Hướng đi đã mở
Sau những kết quả đáng thất vọng ở hai kỳ Olympic gần nhất, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục - thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng giúp thúc đẩy thể thao nước nhà phát triển.
Thể thao Việt Nam cần sớm xác định những nội dung thế mạnh để tập trung đầu tư trọng điểm. |
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục-thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau hơn một thập niên triển khai, các chỉ tiêu lớn đề ra cơ bản đã hoàn thành, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của thể thao nước nhà.
Trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Thể thao Việt Nam cần xây dựng, triển khai một chiến lược mới, nhằm tận dụng tốt thời cơ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tiếp cận mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng lĩnh vực, sẽ giúp chúng ta thuận lợi vượt qua những khó khăn, thách thức thực tế trong giai đoạn tới đây.
“Việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục-thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần đưa thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đây có thể xem là kim chỉ nam cho toàn ngành trong việc xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững và chuyên nghiệp”, Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Cụ thể, Chiến lược xác định rõ một trong những mục tiêu cần đạt được, đó là phong trào thể dục-thể thao cho mọi người phải phát triển rộng khắp. Trong đó, số người tập luyện thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt hơn 45% dân số; hơn 90% số học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; hầu hết đơn vị hành chính cấp xã cho đến địa bàn ở cơ sở (gọi chung là thôn, tổ dân phố) và khu dân cư có câu lạc bộ thể thao cơ sở.
Thể thao thành tích cao duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và top 20 tại các kỳ ASIAD. Việt Nam phấn đấu đạt từ năm đến bảy huy chương vàng tại đấu trường châu lục, cạnh tranh huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Bóng đá nam hướng đến top 10 châu Á và bóng đá nữ phải lọt vào nhóm tám đội mạnh nhất châu lục.
Về bài toán cơ sở vật chất, Việt Nam phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ ba công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi). Các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khu đô thị có ít nhất một thiết chế thể thao hoặc một điểm tập luyện thể dục-thể thao công cộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tạo bước chuyển biến cơ bản cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao... Đặc biệt, cần thúc đẩy hoạt động kinh tế thể thao tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục-thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong nước.
Như nhận định của ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao I (Cục Thể dục-Thể thao), không chỉ đề ra các mục tiêu cụ thể, Chiến lược cũng đề cập toàn diện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện, từ việc phát triển thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp đến việc bảo tồn phát triển các môn thể thao dân tộc, huy động nguồn lực phát triển, thúc đẩy kinh tế thể thao hay ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển y tế thể thao...
Với mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao, Chiến lược nêu rõ: Cần khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của đất nước. Chúng ta cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn. Phải ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.
Chiến lược phát triển thể dục-thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu thể thao thành tích cao nước ta thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và top 50 tại các kỳ Olympic. |
Trong năm 2024, ngành thể thao đã vạch ra nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn để phát triển thể thao thành tích cao. Mỗi giai đoạn tương ứng từng mức kinh phí khác nhau.
Giai đoạn 2024 - 2026 cần mức kinh phí từ 800-850 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn 2027 - 2030 cần mức kinh phí 850 - 900 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn kinh phí trên sẽ được huy động từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá. Ước tính, tới năm 2030, thể thao Việt Nam cần khoảng 6.000 tỷ đồng để nâng cao thành tích ở đấu trường ASIAD và Olympic.
Mức đầu tư trên dành cho thể thao thành tích cao là số tiền không quá lớn. Con số này thấp hơn mức đầu tư của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ giờ đến năm 2025, các chuyên gia và các nhà quản lý thể thao trong nước sẽ phân tích và xác định sớm các nhóm môn, để xây dựng chính sách ưu tiên cụ thể cho những đối tượng cần được đầu tư trọng điểm.
Sau khi chiến lược phát triển đã được phê duyệt, việc còn lại cần làm đó là tập trung toàn lực để thực thi một cách hiệu quả nhất.
(Theo nhandan.vn)