5 sự kiện Thể thao Việt Nam nổi bật năm 2024
Năm 2024 đã khép lại và thay cho lời tổng kết, mời độc giả cùng đến với 5 sự kiện thể thao trong nước nổi bật năm 2024 do Báo Thể thao và Văn hóa bầu chọn.
1. Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày 15-10-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đưa ra 09 nhiệm vụ, giải pháp ở các mảng: Thể dục, thể thao cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Hợp tác quốc tế; Thông tin, truyền thông; Thể chế, pháp luật; Khoa học công nghệ, y học thể thao; Nguồn lực phát triển; Kinh tế thể thao và Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đặc biệt, Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Theo đó, từ nay đến năm 2030, thể thao Việt Nam thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu các kỳ Asian Games; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, duy trì vị trí trong nhóm hai đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Asian Games, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic.
2. Thể thao Việt Nam "trắng tay" tại Olympic Paris 2024, Lê Văn Công sở hữu trọn bộ huy chương Paralympic
Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26-7 tới 11-8 với sự tham dự của hơn 10.700 VĐV thuộc 204 đoàn thể thao tranh tài ở 32 môn thi đấu, với 329 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam gồm 39 thành viên trong đó có 16 VĐV thi đấu ở 11/32 môn. Dù đã rất nỗ lực, nhưng các VĐV Việt Nam đã không thể giành được huy chương. Đây cũng là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp, thể thao Việt Nam "trắng tay" rời đại hội.
Từ ngày 28-8 đến 8-9 cũng tại thủ đô nước Pháp đã diễn ra Thế vận hội thể thao người khuyết tật Paralympic 2024. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam với 14 thành viên, trong đó có 7 VĐV tranh tài ở các môn: Cử tạ; Bơi và Điền kinh. Kết quả, lực sỹ Lê Văn Công đã xuất sắc giành tấm huy chương Đồng ở môn cử tạ hạng cân 49 kg nam.
Với thành tích này, Lê Văn Công cũng là VĐV thể thao Người khuyết tật Việt Nam duy nhất đến nay sở hữu trọn bộ huy chương Paralympic gồm: Huy chương Vàng Rio 2026; Huy chương Bạc Tokyo 2020 và huy chương Đồng Paris 2024.
3. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương thế giới
Tại FIVB Challenger Cup 2024 diễn ra vào tháng 7-2024 tại Philippines, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên giành được huy chương ở một giải đấu cấp độ thế giới. Chiến thắng trước đội tuyển Bỉ hùng mạnh giúp Trần Thị Thanh Thúy và các đồng đội cán đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc, trong lần thứ 2 liên tiếp dự giải đấu danh giá này.
Trước đó, vào tháng 5-2024, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công chức vô địch AVC Challenge Cup 2024. Đây được coi là một chiến tích lẫy lừng của thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, khẳng định vị thế của bóng chuyền nữ nước nhà ở các sân chơi cấp châu lục.
Ngoài hai chiến tích trên, bóng chuyền nữ Việt Nam còn gặt hái được những thành công khác trên đấu trường quốc tế trong năm 2024 với tấm huy chương Bạc cả hai chặng giải Đông Nam Á SEA V.League 2024, hay làm nên lịch sử khi lần đầu giành quyền tham dự giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới diễn ra ở Thái Lan vào năm 2025.
4. Cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu chính thức cho đội tuyển Việt Nam
Liên tục thất bại tại ASIAN Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026 đã khiến HLV người Pháp Philippe Troussier phải ra đi. Chưa đầy 2 tháng sau, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã bổ nhiệm ông thầy Hàn Quốc Kim Sang Sik vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia và đội tuyển bóng đá U23 quốc gia.
Tuy nhiên, sau những "cú trượt" khá sâu mà "Phù thủy trắng" để lại, bóng đá Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trên nhiều phương diện. Nhưng rồi, niềm tin từ người hâm mộ nước nhà đã trở lại vào cuối năm với quyết định mang tính lịch sử - Nguyễn Xuân Son trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại 1 giải đấu quốc tế chính thức, ASEAN Cup 2024.
Ngày 21-12-2024 đã đi vào lịch sử bóng đá nước nhà, khi Nguyễn Xuân Son ghi 2 bàn và góp phần quan trọng trong chiến thắng 5-0 trước Myanmar tại bảng B, sau đó góp công lớn đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết, để mở ra một hướng đi mới với nhiều kỳ vọng.
5. Năm bùng nổ của Pickleball
Xuất hiện từ cách đây 6 năm, song đến 2024, Pickleball bất ngờ trở thành một hiện tượng vô cùng đặc biệt trong đời sống thể thao tại Việt Nam với sự bùng nổ về quy mô, địa bàn, phong trào, số lượng người chơi và sân chơi theo cách khó tin, chính xác hơn là chưa từng có trong đời sống thể thao nước nhà.
Theo thống kê sơ bộ, đã có 15 nghìn người chơi môn này thường xuyên. Pickleball Việt Nam được đánh giá đang có tốc độ phát triển thuộc diện nhanh nhất thế giới, thậm chí có tiềm năng và cơ hội để gia nhập nhóm 4 cường quốc châu lục nếu được thúc đẩy, quản lý theo chuẩn quốc tế.
Dù Pickleball cũng đã bộc lộ những mặt trái phía sau màn tăng tốc chóng mặt, rõ nhất như sự tự phát trong tập luyện, thi đấu, trang phục, các biểu hiện "đua trend" hay chạy theo lợi nhuận thuần túy. Nhưng không thể phủ nhận rằng, cần có một chiến lược với lộ trình, đích nhắm, giải pháp để môn thể thao này từng bước "đột phá" lên chuyên nghiệp, thành một môn thể thao đại chúng.
(Theo https://thethaovanhoa.vn/5-su-kien-the-thao-viet-nam-noi-bat-nam-2024-2024123023385577.htm)