Chủ Nhật, 08/12/2024, 15:27 (GMT+7)
.

Bối rối tìm lối đi

Năm 2024, Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức bốn giải cầu lông quốc tế lớn. Sự góp mặt của các tay vợt tài năng đến từ nhiều quốc gia đã mở ra cơ hội cọ xát quý giá cho các vận động viên, đồng thời cũng gợi mở đường hướng phát triển với bộ môn này.

Văn Hải và Vân Anh là hai tay vợt Việt Nam hiếm hoi lọt tới chung kết Vietnam International Series II.
Văn Hải và Vân Anh là hai tay vợt Việt Nam hiếm hoi lọt tới chung kết Vietnam International Series II.

Thách thức trên sân nhà

Nếu tính theo thứ hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), các giải đấu quốc tế ở nước ta nằm ở cấp độ khá thấp. Hệ thống giải Vietnam International Series mới kết thúc tại Ninh Bình chỉ thuộc cấp độ 2 của nhóm giải hạng 3. Sự kiện này tưởng chừng sẽ là cơ hội để các vận động viên nội trổ tài nhưng thực tế không hề dễ dàng.

Với các đội tuyển cầu lông trên thế giới, ban huấn luyện sẽ xây dựng lộ trình thi đấu chung quanh các nước Đông Á hoặc Đông Nam Á để làm bàn đạp gây dựng sự nghiệp. Các tuyến khác nhau trong đội sẽ lựa chọn giải đấu phù hợp để cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.

Những giải đấu này có điểm chung là không yêu cầu thứ hạng cao khi tham gia tranh tài. Như Vietnam International Series chấp nhận cả những tay vợt không có điểm số nào đăng ký. Từ đây, các tay vợt sẽ dần thăng hạng hướng tới những sự kiện lớn hơn.

Nhóm tay vợt hạng 3 trong lứa đội tuyển quốc gia Indonesia đã tham dự Vietnam International Series để tích lũy điểm số nâng lên hạng 2. Tay vợt nữ Trung Quốc Gao Fang Jie từng lựa chọn nước ta làm điểm khởi đầu mới, sau quãng thời gian bốn năm nghỉ thi đấu vì chấn thương, để rồi nhanh chóng tìm lại phong độ và vươn lên xếp hạng 21 thế giới. Chính vì lý do này, nhiều đại diện Việt Nam có phần bị ngợp trước sức mạnh vượt trội của những đối thủ tưởng chừng như vô danh.

Không dễ để “ra khơi”

Với các tay vợt Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, chỉ những cá nhân xuất sắc mới được đơn vị chủ quản hay đội tuyển quốc gia thanh toán chi phí tranh tài một số giải vô địch thế giới, châu lục hay khu vực. Những giải đấu nằm ngoài hệ thống này sẽ không được hỗ trợ kinh phí.

“Phần lớn số tiền du đấu quốc tế đến từ nguồn tiền cá nhân hoặc do gia đình tôi hỗ trợ. Do đó, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ và động viên nhiều hơn từ các khán giả nhà để mỗi người có thêm động lực phấn đấu”, tay vợt Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, sau khi nhận chỉ trích vì thành tích thi đấu quốc tế không như ý.

Để nuôi giấc mơ vươn tầm, các vận động viên phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để thi đấu ở các nước trong khu vực. Muốn tranh tài ở châu Âu hay Mỹ, số tiền bỏ ra có thể lên tới 50-100 triệu đồng. Đây là mức kinh phí khó có thể kham nổi.

Đứng trước khó khăn chung, các vận động viên Hàn Quốc hay Trung Quốc sẵn sàng lựa chọn thi đấu tại Đông Nam Á để có nhiều cơ hội tranh tài. Cùng số tiền 3.000 euro du đấu ở châu Âu trong một tuần, họ có thể tham dự hai giải đấu ở Việt Nam và Thái Lan trong vòng hai tuần - đồng nghĩa tích lũy được gấp đôi điểm số.

Như trường hợp Vietnam International Series, nhiều tay vợt quốc tế khẳng định lựa chọn nước ta vì các khoản chi phí đều rẻ hơn đáng kể. Sự “đổ bộ” của các tài năng trẻ xuất chúng trên thế giới phần nào mang đến cơ hội cọ xát tuyệt vời, nhưng cũng tạo nên sức ép cực lớn, khiến các vận động viên trong nước khó có thể giành điểm nâng hạng trên chính sân nhà.

Trong khi đó, nhiều địa phương giờ vẫn dè dặt trong việc đầu tư cho cầu lông do hiệu quả thu được không như mong muốn. Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hiếm hoi đủ tiền chi trả cho các vận động viên tham dự khoảng hai đến ba giải đấu quốc tế mỗi năm.

Tỉnh táo chọn hướng đi

Rõ ràng, các giải đấu quốc tế trong nước và khu vực sẽ là lựa chọn hợp lý về mặt chi phí. Song, nếu không thể tiến xa sau những sự kiện này, ước mơ lọt top thế giới để thi đấu ở những cấp độ cao hơn càng khó khăn gấp bội.

Theo nhận định của giới chuyên môn, các vận động viên Việt Nam cần coi đây như cơ hội hiếm có để tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, đặc biệt với các lứa vận động viên trẻ. Chạm trán những tay vợt có trình độ sẽ giúp mỗi người tiếp thêm sự tự tin, học hỏi kỹ thuật di chuyển, phong cách thi đấu hay chiến thuật mà các đối thủ sử dụng ở từng thời điểm. Từ đó, họ sẽ tìm ra phương pháp vượt qua ngưỡng giới hạn bản thân.

“Tránh gần, đánh xa” đang là giải pháp Đội tuyển cầu lông Việt Nam sử dụng trong nhiều năm nay để tích lũy điểm số và cải thiện thứ hạng. Tay vợt Hải Đăng và Đức Phát từng đến Nigeria thi đấu cũng vì lý do này.

Song, như trường hợp các tay vợt Trung Quốc tới Việt Nam du đấu. Họ không lựa chọn Vietnam International I mà đến Malaysia trước sau đó mới có mặt tại Vietnam International II. Đây là cách giúp họ có cái nhìn tổng quan về những gương mặt trẻ hàng đầu của cầu lông Đông Nam Á trong tương lai. Chúng ta cũng cần tính toán tới vấn đề này khi quyết định lựa chọn các điểm đến.

Càng thi đấu nhiều, cầu lông Việt Nam sẽ có được cái nhìn tổng quan về mặt bằng chung của các đối thủ hay những điểm mạnh và điểm yếu cần cải thiện. Quan trọng hơn cả, việc lựa chọn đầu tư tham dự giải đấu nào để thăng hạng cũng sẽ đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.