Thứ Năm, 24/10/2024, 16:06 (GMT+7)
.

Nhìn từ lệnh cấm quốc tế với billiards Việt Nam và câu chuyện của Liên đoàn, Hiệp hội

Ngày 16-10 vừa qua, Liên đoàn Billiards thể thao thế giới (WCBS) quyết định đình chỉ một năm đối với Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF). Theo đó, VBSF không được tham gia các hoạt động quốc tế.

Liên tiếp thời gian qua, VBSF nhận được các văn bản thông cáo từ một số Liên đoàn, tổ chức thể thao billiards qua đó cấm nhiều cơ thủ tham gia thi đấu. Tháng 7 năm nay, Liên đoàn thể thao billiards châu Á (ACBS) ra lệnh cấm tất cả quan chức, VĐV, HLV thuộc VBSF tham gia các hoạt động, giải đấu do ACBS tổ chức và các giải của các Liên đoàn pool thế giới (WPA) và Liên đoàn billiards & snooker quốc tế (IBSF) tổ chức trong 6 tháng. Đến tháng 9, Liên đoàn billiards carom thế giới (UMB) cấm thi đấu trong 1 năm đối với 27 cơ thủ Việt Nam. Kế tiếp, Liên đoàn billiards pool thế giới (WPA) vừa có lệnh cấm 87 cơ thủ khác của Việt Nam tại nội dung pool.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ một 1 giải đấu quốc tế tổ chức ở Hà Nội nhưng không được các tổ chức billiards & snooker mà VBSF là thành viên công nhận. Thế là từ VĐV đến tổ chức quản lý là VBSF đều… "chịu đòn". Các cơ thủ của Việt Nam nằm trong danh sách bị cấm WPA cũng sẽ không thể dự giải vô địch Pool - Snooker Cúp quốc gia VBSF năm 2024 tổ chức từ ngày 21 đến 25-10. Đây là giải đấu do VBSF tổ chức.

Phía Cục TDTT cũng đã làm việc với đại diện VBSF để tìm cách tháo gỡ. Hiện tại, các văn bản pháp quy cơ quan quản lý Nhà nước để về xử lý các sự việc cụ thể mà VBSF gặp phải là chưa có. Nên có thể nói là chúng ta hoàn toàn bị động, lúng túng trong giải quyết, trước mắt bắt buộc phải tuân thủ những lệnh cấm từ các tổ chức cấp trên.

Các cơ thủ Việt Nam như Lường Đức Thiện đều biết rõ hậu quả khi tham dự những giải đấu không được sự cho phép của WCBS. Ảnh: Hiển Trần
Các cơ thủ Việt Nam như Lường Đức Thiện đều biết rõ hậu quả khi tham dự những giải đấu không được sự cho phép của WCBS. Ảnh: Hiển Trần


Có thể nguyên nhân lớn nhất nằm ở vai trò và trách nhiệm của các Liên đoàn trong việc thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước điều hành các môn thể thao. Như trường hợp cụ thể của VBSF, họ là đơn vị đại diện chính thức và duy nhất của billiards & snooker, nhưng thực tế là khá nhiều cơ thủ lại đang là thành viên của một số tổ chức quốc tế khác. Kế đến, một số giải đấu quốc tế diễn ra ngay tại Việt Nam nhưng VBSF lại không biết, không cấp phép, thế nên khi có chuyện thì chỉ biết …chịu trận.

Chưa nói đến chuyện truy cứu trách nhiệm, nhưng thực tế trong việc quản lý VĐV rõ ràng là phức tạp hơn nhiều so với công việc của VBSF. Từ đó mới đặt câu hỏi: liệu sự tồn tại của một tổ chức như VBSF có cần thiết không? Bởi vì như đã thấy, VĐV billiards & snooker của Việt Nam vẫn thi đấu quốc tế ở các giải đấu diễn ra ngay tại Việt Nam mà VBSF không thể can thiệp. Khi xảy ra chuyện, hệ lụy khá lớn. Như việc các tay cơ hàng đầu không thể thi đấu tại Cúp quốc gia, một giải đấu mà về lý thuyết là nơi để tìm kiếm VĐV hàng đầu cho các môn thể thao.

Từ chuyện này, bàn xa hơn một chút, sẽ thấy có những vấn đề khác của các tổ chức như Liên đoàn/Hiệp hội thể thao tại Việt Nam. Gần như môn nào cũng có đơn vị đại diện này nhưng chưa thấy ai nói kỹ, bàn sâu về vai trò, trách nhiệm hay thậm chí là tính chính danh của họ.

Có những Liên đoàn, phải đến khi tổ chức Đại hội nhiệm kỳ thì mới biết đến sự tồn tại. Có những Liên đoàn, hoãn Đại hội đến 3-4 lần mà cũng chẳng sao. Thực tế thì có khá nhiều môn thể thao tại Việt Nam mỗi năm chỉ diễn ra 1-2 giải đấu cấp quốc gia, và chỉ trong vài ngày. Đó gần như là hoạt động duy nhất mà người ta thấy được vai trò của Liên đoàn.

Tuy nhiên, nếu chỉ cần như vậy thì trước khi Liên đoàn ra đời, thì các bộ môn của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn tổ chức và điều hành đấy thôi.

(Theo https://thethaovanhoa.vn/nhin-tu-lenh-cam-quoc-te-voi-billiards-viet-nam-va-cau-chuyen-cua-lien-doan-hiep-hoi-20241023215835888.htm)

.
.
.