột Đội tuyển Việt Nam cũng là điều mà các cổ động viên quan tâm. Như trả lời báo chí mới đây trên VnExpress, Hoàng Đức cho rằng “Không chỉ cầu thủ, với nhiều nghề khác thì kinh tế rất quan trọng”.

Cầu thủ từng 2 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam đã chọn gia nhập đội bóng mới với lý do thiên về “tiền” nhiều hơn để có kinh tế tốt cho cuộc sống sau này. Vậy động lực thi đấu đỉnh cao và khát khao danh hiệu ở câu lạc bộ và ở đội tuyển như thế nào thì chỉ có cầu thủ này mới biết.

Còn đối với thủ thành hàng đầu của Việt Nam là Văn Lâm, chọn gia nhập Câu lạc bộ trẻ TP. Hồ Chí Minh vì muốn gần gia đình. Nhưng việc Văn Lâm được luân chuyển thi đấu cho Ninh Bình khiến cho lý do của thủ thành này trở nên khó hiểu.

Đội tuyển Việt Nam hiện tại có lẽ không chỉ thiếu nhân sự, một chiến thuật phù hợp, mà còn có phần thiếu đi những khát khao nơi cầu thủ. Không thể phủ nhận, cuộc đời của cầu thủ rất ngắn nhưng việc mất đi khát khao cần thiết ở độ tuổi tốt nhất của mình thì bóng đá Việt Nam sẽ cần có những giải pháp tốt hơn nữa.

Chỉ còn 4 năm nữa chu kỳ 10 năm (nếu tính từ chức vô địch AFF Cup 2018) sẽ lại đến. Liệu với tình hình như hiện tại vẫn kéo dài thì chu kỳ nói trên có đến được không hay bóng đá Việt Nam sẽ tạo nên một mốc chu kỳ mới dài hơn.

GIAI NGHI

 

.
.
.