.

Cần giải pháp đột phá trong phát triển thể thao thành tích cao

Cập nhật: 16:13, 17/11/2024 (GMT+7)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là chiến lược). Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược, ngành thể thao cần có giải pháp mang tính đột phá.

Lộ trình rõ ràng, mục tiêu cụ thể

Bóng đá nữ, bóng đá nam futsal đã có mặt tại World Cup, bao giờ đến lượt bóng đá nam? Theo chiến lược, mục tiêu của bóng đá nam tới năm 2030 là có mặt trong tốp 10 châu Á, tới năm 2045 là tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup. Thực tế vào tháng 11-2022, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 9, nhiệm kỳ 2022-2026 đã xác định mục tiêu: Bóng đá nam hướng tới tham dự World Cup 2030.

Là môn thể thao vua, bóng đá tiếp tục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển bóng đá nói chung và các đội tuyển bóng đá nam nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch VFF cho rằng, trong nhiều bất cập về phát triển bóng đá ở Việt Nam có thể kể tới việc chưa có sự chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và quyết liệt trong các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá trẻ tại các câu lạc bộ vẫn có nhiều điểm khác nhau; chậm áp dụng khoa học-công nghệ trong công tác đào tạo, quản lý, huấn luyện bóng đá và xây dựng dữ liệu chuyên môn... Từ những khó khăn trên, ông Trần Anh Tú đề xuất: “Bóng đá Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế; ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá; phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá; chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế”.

Trần Thị Nhi Yến (số đeo 558) là tài năng triển vọng của điền kinh Việt Nam. Ảnh: VIỆT AN
Trần Thị Nhi Yến (số đeo 558) là tài năng triển vọng của điền kinh Việt Nam. Ảnh: VIỆT AN


Là môn thể thao trọng điểm, bắn súng được xem là chủ lực để thể thao Việt Nam (TTVN) gặt hái thành tích tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Olympic. Bà Huỳnh Phương Loan, Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cho rằng, bắn súng là môn thể thao mũi nhọn tranh huy chương của TTVN nhưng chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đầu tư tập luyện, đào tạo chuyên sâu, tập huấn và thi đấu quốc tế cho vận động viên (VĐV) bắn súng trẻ triển vọng, có thành tích tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 2025, ASIAD 2026 và Olympic 2028; phấn đấu có huy chương tại ASIAD 2026 và Olympic 2028.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, để điền kinh Việt Nam thực hiện tốt những mục tiêu trong chiến lược, cần xây dựng riêng đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Để đào tạo một VĐV điền kinh từ năng khiếu đến thành tích cao phải mất từ 8 đến 10 năm. Nếu xây dựng đề án với 2 cột mốc 10 năm là hợp lý với đặc thù phát triển thành tích của điền kinh để có một kế hoạch tổng thể, một lộ trình khép kín và vững chắc nhằm phát triển môn điền kinh đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, điền kinh cần xây dựng một kế hoạch kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện các kế hoạch, đề án trong lộ trình thực hiện chiến lược một cách xuyên suốt.

Lấy ASIAD làm trọng tâm

Luôn trăn trở với những thành tích không tốt của TTVN trong hai kỳ Olympic vừa qua, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng, TTVN cần phải lấy ASIAD làm trọng tâm, thay vì tập trung vào SEA Games như giai đoạn trước. Ông Minh thẳng thắn: “Mặt trái của SEA Games là phụ thuộc vào các quốc gia tổ chức. Chúng ta phụ thuộc vào SEA Games sẽ dẫn đến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Đừng nên đặt mục tiêu tốp 2, tốp 3 SEA Games nữa. TTVN phải hướng tới đầu tư và giành thành tích ở ASIAD hay Olympic đối với môn bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, bóng bàn hay một số môn võ. Sau khi đặt ra mục tiêu rõ ràng, chúng ta phải thống nhất hệ thống liên thông đào tạo VĐV cho các mục đích ở cả SEA Games, ASIAD và Olympic. Sự liên thông đó sẽ giúp trung tâm ở các sở có chủ trương đầu tư con người đúng đắn, đặc biệt cho các sân chơi lớn”.

Theo các chuyên gia, TTVN cần xác định môn thể thao trọng điểm, nội dung thi đấu trọng điểm để đầu tư, tập huấn. Xây dựng giải pháp trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá, như: Thuê chuyên gia giỏi, tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tăng cường thi đấu quốc tế, xây dựng cơ chế đặc thù cho huấn luyện viên, VĐV trọng tâm, trọng điểm... Đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất-kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Các liên đoàn thể thao chuyên nghiệp đóng vai trò điều phối và tổ chức những giải đấu, cũng như bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động thể thao.

Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho rằng, phát triển thể dục, thể thao là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, là một trong những nhiệm vụ kinh tế-xã hội quan trọng, cần huy động sự tham gia chủ động và tích cực của mọi nguồn lực xã hội. “Muốn thực hiện những mục tiêu trong chiến lược, đầu tiên phải có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, thống nhất về định hướng đầu tư thể thao, các môn thể thao trọng điểm Olympic, cũng như có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện cơ sở vật chất, huấn luyện viên, chế độ, chính sách cho VĐV, từ đó mới có thể thu hút nhân lực. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học-công nghệ, chú trọng phát triển kinh tế thể thao sẽ tạo bước đột phá trong đào tạo và thi đấu của thể thao nước nhà", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Mục tiêu đến năm 2030, thể thao thành tích cao Việt Nam duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 5 đến 7 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á. Tới năm 2045, thể thao thành tích cao Việt Nam thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup”.

 

(Theo qdnd.vn)

.
.
.